Sổ tay:

Không nên đánh đồng!

- Thứ Ba, 02/03/2021, 08:41 - Chia sẻ
Theo Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức thì khi nâng ngạch, chuyển ngạch, thăng hạng... đều phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ, quản lý nhà nước tương ứng. Đối với các ngành chuyên môn đặc thù còn có thêm chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp như ngành giáo dục gọi là chứng chỉ bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp.

Theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT tiêu chuẩn bổ nhiệm, xếp lương giáo viên mầm non; Thông tư 02/2021/TT-BGDĐT tiêu chuẩn bổ nhiệm, xếp lương giáo viên tiểu học; Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT bổ nhiệm, xếp lương giáo viên THCS công lập, thì giáo viên ở hạng nào phải có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp của hạng đó, nếu không thì sẽ bị xếp tụt hạng hoặc giữ mã ngạch cũ và hệ số lương cũ thấp so với hệ số lương mới.

Tuy nhiên, điều không chỉ giáo viên mà cả xã hội đang quan tâm là việc áp dụng quy định này sao cho phù hợp, nhất là đối với các giáo viên đã giảng dạy, giữ ngạch, giữ hạng lâu năm. Nghĩa là không nên đánh đồng - cùng lúc bắt buộc tất cả những người chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng. Điều này  không chỉ gây tốn kém tiền bạc, thời gian của giáo viên, lãng phí nguồn lực xã hội, mà tạo tâm lý ức chế, bức xúc đối với không ít giáo viên, nhất là những người có thâm niên trong hoạt động giảng dạy.

Theo đó, thay vì áp dụng cho toàn bộ giáo viên chưa có chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì Bộ Giáo dục và Đào tạo nên điều chỉnh các thông tư trên theo hướng chỉ áp dụng đối với những đối tượng mới vào nghề hoặc muốn xét thăng hạng cao hơn. Đối với những giáo viên đang giữ hạng, giữ mã ngạch hiện hưởng thì được miễn chứng chỉ chức danh nghề nghiệp và được giữ nguyên lương, nguyên hạng. Thậm chí, có thể xem xét đến thời điểm áp dụng của các thông tư trên, theo đó chỉ áp dụng đối với kể từ nay trở về sau, những người đã giữ hạng trước đó thì không áp dụng. 

Ngoài ra, cần có quy định miễn giảm chứng chỉ này đối với những giáo viên lớn tuổi, sắp về hưu hoặc có thâm niên trong công tác giảng dạy khi xét thăng hạng tương tự như thi nâng ngạch đối với công chức.

Có thể nói, việc bắt buộc giáo viên học bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp tùy thuộc vào hạng đang giữ là không cần thiết, lãng phí nguồn lực xã hội, gây khó cho giáo viên. Bởi vì, thực chất việc học chứng chỉ này không phải nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ mà học chỉ để cập nhật, hợp thức hóa cho đủ hồ sơ theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà thôi. Không có chứng chỉ này thì các giáo viên cũng đã giữ hạng đó và đều làm tốt chức trách, nhiệm vụ, nghề nghiệp của mình.

Xa hơn Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ, ngành liên quan cần rà soát bỏ các loại chứng chỉ, bằng cấp không cần thiết như ngoại ngữ, tin học, thậm chí cả chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Bởi chúng chỉ làm khó công chức, viên chức nhưng không thực chất, không phục vụ gì cho công tác chuyên môn, nghiệp vụ.                        

Phạm Chung