Không để “lỡ nhịp”

- Thứ Bảy, 11/12/2021, 05:18 - Chia sẻ
Trong 2 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid -19, tính theo GDP nước ta thiệt hại khoảng 847.000 tỷ đồng, đó là chưa tính đến những thiệt hại khác. Con số này cũng đủ thấy nền kinh tế nước ta đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề bởi đại dịch. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh đặc biệt này, để không bị “lỡ nhịp”, rất cần những giải pháp mang tính đột phá với những chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt.

Trong báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm 2021 của Chính phủ tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, trong bức tranh tổng thể về kinh tế, xã hội vẫn xuất hiện những gam màu kém “sáng”. Dự kiến, có 4/12 chỉ tiêu kinh tế, xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro; sức ép lạm phát tăng; xuất khẩu giảm tốc, tiếp tục xu hướng nhập siêu, khu vực dịch vụ gặp khó khăn nghiêm trọng. Lao động, việc làm bị ảnh hưởng nặng nề, chỉ tính riêng trong quý III.2021, tỷ lệ thất nghiệp là 3,72%, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động là 4,39%, cao nhất từ quý I.2020 đến nay.

Những chỉ số này cho thấy, nền kinh tế đang bị “ngấm đòn” Covid-19. Dù gần đây, một số lĩnh vực đang có dấu hiệu phục hồi, nhưng theo đánh giá của một số chuyên gia, thì sự phục hồi đang theo hình “chữ U”, trong khi thế giới sự phục hồi đang được thể hiện theo hình “chữ V”. Đây là điều mà chúng ta cần hết sức lưu ý để đưa ra các giải pháp đủ mạnh để kích thích nền kinh tế.

Câu hỏi đặt ra, đâu là giải pháp mang tính chất đòn bẩy để nền kinh tế phục hồi và phát triển bền vững sau đại dịch? Đây là vấn đề đặt ra cấp bách đối với những nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách ở thời điểm này.

Trên diễn đàn Quốc hội, không ít đại biểu Quốc hội cũng đã hiến kế những giải pháp nhằm phục hồi nền kinh tế. Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đã chỉ ra một thực tế, do ảnh hưởng của dịch bệnh, nền kinh tế chịu nhiều tổn thất, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng nghìn lao động mất việc làm… điều đó cho thấy sức chống chịu của nền kinh tế đang rất yếu, tiềm lực của các doanh nghiệp (DN) đang bị suy kiệt.

Để kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp đà phục hồi của kinh tế thế giới, đại biểu cho rằng, các DN không chỉ cần thêm nguồn lực để vượt trở lại mà còn phải đặt chân vào khâu sản xuất có giá trị cao trong bối cảnh thế giới đang phân bố lại chuỗi cung ứng. Muốn vậy, các DN và nền kinh tế phải được tăng cường thêm nguồn lực đầu tư. Đó là cần có chính sách cấp bù lãi suất để các DN được vay vốn với mức lãi suất tương đương tỷ lệ lạm phát vì hoạt động kinh doanh sau đại dịch còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, mức lợi nhuận khó bù đắp được các chi phí và lãi suất vay cao như thị trường. Bên cạnh các giải pháp kích cầu truyền thống là đẩy mạnh đầu tư công, chúng ta phải có giải pháp mới mang tính khác biệt là đặt hàng các DN trong nước đầu tư phát triển các sản phẩm ưu tiên, tạo nên những đột phá cho phát triển, cần ưu tiên lĩnh vực để đặt hàng.

Để phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch là rất cần thiết vào lúc này, điều này đòi hỏi cần có dòng tiền để đầu tư. Nhưng câu chuyện “tiền đâu” luôn là một bài toán khó!

Tin tưởng về dư địa lớn để tăng nguồn lực đầu tư, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, trong những năm qua chúng ta nỗ lực đưa tỷ lệ nợ công xuống thấp còn 43,7% GDP so với mức trần 60% GDP. Do vậy, nên điều chỉnh mức bội chi ngân sách tăng thêm từ 2-3% so với kế hoạch đặt ra trong vòng 2-3 năm, chúng ta sẽ có nguồn lực để thực hiện các kế hoạch phục hồi và đầu tư bứt phá. Tuy nhiên, tăng nợ công không phải cho tiêu dùng mà để tăng đầu tư đột phá cho phát triển, phát hành trái phiếu Chính phủ để vay nợ công là giải pháp nên được lựa chọn không chỉ nhằm khai thác nguồn lực đầu tư trong nước và thu hút dòng tiền nhàn rỗi, góp phần kiểm soát lạm phát - đại biểu Cường nhấn mạnh.

Và một lần nữa, giải pháp để phục hồi và phát triển kinh tế cũng đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ rào cản, vướng mắc nhanh nhất có thể thì một gói hỗ trợ tài chính đủ lớn, đủ rộng và dài là rất cần thiết vào lúc này. Mong rằng những kiến nghị, đề xuất của các đại biểu, các chuyên gia sẽ được xem xét một cách thấu đáo để có những quyết sách đủ mạnh giúp doanh nghiệp và người dân vượt qua khó khăn, để nền kinh tế Việt Nam không bị lỡ nhịp sau đại dịch.

Lê Hùng