Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025:

Không để xã nào bị bỏ lại phía sau

- Chủ Nhật, 27/06/2021, 05:41 - Chia sẻ
Chỉ ra thực tế các xã miền núi, vùng dân tộc thiểu số đang tụt lại so với các xã vùng đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long trong "cuộc đua" xây dựng nông thôn mới, các đại biểu tham dự phiên họp của Thường trực Hội đồng Dân tộc mới đây nhất trí cho rằng, cần có những giải pháp đột phá, trọng tâm, hiệu quả hơn để giúp vùng dân tộc thiểu số và miền núi không bị bỏ lại phía sau.

Tập trung cho vùng khó khăn nhất

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025 tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV.

Trước đó, tại phiên họp thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc đối với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới (Chương trình) giai đoạn 2021 - 2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thành Nam khẳng định, trong giai đoạn 2016 - 2020, Chương trình đã trở thành phong trào sôi nổi, rộng khắp trên cả nước. "Xây dựng nông thôn mới đã về đích trước thời hạn, với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với đặc thù vùng dân tộc thiểu số và miền núi", nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng đánh giá. 

Tuy nhiên, ông Phan Văn Hùng cũng chỉ rõ: Kết quả xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số đang trái ngược với vùng đồng bằng sông Hồng. Ông dẫn chứng, nếu như xây dựng nông thôn mới vùng đồng bằng sông Hồng đạt 84%, vùng Tây Nguyên đạt 47%; đồng bằng sông Cửu Long đạt 45% thì xây dựng nông thôn mới vùng miền núi phía Bắc chỉ đạt 28,6%, rất thấp so với các vùng khác. Điều đó cho thấy, khó khăn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 sẽ tập trung ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nhất là vùng dân tộc thiểu số và miền núi phía Bắc.

Ước tính, hiện còn hơn 187 xã ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi chưa có đường ô tô cứng hóa đến trung tâm. Hơn 6.000 thôn, bản chỉ có đường đất, đường tạm; 31 xã chưa có điện, 3.400 thôn, bản chưa có đường điện hạ thế; dưới 10% tỷ lệ người được sở hữu máy tính và tiếp cận internet; 11,4% người dân tộc thiểu số chưa được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh; 59,6% chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh. Thậm chí một số dân tộc như Mảng, Khơ Mú chỉ có 10% có công trình phụ. Vấn đề quy hoạch sắp xếp dân cư để tiếp cận hạ tầng dịch vụ cơ bản, nhất là định canh, định cư chưa được nhiều. Khoảng cách trung bình từ nhà của hộ đồng bào dân tộc thiểu số đến bệnh viện là 14,7km, cá biệt dân tộc Ơ Đu là 52km… Chỉ ra thực tế này, ông Hùng khẳng định, nếu không tập trung vốn đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi sẽ rất khó để hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới.

Nguyên  Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Phan Văn Hùng phát biểu tại phiên họp thẩm tra của Thường trực Hội đồng Dân tộc - Ảnh: Hoàng Ngọc

Mạnh dạn giao cho địa phương

Đối với Chương trình giai đoạn 2021 - 2025, theo ông Phan Văn Hùng, cần nhận diện những khó khăn để giải quyết và đưa ra các giải pháp đột phá hơn. Đơn cử như tình trạng hôn nhân cận huyết, một số hủ tục lạc hậu, tranh chấp đất đai... vẫn là những vấn đề chưa được giải quyết triệt để trong xây dựng nông thôn mới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Một số ý kiến bày tỏ lo ngại về sự trùng lặp đối tượng, dự án đầu tư giữa Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 với Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, rất khó để phân biệt rạch ròi vì cả ba chương trình đều có chung mục tiêu là giảm nghèo, phát triển kinh tế, xã hội. Hơn nữa với vùng khó khăn như vùng dân tộc thiểu số và miền núi, tách riêng một chương trình có giải quyết được vấn đề hay không, khi mà ở các xã đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số theo chương trình dân tộc thiểu số thì trung bình mỗi năm, một xã chỉ được 1 - 1,5 tỷ đồng. Phải mạnh dạn giao cho địa phương điều phối và giải quyết. Nếu chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo và an sinh xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bỏ đối tượng là xã đặc biệt khó khăn thì lại không đúng, vì trọng tâm giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới chính là vùng dân tộc, vùng khó khăn.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu cho biết thêm, Chính phủ đề ra mục tiêu tổng quát, phấn đấu đến năm 2025 có ít nhất 80% tổng số xã của cả nước đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng đối với các xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mục tiêu này là bất khả thi. Do vậy, cần xác định mục tiêu riêng ở vùng này theo hướng thấp hơn nữa, xã vùng 2, vùng 3 chỉ đạt 30 - 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Bên cạnh đó, giải pháp căn cơ để Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt hiệu quả là khai thác những đặc thù, lợi thế của địa phương theo hướng kinh tế tuần hoàn, bảo đảm hệ sinh thái bền vững. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Giàng A Chu chỉ ra, chúng ta mới chỉ đưa ra chương trình chuyên đề, còn ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đi vào cụ thể sẽ như thế nào? Nhất là khi tiếp cận khoa học công nghệ ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn hạn chế, thì làm sao nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, chế biến, bảo quản để góp phần gia tăng giá trị? 

Xây dựng nông thôn mới để đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với khu vực đô thị; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với quá trình đô thị hóa; kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, sản phẩm có sức cạnh tranh cao, sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, xây dựng nông thôn mới cũng phải bảo đảm không để xã nào bị bỏ lại phía sau.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thành Nam: Cần 51.500 tỷ đồng từ ngân sách trung ương

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được thiết kế với 11 nội dung thành phần. Trong đó, các mục tiêu, chỉ tiêu phấn đấu, nội dung thực hiện phù hợp với định hướng chỉ đạo của Trung ương, đề xuất của các bộ, ngành, địa phương và các quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới các cấp (tỉnh, huyện, xã) theo các mức độ (đạt chuẩn, nâng cao, kiểu mẫu). Chương trình bổ sung một số nội dung mới theo hướng cụ thể hóa các mục tiêu nhiệm vụ đã đặt ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021 - 2030, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của đất nước, các nghị quyết của Quốc hội để tiếp tục xây dựng nông thôn mới đi vào chiều sâu, nâng cao chất lượng và bền vững. Cụ thể như: tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng nông nghiệp sinh thái và kinh tế tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển từ phát triển đơn ngành sang tích hợp đa ngành, từ đơn giá trị sang tích hợp đa giá trị, từ hỗ trợ đầu vào sang vừa hỗ trợ đầu vào, vừa chú trọng hỗ trợ, kết nối đầu ra. Thúc đẩy chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới...

Để hoàn thành đầy đủ các mục tiêu hỗ trợ cho các xã, huyện chưa đạt chuẩn phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, những xã huyện đã đạt chuẩn tiếp tục phấn đấu để đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời, có đủ nguồn lực để hỗ trợ cho các địa phương có điều kiện khó khăn (không thuộc địa bàn của 2 chương trình mục tiêu quốc gia còn lại) phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới, đa số các thành viên Chính phủ đều nhất trí phương án bố trí cho Chương trình khoảng 51.500 tỷ đồng vốn ngân sách trung ương thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, theo ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước, tổng vốn ngân sách trung ương của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 mới bố trí được khoảng 39.632 tỷ đồng, bao gồm: Vốn đầu tư phát triển 30.000 tỷ đồng, trong đó vốn trong nước 27.990 tỷ đồng; vốn vay và viện trợ không hoàn lại của ADB: 88,6 triệu USD (khoảng 2.010 tỷ đồng) của Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn (do Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các tỉnh tham gia Chương trình thực hiện). Vốn sự nghiệp 9.632 tỷ đồng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị trình Quốc hội xem xét, phê duyệt vốn ngân sách trung ương cho Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 là 51.500 tỷ đồng (bao gồm 38.850 tỷ vốn đầu tư phát triển, 12.650 tỷ đồng vốn sự nghiệp); giao Chính phủ nghiên cứu, tìm nguồn bố trí tăng 11.868 tỷ đồng (trong đó, vốn đầu tư phát triển tăng 8.850 tỷ đồng, vốn sự nghiệp tăng 3.018 tỷ đồng) so với phương án của Hội đồng thẩm định Nhà nước, để hỗ trợ các địa phương xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao theo mục tiêu được Đảng, Nhà nước giao.

 

H. Ngọc ghi