Không để “nhờn thuốc”!

- Thứ Hai, 13/09/2021, 18:21 - Chia sẻ
Chiều nay, 13.9, trong chương trình làm việc Phiên họp thứ Ba, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội. Nhận định về tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết, Ủy ban Pháp luật chỉ rõ, số văn bản “nợ” có xu hướng giảm dần qua các năm, tuy nhiên, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để. Câu hỏi đặt ra là, cơ quan, cá nhân gây ra những “khoảng trống” pháp lý này bị xử lý trách nhiệm như thế nào?

Tình trạng ban hành chậm, nợ đọng văn bản quy định chi tiết dường như đã trở thành một trong những căn bệnh cố hữu, là điểm trừ trong công tác xây dựng pháp luật của chúng ta suốt thời gian qua. Trong nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong nhiều kỳ họp của Quốc hội nhiều nhiệm kỳ qua, vấn đề này vẫn thường được đề cập đến. Trong khi Quốc hội rất “sốt ruột” để ban hành các văn bản luật để kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội, tuy vậy, vẫn có những cơ quan được giao chủ trì xây dựng văn bản chi tiết vẫn “đủng đỉnh”. Điều này đã làm cho một số quy định của luật dù được ban hành sớm nhưng vẫn không thể đi vào cuộc sống, làm giảm hiệu quả công các thi hành pháp luật.

Tình hình nợ đọng văn bản vẫn còn rất lớn (Ảnh minh họa)
Dù giảm qua các năm, nhưng tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được khắc phục triệt để (Ảnh minh họa -dantri.com.vn)

Theo Ủy ban Pháp luật, trong số những văn bản quy định chi tiết đã ban hành, có 36 văn bản được ban hành đúng thời hạn, chiếm 39,56%, trong khi đó có tới 55 văn bản ban hành chậm ban hành, chiếm 60,44%. Đơn cử, Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 1.7.2019, nhưng Nghị định quy định chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đến ngày 30.10.2020 mới được ban hành (có hiệu lực thi hành ngày 20.12.2020). Trong khi đó, việc xây dựng Nghị định về cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng hiện nay vẫn đang trong quá trình Chính phủ tổ chức triển khai thực hiện. Trong số những văn bản nợ, có những luật được ban hành và có hiệu lực từ năm 2019 nhưng đến nay các văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được ban hành như: Như Luật An ninh mạng có hiệu lực từ 1.1.2019, nhưng đến nay vẫn nợ 1 Nghị định, 1 quyết định hay như Luật Cạnh tranh có hiệu lực từ 1.7.2019 nhưng đến nay vẫn nợ 1 Nghị định hướng dẫn. Cá biệt, có văn bản nợ ban hành từ khi có luật cũ, nay có luật mới thay thế được thông qua nhưng vẫn chưa ban hành văn bản quy định chi tiết theo yêu cầu của luật.

Rõ ràng, tình trạng chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết không chỉ thể hiện kỷ cương, kỷ luật trong xây dựng pháp luật chưa nghiêm, mà những ”khoảng trống” pháp lý này gây khó khăn, lúng túng trong việc thực thi pháp luật, làm giảm hiệu lực, hiệu quả công tác thi hành pháp luật. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến một số quy định của luật bị “treo”, luật chậm đi vào cuộc sống.

Câu hỏi đặt ra, ai chịu trách nhiệm trong “khoảng trống” pháp lý này?

Ngay sau khi ban hành Hiến pháp 2013, Quốc hội Khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số: 67/2013/QH13 về việc tăng cường công tác triển khai thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành. Nghị quyết nêu rõ, mặc dù Quốc hội đã ban hành một số nghị quyết để chấn chỉnh, thúc đẩy công tác triển khai thi hành và ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết nhưng công tác này vẫn chưa có chuyển biến rõ rệt, những hạn chế, bất cập vẫn chưa được khắc phục. Quốc hội xác định, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nêu trên là do kỷ luật, kỷ cương trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về ban hành văn bản quy phạm pháp luật không nghiêm; chưa xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành. Trên cơ sở đó, Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đặc biệt xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan cấp dưới để xảy ra chậm trễ trong việc triển khai thi hành, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành; xác định đây là tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan.

Nghị quyết số: 67/2013/QH13 của Quốc hội quy định cụ thể là vậy, tiếc rằng, trên thực tế triển khai thực hiện xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan chưa nghiêm túc, chưa bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi nhiệm vụ. Việc xử lý mới dừng lại ở mức phê bình, rút kinh nghiệm, đánh giá việc hoàn thành công vụ mà chưa có biện pháp xử lý nghiêm khắc.

Nghị quyết của Quốc hội đã có, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát Nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan phải xử lý mạnh tay hơn đối với những cơ quan, cá nhân để xảy ra tình trạng chậm trễ này. Xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi để chậm, nợ đọng văn bản hướng dẫn để bảo đảm kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật. Cần coi kết quả thực hiện nhiệm vụ này là căn cứ để xem xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Đã đến lúc, đừng để cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong chậm ban hành, nợ đọng văn bản hướng dẫn chi tiết trở nên “nhờn thuốc”.

Hà An