Không có công văn là thủ tục "đứng” lại hết!

- Thứ Bảy, 26/06/2021, 05:54 - Chia sẻ
Nghị định ra đời vẫn phải chờ thông tư; thông tư ra đời lại phải đợi công văn hướng dẫn, không có công văn là thủ tục "đứng” lại hết. Tại hội thảo “Chất lượng của thông tư và công văn: Góc nhìn từ doanh nghiệp” ngày 25.6, đại diện doanh nghiệp cho biết tình trạng thông tư, công văn "to" hơn luật như vậy khiến họ rất mệt mỏi!
Nguồn: ITN

Mệt mỏi vì thông tư, công văn "to" hơn luật

Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong 2 nhiệm kỳ gần đây, số lượng thông tư, công văn được các bộ, ngành ban hành mới có xu hướng giảm. Giai đoạn 2016 - 2020, Quốc hội ban hành 112 luật, pháp lệnh và nghị quyết; Chính phủ ban hành 745 nghị định; Thủ tướng ban hành 232 quyết định. Cũng trong khoảng thời gian này, các bộ, ngành ban hành 2.532 thông tư và thông tư liên tịch, giảm so với con số 2.733 của 5 năm trước đó.

Theo Trưởng ban Pháp chế (VCCI) Đậu Anh Tuấn, số lượng thông tư nhiều hơn luật và nghị định nên các văn bản này tác động lớn đến hoạt động đầu tư kinh doanh. “Doanh nghiệp băn khoăn thông tư hay luật quan trọng hơn khi mà Chính phủ ban hành nghị định nhưng dưới cơ sở chưa thực hiện mà phải chờ thông tư” ông Tuấn nói.

Báo cáo cũng cho biết, vẫn còn tình trạng thông tư ban hành điều kiện kinh doanh, quy định về thủ tục hành chính dù luật không trao quyền; thông tư không thống nhất với nghị định... 

Bên cạnh đó vẫn có những thông tư quy định thiếu rõ ràng tạo cách hiểu không nhất quán giữa cơ quan áp dụng. Chẳng hạn Thông tư số 21/2018/TT-BGDĐT đưa ra định nghĩa về giáo viên của trung tâm ngoại ngữ trong đó sử dụng khái niệm “người bản ngữ” nhưng không giải thích thêm nên doanh nghiệp không biết thực hiện thế nào, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Tương tự, nhiều công văn có tính chất như quy định, tạo áp lực lớn về pháp lý cho cơ quan thực thi và gây thiệt hại cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng băn khoăn, liệu công văn trả lời của cơ quan nhà nước có phải là căn cứ để doanh nghiệp thực hiện không? Về chất lượng công văn, nhiều văn bản địa phương, doanh nghiệp nhận được hầu như không có nội dung mà chỉ trích dẫn điều khoản trong luật, đề nghị doanh nghiệp tự tìm hiểu trong khi doanh nghiệp không biết mới hỏi. Địa phương hỏi bộ, ngành cũng rất lâu mới nhận được phản hồi. Thậm chí có vụ việc bộ không có công văn trả lời địa phương suốt 10 năm.

“Tình trạng thông tư, công văn “to" hơn luật như hiện nay khiến doanh nghiệp rất mệt mỏi”, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam cho biết. Nghị định ra đời vẫn phải chờ thông tư, thông tư ra đời lại phải đợi công văn hướng dẫn do các quy định không rõ ràng, dẫn tới nhiều cách hiểu khác nhau. “Dù không phải là văn bản quy phạm pháp luật nhưng không có công văn là các thủ tục đứng lại hết”, ông Nam bức xúc.

Ngoài ra, có một thực trạng khá phổ biến là trong cùng một vấn đề vướng mắc, nhưng “công văn trả lời (gửi) cho “ai”, thì chỉ có hiệu lực cho “người đó”, tức là gửi cho công ty nào thì chỉ công ty ấy được áp dụng. 

Quy trách nhiệm người soạn thảo 

Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) Nguyễn Minh Thảo cho rằng, Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ chưa thể hiện hết vai trò là người “gác cửa”. Vì vậy, để thông tư đạt chất lượng thì phải có cơ chế giải trình cho các bên liên quan có góp ý, góp ý mà cơ quan soạn thảo không tiếp thu. “Phải xây dựng niềm tin giữa các bộ, ngành và doanh nghiệp để nâng cao chất lượng thông tư, công văn” bà Thảo nhấn mạnh.

Cùng quan điểm, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất cần phải kiểm soát và chống xung đột lợi ích khi ban hành các thông tư; nâng cao và phát huy vai trò của cơ quan “gác cửa” chất lượng thông tư; tăng cường tham vấn, cơ chế thực tế để doanh nghiệp tham gia, có tiếng nói thực chất hơn vào quá trình soạn thảo.

Cũng theo ông Tuấn, cần đẩy mạnh giám sát việc ban hành thông tư, đánh giá tác động chính sách từ thông tư, thu thập kịp thời thông tin về vướng mắc thực thi. Đặc biệt, phải gắn trách nhiệm cá nhân cụ thể đối với những thông tư kém chất lượng, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Hiện nay việc ban hành thông tư có thể gây ra hậu quả rất lớn nhưng lại không bị xử lý, không có chế tài. “Thẩm quyền của thông tư chỉ ở một ngành trong khi lại tác động tới toàn dân, thiệt hại có thể lớn, vì vậy thông tư chỉ nên quy định mẫu biểu. Về lâu dài, cần hết sức hạn chế ban hành thông tư”, ông Tuấn nói.

Theo bà Thảo, ban hành thông tư là quyền hạn của bộ trưởng. Vì vậy, nếu thông tư sai thì cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu và cụ thể là bộ trưởng, trưởng ngành đó. Hiện nay, mặc dù pháp lý đã có cơ chế khởi kiện, nhưng thực tế doanh nghiệp không muốn khởi kiện vì họ thường phải gặp cơ quan quản lý nhà nước cho nên không muốn gặp rắc rối.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Tuệ Anh