Không có cách nào khác!

- Chủ Nhật, 11/04/2021, 08:14 - Chia sẻ
Diễn biến cuộc đấu giá quyền khai thác 2 mỏ cát trên sông Tiền và sông Hậu tại tỉnh An Giang đang thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận.

Thông tin bước đầu cho thấy, mỏ cát trên sông Hậu tại xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú có giá khởi điểm 4,4 tỷ đồng và trên sông Tiền tại xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới có giá 7,2 tỷ đồng. Phiên đấu giá có 19 doanh nghiệp tham gia. Kết thúc phiên đấu giá, một doanh nghiệp ở TP Hồ Chí Minh trúng mỏ cát sông Tiền với số tiền trên 2.811 tỷ đồng, một doanh nghiệp ở An Giang trúng mỏ cát trên sông Hậu với mức giá gần 273 tỷ đồng.

Khoảng cách quá lớn giữa giá khởi điểm và giá đấu trúng 2 mỏ cát gây choáng váng dư luận. Ngay cả cán bộ Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang khi trao đổi với báo chí cũng thừa nhận chưa lần nào tỉnh đấu giá quyền khai thác khoáng sản cát sông được số tiền “khủng khiếp” như vậy.

Quanh vụ đấu giá 2 mỏ cát có không ít câu hỏi đặt ra. Ví dụ, trữ lượng mỏ cát trên sông Tiền khoảng 3 triệu mét khối, giá cát bán lẻ dao động 250.000 - 400.000 nghìn đồng/m3, tính ra số thu về cao nhất là 1.200 tỷ đồng. Vậy doanh nghiệp bỏ ra hơn 2.810 tỷ đồng để giành quyền khai thác có gì bất ổn không? Liệu có xảy ra tình huống doanh nghiệp này “bẻ kèo”, chấp nhận bỏ cọc, hủy kết quả? Các cơ quan chức năng của địa phương đã đánh giá chính xác trữ lượng của 2 mỏ cát chưa? Giá khởi điểm đưa ra liệu đã thực sự hợp lý?

Dù những câu hỏi này còn phải đợi thời gian trả lời nhưng sự việc một lần nữa cho thấy cách thức tối ưu hóa nguồn thu từ tài nguyên của đất nước như khoáng sản và đặc biệt là đất đai. Không có cách nào khác là phải tổng kiểm kê, số hóa các loại tài nguyên và tiến hành đấu giá công khai, minh bạch.

Ứng dụng Cách mạng Công nghiệp 4.0 thực chất là số hóa và áp dụng công nghệ thông tin cho quản lý và cần áp dụng triệt để việc này vào tiến trình quản lý tài nguyên. Khi đó, ở cấp độ địa phương, HĐND sẽ nắm rõ chủng loại, trữ lượng tài nguyên, công sản đất đai... trên địa bàn của mình và yêu cầu UBND có phương án khai thác hiệu quả nhất. Ở cấp độ quốc gia, với việc minh bạch dữ liệu và thống nhất hóa dữ liệu, Chính phủ có thể kiểm soát được nguồn thuế, phí, thu về cho ngân sách và bảo đảm địa phương không thể “qua mặt” Trung ương. 

Bên cạnh đó, khi tiến hành đấu giá công khai, minh bạch, ngân sách chắc chắn sẽ thu được nhiều nhất; tài nguyên sẽ được sử dụng hiệu quả nhất (bởi đồng tiền luôn liền khúc ruột doanh nghiệp); và số cán bộ, lãnh đạo vướng phải vòng lao lý cũng sẽ ít đi.

Hơn thế, với tài sản đất đai, đấu giá được cũng sẽ giải quyết cái bẫy nhằng nhịt về khung giá đất và góp phần giúp thị trường đất đai vận hành như một thị trường hàng hóa bình thường. Đừng quên rằng đã là thị trường thì không còn khung giá mà chỉ còn giá giữa người mua, người bán, theo cung cầu, theo thời điểm.

Vụ đấu giá 2 mỏ cát ở An Giang như một lời nhắc nhở chính quyền các cấp lưu tâm đến việc tối ưu hóa nguồn thu từ tài nguyên. Nếu địa phương nào cũng tổng kiểm kê, số hóa được các loại tài nguyên và tiến hành đấu giá công khai, minh bạch thì ngân sách quốc gia sẽ không thiếu tiền chi cho đầu tư phát triển. 

Hà Lan