Không để lỡ nhịp!

- Thứ Hai, 08/11/2021, 04:17 - Chia sẻ
Tại Hội nghị tham vấn về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế gắn với nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 được tổ chức hồi đầu tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tính cả khoản hỗ trợ qua các kênh quỹ bảo hiểm thất nghiệp; miễn, giảm cước viễn thông, điện, nước, học phí... quy mô các gói hỗ trợ năm 2021 của nước ta là khoảng 10,45 tỷ USD, tương đương 2,84% GDP.

Con số này so với nhiều nước trong khu vực như Thái Lan có quy mô gói hỗ trợ dịch bệnh tương đương 11,4% GDP, Malaysia là khoảng 5,3% GDP thì mức hỗ trợ của nước ta còn thấp. Do đó, đã có nhiều khuyến nghị rằng cần phải xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế để không lỡ nhịp khi bước vào trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra và phải trả lời là liều lượng, quy mô, thời gian thực hiện gói hỗ trợ này như thế nào?

Thực tế, nền kinh tế nước ta đã phải chịu những ảnh hưởng hết sức nặng nề bởi dịch Covid-19. Đó là tốc độ tăng trưởng chậm, trong đó GDP quý III âm 6,17%, tăng trưởng GDP 9 tháng chỉ đạt 1,42%. Hoạt động sản xuất, lưu thông hàng hóa, các chuỗi cung ứng, tiêu dùng bị gián đoạn, đứt gãy; chi phí sản xuất tăng cao; năng lực nội tại, sức chống chịu của nền kinh tế ngày càng giảm sút; nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp ngày càng bị bào mòn; đời sống của người dân, người lao động gặp nhiều khó khăn.

Nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi kinh tế, thời gian qua Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tài khóa và tiền tệ như giãn, giảm thuế, phí, lệ phí, khoanh nợ, giãn nợ, gia hạn và giảm lãi suất các khoản vay... Tuy nhiên, các chính sách này chủ yếu nhằm giải quyết các khó khăn ngắn hạn về tài chính của doanh nghiệp, người dân. Chủ yếu tác động đến phía cung của nền kinh tế, trong khi thiếu vắng các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, đồng bộ với nguồn lực đủ lớn để thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế gắn với cải cách cơ cấu, cải thiện năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc trong tương lai.

Bởi vậy, điều cần thiết lúc này là cần có chương trình phục hồi và phát triển với những chính sách đúng đắn và mọi nguồn lực phải được tập trung kịp thời và hiệu quả nhất để kiểm soát dịch bệnh, hỗ trợ người dân, người lao động, nền kinh tế vượt qua khó khăn, thử thách, nắm bắt các thời cơ, xu hướng mới để nhanh chóng phục hồi và phát triển trong trạng thái bình thường mới.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Quốc hội Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, trước nguy cơ lỡ nhịp phục hồi tăng trưởng, kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu, cần có gói chính sách tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội với quy mô lớn hơn để cứu doanh nghiệp và kích thích, tạo động lực tăng trưởng. Quốc hội, Chính phủ phải đề ra được tái cấu trúc, phục hồi nền kinh tế 2 năm tới như thế nào.

Hiện nay, việc xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế với các chính sách hỗ trợ kịp thời với quy mô đủ lớn, thời gian đủ dài, phạm vi đủ rộng là phù hợp và cấp thiết nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, nếu không sẽ có tác động rất lớn đến ngân sách nhà nước, thị trường tài chính, tiền tệ, lao động, việc làm, xã hội...

Quan trọng hơn là các cơ hội, thời cơ mới trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, đầu tư, thương mại toàn cầu và thích ứng, phát triển với tương lai sau dịch bệnh Covid-19 bị bỏ lỡ, từ đó, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu hàng năm cũng như cả giai đoạn.

Ninh Hà