Không giữ nguyên, nhưng tránh “hy sinh” di sản

- Thứ Sáu, 25/12/2020, 07:46 - Chia sẻ
Khai thác phục vụ thương mại hóa, tận thu từ di sản; chạy theo thành tích, danh hiệu, nhưng lại không quan tâm đúng mức đến bảo tồn; hay giữ nguyên cái cũ, khước từ yếu tố mới của đời sống hiện đại... Rất nhiều ví dụ cho thấy việc bảo tồn di sản văn hóa phù hợp với phát triển vẫn đang nóng bỏng, dù đây là một chủ đề không mới.

Thách thức giữa bảo tồn và phát triển

Tại hội thảo khoa học quốc gia “Giải pháp hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội” do Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia cho rằng, với bề dày truyền thống văn hiến, Việt Nam có kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng phong phú. Đó là nguồn tài nguyên nhân văn quý giá, là tài sản để các thế hệ hôm nay kế thừa, khai thác, phát huy phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế, những năm qua, công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, góp phần khôi phục, bảo vệ, lưu giữ, trao truyền các giá trị văn hóa của quá khứ, đồng thời khai thác tốt di sản, đóng góp hiệu quả cho ngân sách quốc gia.

		Giải quyết hài hòa mối quan hệ bảo tồn di sản văn hóa và phát triển Ảnh: ITN
Giải quyết hài hòa mối quan hệ bảo tồn di sản văn hóa và phát triển
Ảnh: ITN

Tuy nhiên, công cuộc này cũng đang đối mặt với rất nhiều thách thức trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển, giữ gìn và khai thác, cân bằng mục tiêu kinh tế và mục tiêu văn hóa. Chẳng hạn, nhiều di sản văn hóa đã được khai thác, trở thành sản phẩm du lịch có sức hút, nhưng cũng gây ra các hệ quả khó khắc phục, như việc nâng cấp di sản, trùng tu, làm mới di tích, danh thắng trở nên hoành tráng hơn, nổi tiếng hơn, nhưng ít quan tâm đến yếu tố nguyên gốc và cảnh quan xung quanh; hay tình trạng lạm dụng, khai thác cạn kiệt di sản thiên nhiên mà không tính đến đặc điểm, tính chất, tuổi thọ...; phát triển nóng về du lịch vượt qua khả năng đáp ứng, gây hậu quả về môi trường, nếp sống văn hóa với cư dân bản địa; sân khấu hóa nghi lễ văn hóa tâm linh, đáp ứng nhu cầu giải trí của du khách, song làm biến dạng vốn cổ, tầm thường hóa di sản... Ngoài du lịch, các ngành xây dựng, quy hoạch, giao thông, khai thác khoáng sản... cũng đang có những xung đột với bảo tồn di sản văn hóa.

Song, bảo tồn không có nghĩa là giữ nguyên, không biết phát huy giá trị của di sản, hoặc cản trở nhu cầu của đời sống hiện đại. Theo GS.TS. Từ Thị Loan, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, nhiều địa phương sở hữu những di sản rất quý, đầy tiềm năng để khai thác, nhưng do vẫn trung thành với cách làm cũ, tư duy theo lối mòn, không năng động đổi mới, nên sống trên di sản mà không khai thác được giá trị di sản. Một số bảo tàng sở hữu những cổ vật, bảo vật quý giá, nhưng do lo lắng mất mát, hư hại, nên chủ yếu thiên về cất giữ, bảo vệ di sản, cho vào kho khóa kỹ, cách ly với đời sống xã hội. Với di sản văn hóa phi vật thể, nhiều ý kiến cải biên, phát triển bị lên án... Có thể thấy, nếu chỉ quan tâm đến bảo tồn di sản, giữ gìn truyền thống mà khước từ mọi yếu tố mới, thì sẽ rất khó phát huy giá trị của di sản, không khai thác phục vụ mục tiêu phát triển.

Hướng tới mục tiêu kép

Việc xử lý mối quan hệ giữa bảo tồn di sản và phát triển luôn là vấn đề hết sức phức tạp, không chỉ với riêng Việt Nam. Tuy vậy, thực tế cho thấy, di sản nào được đối xử một cách thỏa đáng cả hai vế bảo tồn và phát huy, giữ gìn và khai thác, thì sẽ thu được kết quả tích cực và bền vững. Đây là khuynh hướng ứng xử với di sản lý tưởng nhất và được khuyến khích nhất, như vậy, sẽ đạt được “mục tiêu kép”, vừa bảo vệ được di sản, vừa đạt được hiệu quả kinh tế. Nhưng đây cũng là một bài toán không dễ thực hiện, đến nay chỉ có một số di sản ở nước ta đạt tới như đô thị cổ Hội An, Quần thể di tích cố đô Huế, Văn Miếu - Quốc Tử Giám...

Theo GS.TS. Từ Thị Loan, cần tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa cho các cấp lãnh đạo địa phương, từ đó tránh được những định hướng, quyết sách sai lầm, chệnh hướng trong xử lý mối quan hệ bảo tồn - phát triển; đồng thời nâng cao nhận thức cho cộng đồng là chủ thể của di sản hoặc sống dựa vào di sản để góp phần khắc phục tình trạng thương mại hóa, hoành tráng hóa, giải thiêng di sản. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về di sản; phát huy vai trò tự quản, tự giác và chủ động của cộng đồng trong công cuộc bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; tận dụng vai trò của các nhà khoa học, chuyên gia, phản biện xã hội trong bảo tồn và phát huy di sản văn hóa.

TS. Lê Thị Minh Lý, Hội Di sản văn hóa Việt Nam, cho rằng, ở Việt Nam hiện nay có khá nhiều di sản văn hóa phi vật thể đã trở thành thương hiệu nổi tiếng, nhiều doanh nhân thành đạt từ di sản, thông qua việc sáng tạo các sản phẩm mới, tạo giá trị gia tăng. Họ có thể là chủ thể di sản, hoặc người được ủy thác để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hoặc tham gia tái sáng tạo và phát triển kinh tế, hoặc thuần túy là nhà kinh doanh. Họ rất tâm huyết với nghề, với di sản, tuy nhiên họ rất cần được hiểu biết về di sản, rất cần sự hướng dẫn, kết nối với các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Cộng đồng cần họ, Nhà nước cũng rất cần họ, bởi họ là cầu nối, là điểm tựa cho sáng tạo di sản, cho sự gia tăng giá trị để trở thành những sản phẩm văn hóa, để di sản đi vào đời sống...

Kinh tế và văn hóa là hai yếu tố tương tác, phụ thuộc, bổ sung cho nhau. Hoàn toàn có thể khai thác khía cạnh kinh tế của di sản văn hóa để tạo động lực cho phát triển và di sản văn hóa cần được nhìn nhận như một bộ phận hữu cơ trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Điều đó đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng, sự chủ động, linh hoạt vận dụng các nguyên tắc khoa học để lựa chọn phương án bảo tồn tối ưu, vừa khai thác được tiềm năng kinh tế của di sản, vừa giữ gìn được các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, đồng thời bảo đảm sự phát triển bền vững của di sản.

Thảo Nguyên