Đấu tranh phòng, chống tham nhũng

Không ngập ngừng, chờ đợi, phải quyết liệt, hiệu quả hơn nữa

- Thứ Bảy, 16/01/2021, 06:12 - Chia sẻ
Với sự vào cuộc quyết liệt, tích cực, nghiêm túc, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng ở các địa phương, cơ quan, đơn vị đã có những chuyển động bước đầu. Nhưng nhìn chung, so với kết quả và mong muốn, các địa phương, đơn vị phải triển khai nhiệm vụ này quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, với quyết tâm chính trị cao hơn nữa.

Tích cực, nghiêm túc

Là Đảng bộ lớn nhất cả nước với gần 46 vạn đảng viên, hơn 17 nghìn chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở, hơn 2.300 tổ chức cơ sở đảng và 50 đảng bộ cấp trên cơ sở, Thành ủy Hà Nội xác định công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên, lâu dài và luôn gắn chặt với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Một trong những kết quả nổi bật đạt được là, Thành ủy Hà Nội đã đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, nhất là thanh tra công vụ, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã tiến hành kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với 903 tổ chức đảng và 2.686 đảng viên; kết luận 617 tổ chức đảng và 2.006 đảng viên có vi phạm; thi hành kỷ luật 32 tổ chức đảng, 962 đảng viên. Triển khai 2.482 cuộc thanh tra; phát hiện vi phạm và kiến nghị xử lý thu hồi 2.450 tỷ đồng và 1,055ha đất; kiến nghị xử lý trách nhiệm, rút kinh nghiệm đối với 417 tập thể, 622 cá nhân; kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 42 vụ, trong đó có cả cán bộ chủ chốt của Thành phố, cán bộ diện Bộ Chính trị quản lý.

Là địa phương có số vụ án tham nhũng được phát hiện, xét xử lớn, Hà Nội đã chủ động, tập trung xét xử các vụ án tham nhũng, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không để lọt tội phạm và làm oan người vô tội. Nhiều vụ án nghiêm trọng, phức tạp do Trung ương ủy quyền được giải quyết kịp thời, nghiêm minh đúng pháp luật, được dư luận Nhân dân đồng tình, ủng hộ.

Báo cáo của Thành ủy Hà Nội tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020 cho thấy, từ năm 2013 đến nay, đã đưa 50 vụ án, vụ việc vào diện Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã phân công Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố kiểm sát sơ thẩm đối với 28 vụ án/218 bị can vi phạm án tham nhũng, kinh tế lớn, nghiêm trọng, phức tạp, thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi, chỉ đạo; Tòa án thành phố tổ chức xét xử và tuyên án 26 vụ đối với 204 bị cáo. Công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án về phòng, chống tham nhũng được thực hiện nghiêm túc. Đã thụ lý điều tra 169 vụ với 497 bị can; khởi tố 134 vụ với 444 bị can; truy tố 130 vụ với 433 bị can; xét xử 259 vụ với 838 bị cáo liên quan đến các tội về tham nhũng; tổng số tài sản đã thu hồi được trong các vụ án tham nhũng là 9.664 tỷ đồng; 436m2 đất. Tòa án Nhân dân thành phố được giao xét xử sơ thẩm nhiều vụ việc đại án, dư luận cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm theo dõi, đánh giá cao... Từ kết quả công tác chỉ đạo thực hiện về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn, Thanh tra Chính phủ đã đánh giá và công nhận kết quả chỉ số phòng, chống tham nhũng của Hà Nội đã có những chuyển biến tích cực, nghiêm túc.

Tại Đồng Nai, từ thực tiễn kinh nghiệm trong tham mưu cho cấp ủy địa phương lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn, Ban Nội chính Tỉnh ủy địa phương này cũng cho rằng, cần nhấn mạnh bài học về vai trò có tính quyết định của cấp ủy, đặc biệt là người đứng đầu các địa phương trong công tác này. Quá trình tham mưu xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tại địa phương, Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai cũng như các cơ quan tham mưu phòng, chống tham nhũng tại địa phương luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi nhất có thể để thực hiện, hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại địa phương. Nhờ đó, nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng nổi cộm trên địa bàn Đồng Nai được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng mức các hành vi sai phạm của các đối tượng liên quan. Ví dụ như vụ án tham nhũng xảy ra tại Công ty Xổ số kiến thiết Đồng Nai, đã tuyên phạt nguyên Giám đốc công ty 16 năm tù và các đối tượng liên quan với những hình phạt thích đáng, có trường hợp chịu mức án đến 14 năm tù. Hay, vụ việc tiêu cực tại Phòng Nội vụ Thành phố Biên Hòa đã được phát hiện, xử lý kịp thời, tuyên phạt nguyên Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Biên Hòa 13 năm tù. Rồi, vụ tham ô tài sản tại UBND xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tuyên phạt công chức kế toán xã mức án 13 năm tù... Qua đó, đã góp phần chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức địa phương, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung. 

Dẫn ra một vài kết quả đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Hà Nội và Đồng Nai như vậy để minh chứng rằng, những chuyển động từ các địa phương đã góp phần vào kết quả chung của Đảng và Nhà nước ta trong “cuộc chiến” không khoan nhượng này. Điều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước khẳng định, đúc kết thành một trong những nguyên nhân cơ bản của kết quả đạt được, đó là “sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan tham mưu và cấp ủy, tổ chức đảng, các bộ, ngành, địa phương, nhất là sự nỗ lực rất cao của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng và các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và địa phương”.

Còn tâm lý e ngại, dè dặt

Dẫu vậy, kết quả đạt được trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị chưa đồng đều. Với tinh thần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên địa bàn, Thành ủy Hà Nội nêu rõ, công tác thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng còn nhiều khó khăn; một số lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ tham nhũng cao, chưa có biện pháp hữu hiệu để phát hiện và xử lý triệt để. Việc huy động các nguồn vốn từ quỹ đất, tài sản công thuộc sở hữu nhà nước vào đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu. Ngoài ra, trên địa bàn cũng đã xảy ra một số vụ án tham nhũng lớn, gây ảnh hưởng đến uy tín của Hà Nội như vụ án Nhật Cường, vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội (CDC)...

Còn với Ban Nội chính Tỉnh ủy Đồng Nai, thì bên cạnh những mặt thuận lợi, công tác tham mưu phòng, chống tham nhũng cũng gặp một số khó khăn nhất định. Bởi, thực tế hiện nay tại các địa phương vẫn còn một số ít người có tâm lý e ngại về công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Từ đó dẫn đến thái độ dè dặt, cẩn trọng không cần thiết trong thực hiện công tác chuyên môn, luôn có tâm lý “sợ sai” nên không quyết tâm, quyết liệt trong thực thi nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến công việc chung cũng như công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng...

Những chuyển động, kết quả bước đầu đạt được tại các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng là rất đáng ghi nhận. Như nhận định của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng, thì chúng ta hay nói "trên nóng dưới lạnh", nhưng bây giờ "dưới đã bớt lạnh, âm ấm rồi”.

Đương nhiên, so với yêu cầu và mong muốn, thì công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn đang đòi hỏi quyết tâm chính trị cao hơn nữa, thể hiện ở thái độ kiên quyết, không khoan nhượng, và hành động quyết liệt, cụ thể, hiệu quả. Đặc biệt, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm về những yếu kém, sai phạm về tham nhũng trong tổ chức, cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài. Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước chỉ rõ, tuyệt nhiên không được chủ quan, thỏa mãn, không được ngập ngừng, chờ đợi, mà phải tiếp tục đẩy mạnh, quyết liệt, thường xuyên, kiên trì, liên tục, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên phải coi công tác phòng, chống tham nhũng là một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Có như vậy, mới có thể khắc phục triệt để tình trạng "trên nóng, dưới lạnh", tạo chuyển biến rõ rệt hơn nữa trong phát hiện, xử lý tham nhũng ở địa phương, cơ sở.

Anh Phương