Mở cửa hoạt động du lịch quốc tế

Không để mất cơ hội

- Thứ Tư, 26/01/2022, 06:01 - Chia sẻ
Tại Hội thảo “Thống nhất lộ trình, giải pháp mở cửa hoạt động du lịch quốc tế” mới đây, ý kiến từ các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp cho thấy, để thúc đẩy du lịch phát triển, tiến tới mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, trước mắt cần tháo gỡ các rào cản, tận dụng cơ hội, tạo đà nâng cao vị thế và năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam trên bản đồ du lịch toàn cầu.
Khách quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tháng 11.2021 Nguồn:baodanang.vn
Khách quốc tế đến Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng tháng 11.2021
Nguồn:baodanang.vn

Khẳng định năng lực thích ứng an toàn, hiệu quả

Từ tháng 11.2021, ngành du lịch Việt Nam đã tái khởi động các hoạt động nhằm phục hồi du lịch nội địa, bước đầu triển khai lộ trình thí điểm đón khách quốc tế theo hình thức hộ chiếu vaccine tại 5 địa phương Kiên Giang, Khánh Hòa, Quảng Nam, Đà Nẵng và Quảng Ninh, hướng đến khôi phục hoàn toàn hoạt động du lịch, bảo đảm thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh bình thường mới.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, đến ngày 23.1, Việt Nam đã đón trên 8.500 khách quốc tế đến 3 địa phương Phú Quốc (Kiên Giang), Khánh Hòa, Quảng Nam. Du khách chủ yếu từ Liên bang Nga, Uzbekistan, Kazakhstan, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Mỹ, Canada… Đã có 16 doanh nghiệp lữ hành quốc tế; 82 cơ sở lưu trú; 28 khu, điểm vui chơi giải trí, dịch vụ; 8 điểm mua sắm và 48 đơn vị vận chuyển tại 5 địa phương được lựa chọn tham gia đón khách trong giai đoạn 1.

Theo báo cáo của Tổng cục Du lịch, khách quốc tế tham gia chương trình thí điểm có phản hồi tích cực khi trải nghiệm các loại hình du lịch thể thao, giải trí hấp dẫn, các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng. Họ cũng rất hài lòng về chất lượng dịch vụ được cung cấp, bày tỏ sự tin tưởng về các biện pháp phòng chống dịch, cũng như các biện pháp bảo đảm an toàn cho khách quốc tế của Việt Nam.

Đánh giá kết quả thí điểm, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, mặc dù thời gian triển khai chương trình thí điểm đón khách quốc tế chưa dài, lượng khách quốc tế chưa nhiều, tuy nhiên, kết quả này đã minh chứng Việt Nam là điểm đến du lịch an toàn, hấp dẫn; phản ánh năng lực thích ứng an toàn, linh hoạt của du lịch Việt Nam; đây là bước đệm vững chắc để ngành du lịch Việt Nam chuẩn bị các điều kiện hướng tới mở cửa hoàn toàn đón khách du lịch quốc tế.

Trước các đề xuất, kiến nghị, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, đến nay, Việt Nam đã tích lũy được kinh nghiệm đón du khách trở lại. Tuy vậy, việc mở cửa du lịch quốc tế vẫn còn một số khó khăn do doanh nghiệp đang đuối sức, nhân lực thiếu hụt; công tác phòng, chống dịch thiếu nhất quán giữa các địa phương. Vì vậy, cần nhận diện rõ thuận lợi và thách thức, có cách nhìn tổng thể để kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế, hướng tới phục hồi du lịch và nền kinh tế Việt Nam; qua đó để ngành du lịch tiếp tục khẳng định vị thế, xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn.

Cắt giảm các thủ tục phiền hà

Đề cập bài toán mở cửa, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, thúc đẩy và phát triển kinh tế, nhất là khi độ phủ vaccine đã rất cao, là thời điểm thích hợp cân nhắc mở cửa hoàn toàn hoạt động du lịch quốc tế. Ông Trương Gia Bình - Trưởng ban Nghiên cứu và phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết, với tình hình phòng, chống dịch hiện nay, việc mở cửa du lịch quốc tế hoàn toàn là phù hợp, không mở là đi ngược lại chính sách của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả. Đặc biệt, hiện nhiều doanh nghiệp đã hết sức chịu đựng, nếu không mở cửa sớm chúng ta sẽ để tuột mất cơ hội.

Tuy nhiên, việc mở cửa đón khách quốc tế đang có một số bất cập. Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng tư vấn Du lịch (TAB) cho biết, các địa phương chưa thống nhất về yêu cầu xét nghiệm, yêu cầu cách ly. Doanh nghiệp du lịch muốn tham gia đón khách quốc tế phải được sự đồng ý từ địa phương và một số cơ quan, ban, ngành. Các quy định về phòng dịch khiến khách ngại vào Việt Nam. "Chúng ta nên tham mưu để bãi bỏ những quy định không phù hợp; xây dựng, đề xuất những cơ chế để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sớm nhất". Đồng quan điểm, ông Lương Thanh Quảng, Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao cho rằng, người nước ngoài khi du lịch Việt Nam thường chuẩn bị nhiều tháng, do đó chúng ta phải có chính sách nhất quán trong quản lý khách du lịch quốc tế từ Trung ương đến địa phương.

Trở ngại rất dễ thấy, theo Phó Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh Bùi Thị Ngọc Hiếu, đó là điều kiện đón khách quốc tế đến Việt Nam phải có chứng nhận PCR âm tính trong 48 giờ không phù hợp. Nhiều thị trường đến Việt Nam rất xa, thời gian quá cảnh, bay nhiều như các nước châu Mỹ, Canada… cần được tăng thời gian cho giấy chứng nhận xét nghiệm PCR là 72 giờ. Hay vấn đề miễn thị thực đơn phương, ông Trần Văn Dự, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập cảnh Bộ Công an, bổ sung: “Doanh nghiệp du lịch có thể sẽ rơi vào tình trạng bị ‘tuột tay’, khó kiểm soát khách. Nếu doanh nghiệp đưa khách đến thì còn quản lý được nhưng nếu khách vào tự do sẽ khó, vì thế cần phân tích kỹ để báo cáo Chính phủ…".

Về phía Bộ Y tế, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Minh Hằng thông tin, thời gian qua, Việt Nam đã thay đổi khá nhiều phương án ứng phó với đại dịch, nhất là đẩy nhanh tiêm vaccine cho người dân. Song, chúng ta vẫn phải có biện pháp phòng tránh dịch cẩn thận, bảo đảm an toàn cho người dân và du khách... "Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ Ngoại giao để có hướng dẫn công nhận giữa các nước về chứng nhận tiêm chủng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ xem xét, tăng cường rà soát để đồng bộ nhất quán các quy định đối với người nhập cảnh".

Hương Sen