Không được bỏ lỡ cơ hội!

- Chủ Nhật, 22/08/2021, 05:14 - Chia sẻ

Theo chương trình lập pháp năm 2022, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp tháng 5 và nếu bảo đảm chất lượng, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua tại Kỳ họp tháng 10. Nếu tính từ cuộc làm việc đầu tiên của Bí thư Đảng đoàn Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường - cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) - và các bộ, ngành liên quan hôm 19.8 vừa qua, Chính phủ và các cơ quan của Quốc hội sẽ có khoảng 10 tháng để chuẩn bị dự luật này, chưa kể, việc chuẩn bị sửa đổi Luật Đất đai trên thực tế đã được triển khai từ tháng 8.2020. Dù thế, với một dự luật “khó, phức tạp và nhạy cảm bậc nhất” trong hệ thống pháp luật nước ta như Luật Đất đai thì chừng đó thời gian cũng mới chỉ là “điều kiện cần”.

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội tại cuộc làm việc kể trên, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đang triển khai nghiên cứu, thể chế hóa 3 nhóm vấn đề với 9 chính sách lớn gồm: Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng; giá đất; tài chính đất đai; quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong quản lý, sử dụng đất đai; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đất đai; đo đạc, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận; quyền của người sử dụng đất; chế độ sử dụng đất.

Để ra được 9 chính sách này, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, một khối lượng công việc rất lớn đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành địa phương tập trung thực hiện kể từ cuối năm 2020 đến nay, từ tổng kết thi hành Luật Đất đai, đề xuất các chính sách cụ thể đến tổ chức các Hội nghị, hội thảo khoa học với các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các tổ chức quốc tế (World bank, ADB…), học tập kinh nghiệm quốc tế về quản lý đất đai ở các nước phát triển cũng như các nước có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Vì thế, 9 chính sách được Bộ Tài nguyên và Môi trường dự kiến sửa đổi được đánh giá là rất đúng, trúng đòi hỏi của thực tiễn quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai hiện nay. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Từ thực tiễn chủ trì giúp Đảng đoàn Quốc hội xây dựng báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có một báo cáo dày dặn, chỉ ra hàng loạt các nhóm vấn đề phải được xem xét, bổ sung, làm rõ trong quá trình nghiên cứu, sửa đổi Luật Đất đai. Đơn cử như nhóm vấn đề thống nhất quy định về người sử dụng đất cũng như quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất tương ứng với chế độ sử dụng đất giữa pháp luật về đất đai và pháp luật về dân sự, nhà ở, đầu tư… Hay nhóm vấn đề về quản lý, sử dụng các loại đất được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau như đất nông nghiệp kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, sản xuất năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; đất ở kết hợp với thương mại, dịch vụ; đất sử dụng cho dự án du lịch có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh; đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Nhóm vấn đề về quản lý, sử dụng đất theo không gian ngầm và trên không. Đổi mới chính sách tài chính về đất đai và giá đất theo hướng hiệu quả, bền vững; hoàn thiện các phương pháp xác định giá đất bảo đảm khách quan, minh bạch, phù hợp với giá thị trường, giá đất phải được tính đúng, tính đủ các giá trị tăng thêm từ các yếu tố lợi thế, trong đó có lợi thế về vị trí địa lý, lợi thế do quy hoạch, chuyển mục đích sử dụng đất, đầu tư kết cấu hạ tầng...

Cũng cần nói thêm rằng, đó mới chỉ là những “gạch đầu dòng”, gọi tên nhóm vấn đề, nếu đi sâu vào từng vấn đề, xác định đúng nội hàm, rồi đánh giá tác động, lấy ý kiến của giới chuyên gia, người dân, doanh nghiệp... để thể chế hóa thành điều luật cụ thể thì khối lượng công việc sắp tới là vô cùng lớn, có tính chuyên sâu và phức tạp hơn rất nhiều.

Cái khó đối với việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là phải tiến hành song song với việc tổng kết Nghị quyết 19 của Trung ương. Đúng như chia sẻ của các bộ trưởng tại cuộc làm việc hôm 19.8, nếu Trung ương tổng kết xong và ban hành nghị quyết mới rồi mới tiến hành xây dựng, soạn thảo dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nhưng chúng ta không có thời gian chờ đợi. Những bất cập của hệ thống pháp luật và cả những vi phạm, tiêu cực gay gắt trong quá trình thực thi pháp luật về đất đai, những yêu cầu đặt ra đối với việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng để đất đai thực sự trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước trong dài hạn đòi hỏi Luật Đất đai phải được sửa đổi càng sớm càng tốt.

Vì thế, một yêu cầu được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặc biệt nhấn mạnh tại cuộc làm việc chính là “phải bám sát quá trình tổng kết Nghị quyết 19, đặc biệt là cập nhật ngay các quan điểm chỉ đạo của Trung ương trong quá trình tổng kết Nghị quyết này và các chủ trương, định hướng lớn về quản lý, sử dụng nguồn lực đất đai được thể hiện tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết số 39 của Trung ương và các nguồn lực của nền kinh tế.

“Chúng ta không được bỏ lỡ cơ hội sửa đổi căn cơ đạo luật đặc biệt quan trọng này”. Nhấn mạnh yêu cầu này, Chủ tịch Quốc hội cũng một lần nữa khẳng định quan điểm Quốc hội chủ động vào cuộc từ sớm, từ xa với Chính phủ trong công tác xây dựng luật khi đồng ý không câu nệ “chốt cứng” có mấy chính sách cần sửa đổi, mà trên cơ sở tổng kết, đánh giá, nghiên cứu khách quan, toàn diện, kỹ lưỡng, có thể báo cáo Quốc hội điều chỉnh, quan trọng nhất là nội dung đề xuất sửa đổi phải thật "chín"! 

Hải Lam