Không đánh đổi!

- Thứ Sáu, 25/06/2021, 08:13 - Chia sẻ
Thông tin công ty Nanogen xin Thủ tướng chấp thuận cấp phép khẩn cấp cho vaccine "made in VietNam" Nanocovax đang gây ra phản ứng tranh luận trái chiều trong dư luận. Các ý kiến ủng hộ cho rằng đang trong giai đoạn cấp bách nên việc cấp phép khẩn cấp là cần thiết để mọi người dân được sớm tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Tuy nhiên, người viết cho rằng không nên nóng vội trong việc phê duyệt, cấp phép sử dụng vaccine này mà phải hoàn thành các giai đoạn trình tự theo đúng quy định. Bởi, hiện nay Bộ Y tế và Hội đồng Đạo đức quốc gia trong nghiên cứu y sinh học mới thông qua đề cương nghiên cứu, triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho Nonacovax hàm lượng 25cmg/ml trên quy mô 13.000 người, thực tế chỉ mới tiêm mũi 1 cho 1.000 người. Việc thử nghiệm giai đoạn 3 đang được triển khai, đồng nghĩa việc nghiên cứu chưa xong, thử nghiệm chưa hoàn tất và chưa có dữ liệu khoa học cuối cùng để đánh giá. Do đó, việc cấp phép khẩn cấp cho vaccine là không hợp lý, chưa bảo đảm quy trình đánh giá hiệu quả bảo vệ, trình tự nghiên cứu khoa học, phê duyệt, cấp phép vaccine nên rất nguy hiểm, nhất là việc này liên quan đến tính mạng, sức khỏe con người.

Rõ ràng, bất cứ nguồn vaccine nào cũng đều đáng quý. Thời gian qua, việc đăng ký mua, tiếp nhận viện trợ vaccine ngừa Covid-19 từ các nước, tổ chức quốc tế đang được xúc tiến, đẩy mạnh và thu được kết quả rất khả quan. Trong thời gian ngắn Việt Nam đã nhận hàng triệu liều vaccine từ Nhật, Mỹ, WHO, Trung Quốc… và tiếp tục tăng lên trong thời gian gần tới đây. Đặc biệt, khi các cơ quan có thẩm quyền cho cơ chế đặc biệt để dễ dàng tiếp cận các nguồn cung vaccine hơn như coi việc “mua vaccine phải được xử lý theo quy định của pháp luật về các trường hợp đặc biệt, cấp bách và phải được thực hiện ngay”; cho phép nhiều tổ chức được nhập khẩu vaccine nếu đáp ứng đủ điều kiện...

Ngoài ra, vì chưa qua 3 giai đoạn thử nghiệm nên chắc chắn WHO sẽ không phê duyệt, cấp phép cho vaccine này, dù Bộ Y tế có đồng ý đăng ký với WHO. Như vậy, nếu Việt Nam cấp phép sử dụng mà không được phê duyệt WHO thì nước ta sẽ trở thành nước sử dụng vaccine không được quốc tế chấp nhận. Điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực, khó khăn trong quan hệ giao thương, đi lại, nhất là khi các nước áp dụng “hộ chiếu vaccine”. Đây là lý do quan trọng, cần được cơ quan chức năng quan tâm, cân nhắc thận trọng, vì khi tình hình dịch bệnh Covid-19 được khống chế, thế giới trở lại bình thường thì đây có thể trở thành điểm yếu, cản trở làm cho nước ta bị bỏ lại phía sau trong hội nhập, phát triển.

Vì vậy, cơ quan có thẩm quyền không nên nóng vội trong việc chấp thuận cấp phép sử dụng vaccine Nonacovax khi chưa bảo đảm quy trình, tính an toàn, tính sinh miễn dịch và hiệu lực bảo vệ trước virus gây bệnh dịch Covid-19 luôn biến thể. Việc cần làm là các cơ quan nhà nước cần sát cánh đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp về chính sách, tài chính để sớm có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, từ đó có đủ căn cứ để cấp phép, đưa vaccine này vào lưu hành, góp phần chiến thắng đại dịch.

Phạm Chung