Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Không làm tốt, nói sẽ không ai nghe

- Thứ Bảy, 13/02/2021, 08:12 - Chia sẻ
Hàng năm, Bộ Nội vụ nhận được đề nghị về biên chế, gần như không có bộ, ngành, địa phương nào đề nghị giảm biên chế, cơ quan nào cũng đề nghị tăng. Đây là vấn đề khó và nhạy cảm nhưng Bộ trưởng Bộ Nội vụ LÊ VĨNH TÂN cho rằng, nghị quyết của Trung ương, Quốc hội đã có, phải cương quyết thực hiện. Với vai trò là cơ quan “gác cổng” về lĩnh vực này, theo Bộ trưởng cơ quan làm công tác này phải làm tốt nhiệm vụ, làm “sạch” nhà mình trước, làm “sạch” nhà người khác sau, bởi không làm tốt, nói sẽ không ai nghe.

Không có bộ, ngành, địa phương nào đề nghị giảm biên chế

-Tinh giản biên chế là một vấn đề khó, song nhiều ý kiến rằng, Bộ Nội vụ đã thành công trong thực hiện nhiệm vụ này. Với chặng đường 5 năm qua, Bộ trưởng nhìn nhận về vấn đề này như thế nào?

- Có thể nói, tinh giản biên chế chúng ta thực hiện tương đối quy củ. Trong hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã có 3 lần sắp xếp đổi mới, giai đoạn 1989 -2000 chủ yếu sắp xếp các đơn vị quốc doanh và sắp xếp tổ chức bộ máy của các cơ quan bộ. Trong giai đoạn này, thực hiện tinh giản biên chế không được nhiều.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Giai đoạn thứ hai từ 2001 – 2014, đây là giai đoạn sắp xếp các cơ quan chuyên môn tập trung chủ yếu sắp xếp, sáp nhập các cơ quan của Chính phủ, sau đó tiếp tục sáp nhập ở cấp tỉnh, sở, có sáp nhập, chia tách một số các đơn vị hành chính. Trong thời gian này, chúng ta thực hiện chế độ khoán kinh phí. Do đó, tinh giản biên chế trong giai đoạn này chủ yếu là người không đủ trình độ, năng lực và sắp xếp các đơn vị hành chính dư thừa, chưa đặt vấn đề xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức. Do đó, tinh giản biên chế trong giai đoạn này không đạt mục tiêu đề ra.

Dong Thap xay trung tam hanh chinh 
20 ty dong anh 1
Bộ phận "Một cửa" tại UBND TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Nguồn ITN

Từ 2015 đến nay, thực hiện Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 18, 19 của Hội nghị Trung ương 6, Khóa XII, và Nghị quyết 56 của Quốc hội, chúng ta bắt đầu xây dựng thể chế xác định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan để quy định tổ chức bộ máy, tiến hành xây dựng vị trí việc làm, xây dựng tiêu chí thành lập các cơ quan, xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, công chức, viên chức. Như vậy, đi trước bằng thể chế, muốn thành lập cơ quan đơn vị thì phải bảo đảm thỏa mãn các tiêu chí, điều kiện. Nếu như trước đây việc tinh giản biên chế chúng ta không quy định tỷ lệ cụ thể thì hiện nay, việc thu gọn đầu mối bên trong của các đơn vị, và thực hiện tinh giản biên chế có chỉ tiêu cụ thể bình quân trong mỗi giai đoạn là 10%. Theo Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị, đến năm 2021 sẽ tinh giản biên chế 10% đối với công chức, và 10% đối với người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập thì chúng ta tin rằng hoàn toàn có thể đạt được. Hiện nay Thủ tướng Chính phủ giao biên chế công chức năm 2021 là giảm trên 10%, và những người hưởng lương từ ngân sách nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập giảm trên 11,98%.

Ngoài ra, sắp xếp các đơn vị hành chính cũng góp phần thực hiện tinh giản biên chế. Trên cơ sở Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, xây dựng các tiêu chuẩn, điều kiện, đưa ra lộ trình và có tỷ lệ hợp lý, sau đó mới tiến hành sắp xếp tổ chức tinh giản biên chế, thì tỷ lệ tinh giản biên chế sẽ bảo đảm mục tiêu đề ra.

-Là Bộ “gác cửa” cho Chính phủ về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, về cán bộ, công chức, viên chức, Bộ trưởng có thể gặp rất nhiều áp lực từ các bộ, ngành, địa phương?

-|Như chúng ta đã biết, sắp xếp tổ chức, bộ máy, tinh giản biên chế là lĩnh vực nhạy cảm. Hàng năm, Bộ nhận được đề nghị về biên chế của các bộ, ngành, địa phương. Điều đáng nói, gần như không có bộ, ngành, địa phương nào đề nghị giảm biên chế, cơ quan nào cũng đề nghị tăng nhưng Nghị quyết Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội đã có, buộc chúng ta phải cương quyết thực hiện theo đúng yêu cầu đặt ra.

Thời gian qua các địa phương còn xin giữ, xin tăng thêm biên chế cũng vì lý do chúng ta thực hiện khoán kinh phí trên biên chế. Tôi nhấn mạnh nhiều lần là phải cương quyết thực hiện chính sách lương mới để chấm dứt tình trạng khoán kinh phí trên biên chế.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Việc thực hiện tinh giản biên chế có lộ trình, có mục đích rất rõ ràng. Không thực hiện được nhiệm vụ sắp xếp tổ chức và tinh giản biên chế đồng nghĩa với việc chúng ta không thực hiện được chính sách cải cách tiền lương. Muốn tinh giản được phải đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm thủ tục giấy tờ, sử dụng công nghệ thông tin. Phải giảm được những người làm việc kém, năng suất không đạt yêu cầu nhiệm vụ để lựa chọn người tốt hơn.

Nếu chấm dứt tình trạng khoán kinh phí biên chế thì sẽ không còn phát sinh thêm biên chế. Chúng ta sẽ chọn, sử dụng người làm được việc, để tăng thêm thu nhập cho cán bộ, công chức. Nhưng việc tinh giản, cắt giảm phải căn cứ vào tình hình thực tế. Đơn cử, trong năm 2019, năm 2020, Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Y tế đã 2 lần xử lý, giải quyết bổ sung biên chế cho ngành y tế và giáo dục. Đây là vấn đề cần thiết phải làm.

Trong lộ trình sắp tới, sau khi tổng kết Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị vào cuối năm 2021, Bộ sẽ đề nghị những giải pháp mới để tiếp tục thực hiện sắp xếp, tinh giản biên chế, kết hợp cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để đảm bảo nhà nước hoạt động có hiệu lực, hiệu quả hơn.

Phải làm “sạch” nhà mình trước

- Bộ trưởng có một câu nói khá ấn tượng là “quét nhà thì quét nhà mình trước”. Vậy trong nhiệm kỳ này, Bộ trưởng đã “quét” nhà mình như thế nào, thưa Bộ trưởng?

-Đây cũng là câu hỏi mà nhiều phóng viên đã hỏi tôi (cười). Tôi luôn tâm đắc với câu nói của Khổng Tử: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Câu nói rất hay, ngụ ý là vấn đề nêu gương, nếu mình không tu thân, không phải là người tốt, không làm tốt thì nói sẽ không ai nghe, nghĩa là chúng ta phải nói được, làm được, phải thực sự gương mẫu.

Sắp xếp, tinh gọn bộ máy nhà nước giúp nâng cao chất lượng phục vụ Nhân dân tốt hơn

Tinh giản biên chế chúng ta cũng không nên giảm cơ học, nơi nào không cần thiết phải kiên quyết giảm, nơi cần thiết vẫn phải bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tế đòi hỏi của công việc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Tôi muốn thông điệp này đến các bộ, ngành địa phương chứ không phải riêng Bộ Nội vụ hoặc cá nhân tôi trong thời gian qua. Bộ Nội vụ là một trong những đơn vị tiên phong và thực hiện nghiêm túc việc sắp xếp tổ chức bộ máy, sắp xếp các đơn vị sự nghiệp, thực hiện tinh giản biên chế, xử lý kỷ luật đối với cán bộ vi phạm cũng như xử lý vi phạm trong việc tuyển dụng theo Kết luận số 71-KL/TW. Có như vậy, Bộ mới góp ý cho các địa phương, các bộ, ngành để khắc phục, sửa chữa những tồn tại trong lĩnh vực này. Phải làm “sạch” nhà mình trước, rồi mới làm “sạch” nhà người khác.

-Nhìn lại nhiệm kỳ 5 năm qua, Bộ trưởng có thấy bằng lòng với kết quả đã đạt được? Còn những trăn trở, những vấn đề gì mà Bộ trưởng vẫn thấy mình còn “nợ” cử tri?

- Nếu hỏi đã bằng lòng chưa thì tôi không bao giờ bằng lòng với phần hiện có. Tôi chỉ tiếc rằng mình vẫn chưa làm được nhiều. Những việc chưa làm được, người kế nhiệm sẽ tiếp tục thực hiện. Tôi tin rằng, người kế nhiệm sẽ làm tốt hơn tôi và sẽ có nhiều sáng kiến hơn, làm mạnh mẽ hơn để thực hiện những điều mà tôi còn trăn trở chưa làm được.

Lùi thời điểm cải cách tiền lương đến năm 2022

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân: điều tôi trăn trở, day dứt là chưa xây dựng được một cơ chế tiền lương để tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức

Điều mà tôi trăn trở, day dứt đó là chúng ta làm chính sách tiền lương nhưng chưa xây dựng được một chính sách mới, chưa xây dựng được một cơ chế tiền lương để tạo động lực làm việc cho cán bộ, công chức, viên chức. Điều này đã đưa vào định hướng kế hoạch của 5 năm tới. Mong rằng, tình hình kinh tế - xã hội tốt hơn để sớm thực hiện được cơ chế tiền lương. Đây là một chính sách được mọi người rất quan tâm.

Mong muốn thứ hai của tôi, đó là làm sao phải xây dựng được một bộ máy hành chính nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh và chỉ thực hiện đúng chức năng quản lý của mình, không làm việc khác. Muốn vậy, phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương các cấp. Thời gian qua, Bộ Nội vụ đã cố gắng rất lớn tham mưu cho Chính phủ ban hành Nghị quyết số: 99/NQ-CP để phân cấp cho các bộ, ngành và địa phương.

Có những việc không thể trong nhiệm kỳ 5 năm làm Bộ trưởng tôi làm được mà những người tiếp theo sẽ tiếp tục thực hiện, tiếp tục đổi mới, không thể dừng lại ở kết quả nào đó.

Tôi cảm ơn Đảng, Chính phủ, các địa phương, các bộ, ngành, cán bộ, công chức của Bộ Nội vụ đã cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ trong thời gian qua để tôi thực hiện nhiệm vụ. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi mình đã hoàn thành công việc của mình.

Nhân dịp đầu năm mới, thay mặt lãnh đạo Bộ Nội vụ, tôi xin chúc các cán bộ, công chức, viên chức nói chung và cán bộ, công chức của ngành Nội vụ nói riêng dồi dào sức khỏe, an khang thịnh vượng.  
-Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Hà An