Không để doanh nghiệp thành lập kiểu ngẫu hứng

- Thứ Tư, 02/06/2021, 06:36 - Chia sẻ
Một số doanh nghiệp có số vốn điều lệ rất - rất lớn, vượt số vốn hóa của nhiều doanh nghiệp, ngân hàng trên sàn chứng khoán vừa được thành lập tại TP Hồ Chí Minh. Đó là Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) có vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng và Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (Gab Group) có vốn 25.000 tỷ đồng...

Trả lời báo chí, vị Tổng Giám đốc của các doanh nghiệp này xác nhận việc đăng ký thành lập doanh nghiệp là thật chứ không phải trò đùa. Rằng kế hoạch là mở thêm nhiều công ty với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau tạo thành hệ sinh thái... Và hiện nay các đối tác của ông là các tập đoàn và công ty lớn; các sản phẩm phần mềm mà bên ông viết ra có giá trị cao nên sẽ bán được giá. Nguồn tiền thu về từ các hợp đồng bán sản phẩm phần mềm cũng như từ kêu gọi vốn của các quỹ đầu tư sẽ bổ sung vốn trong thời gian đăng ký...

Cho dù lý giải của đại diện các doanh nghiệp là vậy, nhưng đại diện Cục Đăng ký Kinh doanh cho biết đang đề nghị phía Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh rà lại hồ sơ đăng ký doanh nghiệp nhằm bảo đảm đúng quy định của pháp luật...

Còn nhớ hồi đầu năm 2020, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng đã cấp giấy chứng nhận đăng ký cho một doanh nghiệp có địa chỉ tại huyện Hoài Đức với số vốn điều lệ lên tới 144.000 tỷ đồng. Thế nhưng sau đó, một trong những cổ đông lại cho biết đây là con số đăng ký nhầm. Doanh nghiệp này sau đó cũng "biến mất"...

Việc thành lập các doanh nghiệp này là hết sức bình thường, nếu như số vốn điều lệ không quá "khủng khiếp" bởi hiện cả nước cũng chỉ có 5 doanh nghiệp có vốn điều lệ trên 100.000 tỷ đồng... Về lý, Luật Doanh nghiệp không quy định về quy mô vốn công ty, trừ trường hợp vốn pháp định tuy nhiên có quy định về việc thành viên, cổ đông của doanh nghiệp phải góp đủ và đúng loại tài sản đã đăng ký; có quy định về chế tài đối với việc góp không đủ vốn điều lệ trong các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập doanh nghiệp, các cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ hậu kiểm đối với vấn đề góp vốn đăng ký. Doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về tính trung thực, chính xác của thông tin kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và các báo cáo. Trường hợp phát hiện thông tin đã kê khai hoặc báo cáo thiếu chính xác, chưa đầy đủ thì phải kịp thời sửa đổi, bổ sung các thông tin đó. Khi phát hiện sai phạm, các cơ quan chức năng mới tiến hành xử phạt hành chính theo Nghị định 50/2016/NĐ-CP với mức phạt từ 10 - 20 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký thay đổi với cơ quan đăng ký kinh doanh khi không góp đủ vốn điều lệ. Biện pháp khắc phục là buộc doanh nghiệp phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp, cổ phần của các cổ đông theo đúng số tiền thực góp...

Như vậy, trong các trường hợp này, có thể hiểu việc khai vốn điều lệ bao nhiêu cũng được. Cơ quan chức năng dù biết là bất bình thường nhưng vẫn phải cấp phép vì hồ sơ đầy đủ. Bởi vậy, đã đến lúc cần có các quy định, chế tài nghiêm khắc hơn, tránh tình trạng đăng ký thành lập doanh nghiệp theo kiểu ngẫu hứng.

Ninh Khương