Phiên chuyên đề 1 - Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021:

Không chủ quan với lạm phát

- Chủ Nhật, 05/12/2021, 15:41 - Chia sẻ
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam PHẠM THANH HÀ khẳng định, để hỗ trợ nền kinh tế, NHNN cùng hệ thống ngân hàng sẽ đồng hành cùng nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát.

Cung ứng tiền hỗ trợ rất lớn cho nền kinh tế

Từ năm ngoái đến nay, NHNN Việt Nam và các ngân hàng trung ương trên thế giới đều trong trạng thái hỗ trợ nền kinh tế. “Chính sách tiền tệ của Việt Nam ở mức trung bình của thế giới”, ông Phạm Thanh Hà nhìn nhận.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Phạm Thanh Hà phát biểu
Ảnh: Lâm Hiển

Thực tế, chính sách tiền tệ tác động ở hai khía cạnh là lượng và giá, tương hỗ nhau. Về lượng, mục tiêu của hệ thống ngân hàng là bảo đảm duy trì thanh khoản của nền kinh tế. “NHNN đã điều hành bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế, các tổ chức tín dụng và cho các doanh nghiệp. Ở góc độ thanh khoản cho nền kinh tế, cung ứng tiền của NHNN trong 2 năm qua đã hỗ trợ nền kinh tế rất lớn. Đơn cử, NHNN mua ngoại tệ sau 2 năm khoảng 25 tỷ USD. Về thanh khoản cho các doanh nghiệp, do Covid-19 nên các doanh nghiệp gặp khó khăn về trả nợ, cho vay mới. NHNN đã kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các thông tư 01, 03 và 04, duy trì thanh khoản cho doanh nghiệp với điều kiện ngân hàng phải đánh giá khả năng trả nợ của doanh nghiệp trong tương lai, miễn giảm lãi suất cho khoản vay cũ và mới…”, ông Phạm Thanh Hà thông tin.

Tính đến cuối tháng 11, dư nợ tín dụng tăng trên 10%, phù hợp mục tiêu đề ra là 12% trong năm nay. NHNN sẵn sàng có thể nới thêm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho tháng cuối cùng của năm 2021 nhằm bảo đảm thanh khoản cho nền kinh tế.

Bên cạnh việc duy trì khối lượng thanh khoản tốt trên thị trường, NHNN đã điều hành hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Theo đó, ngay từ đầu năm 2020, NHNN đã giảm lãi suất điều hành. Hiện, lãi suất điều hành giảm 1,5 - 2%; lãi suất huy động giảm 1,5%; lãi suất cho vay giảm 1,77% so với đầu năm 2020. Có 16 ngân hàng thương mại cam kết tiếp tục hạ lãi suất từ tháng 7 đến hết năm nay nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu dự tại điểm cầu Trung tâm Hội nghị Quốc tế 11 Lê Hồng Phong
Ảnh: Lâm Hiển

Sẽ theo dõi sát lạm phát

Nhìn nhận về thách thức trong thời gian tới, ông Phạm Thanh Hà cho rằng, lạm phát đang là vấn đề toàn cầu. Các ngân hàng trung ương các nước đang thu lại biện pháp nới lỏng tiền tệ. NHNN sẽ theo dõi sát về nguy cơ lạm phát hiện hữu để kiểm soát tiền tệ.

Bên cạnh đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp trong cơ cấu lại thời hạn trả nợ sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng. Phó Thống đốc NHNN cho biết sẽ hết sức lưu tâm vấn đề này trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Song song với thách thức vẫn có những cơ hội. Đó là với lượng thanh khoản tốt, thị trường vốn và chứng khoán rất lớn có cơ hội tăng vốn cho ngân hàng, trong đó có ngân hàng thương mại lớn. “Hiện, dư nợ nền kinh tế đạt 10,1 triệu tỷ đồng, trong đó tổng lượng vốn tự có của tổ chức tín dụng là hơn 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu tăng một đồng vốn cho tổ chức tín dụng thì tăng 8 lần dư nợ cho nền kinh tế”, ông Phạm Thanh Hà chia sẻ.

Cùng với đó, chuyển đổi số cũng là cơ hội cho ngành ngân hàng và thực tế ngân hàng đang tiên phong trong vấn đề này. Thời gian tới, NHNN tiếp tục triển khai chuyển đổi số, cùng hệ thống ngân hàng đồng hành với nền kinh tế, tiếp tục duy trì thanh khoản cho hệ thống, ổn định mặt bằng lãi suất, không chủ quan với lạm phát, ông Phạm Thanh Hà khẳng định.

Đ. Thanh