Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam

Không chồng chéo hay "lấn sân"

- Thứ Năm, 22/10/2020, 06:27 - Chia sẻ
Đa số đại biểu Quốc hội trong phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật Biên phòng Việt Nam chiều qua đều thống nhất cao với việc quy định Bộ đội Biên phòng là lực lượng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Bởi trên thực tế, Bộ đội Biên phòng vẫn luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.

Người "gác cửa" biên giới quốc gia là Bộ đội Biên phòng

Điều 12, dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định, Bộ đội Biên phòng là lực lượng vũ trang nhân dân, thành phần của Quân đội Nhân dân Việt Nam, là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới. Đồng thời, có chức năng tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước chính sách, pháp luật về biên phòng; thực hiện quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh, đối ngoại và chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật.

Trước ý kiến còn cân nhắc quy định Bộ đội Biên phòng “là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, khu vực biên giới” vì có thể dẫn đến sự chồng chéo, "lấn sân" lực lượng công an, ĐBQH Nguyễn Văn Chương (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, việc quy định như dự thảo Luật là thống nhất với các nghị quyết của Bộ Chính trị và thống nhất với pháp luật có liên quan. Bởi người "gác cửa" biên giới quốc gia được Nhà nước giao cho là Bộ đội Biên phòng và đây là lực lượng chủ yếu trong bảo vệ biên giới quốc gia. Do đó, việc quy định Bộ đội Biên phòng giữ vai trò chủ trì và nòng cốt là hoàn toàn đúng đắn. Còn giao như vậy có dẫn đến tình trạng "lấn sân" lực lượng công an hay không, theo ĐB Nguyễn Văn Chương, khu vực biên giới quốc gia có những quy định riêng, an ninh riêng mà căn cứ vào đó Bộ đội Biên phòng thực thi nhiệm vụ của mình. Những quy định này có sự khác biệt với an ninh nội địa. Chính vì vậy, an ninh biên giới, trật tự biên giới do Bộ đội Biên phòng chịu trách nhiệm, giữ vai trò chủ trì là đúng.

Cùng quan điểm này, ĐBQH Cầm Thị Mẫn (Thanh Hóa) nêu thực tế, địa bàn các xã biên giới thường rất rộng và hiểm trở. Mặc dù hiện nay đã có công an xã chính quy nhưng với biên chế từ 3 - 5 người thì rất khó kiểm soát được toàn bộ khu vực. Trong khi lực lượng Bộ đội Biên phòng có số cán bộ, chiến sĩ nhiều hơn; đồng thời là lực lượng nòng cốt chuyên trách, lực lượng chủ trì trong việc quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia đã được xác định trong các điều ước quốc tế, các văn bản của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật đã quy định.

Phù hợp cả về lý luận và thực tiễn

Trước ý kiến đề nghị cân nhắc chức năng “chủ trì, duy trì an ninh, trật tự và thực thi pháp luật ở khu vực biên giới, cửa khẩu”, đa số ĐBQH đều khẳng định, Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật là hợp lý.

Theo ĐBQH Võ Thị Như Hoa (TP Đà Nẵng), tại khu vực biên giới quốc gia có nhiều lực lượng làm nhiệm vụ. Do đó, cần thiết phải quy định một lực lượng nòng cốt chuyên trách chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức duy trì an ninh trật tự, an toàn ở khu vực biên giới cửa khẩu. Thực tiễn những năm qua cho thấy, an ninh trật tự trên các tuyến biên giới, vùng biển luôn được giữ vững ổn định và Bộ đội Biên phòng luôn được Đảng, Nhà nước đánh giá cao, chính quyền và nhân dân ghi nhận. 

ĐBQH Nguyễn Ngọc Hải (Hà Giang) cho biết thêm, về mặt lý luận, quy định như dự thảo Luật là phù hợp với quan điểm của Đảng và thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan như Luật Biên giới quốc gia, Luật Quốc phòng, Luật Công an nhân dân. Về thực tiễn trải qua hơn 60 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, do tính chất nhiệm vụ, lực lượng Bộ đội Biên phòng có 28 năm thuộc Bộ Công an quản lý và hơn 32 năm thuộc Bộ Quốc phòng quản lý nhưng dù ở đâu Bộ đội Biên phòng vẫn luôn khẳng định rõ vị trí, vai trò là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu.  

Như vậy, việc quy định Bộ đội Biên phòng là lực lượng chủ trì, phối hợp với cơ quan, tổ chức duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới, cửa khẩu theo quy định của pháp luật là hoàn toàn phù hợp cả về mặt lý luận và thực tiễn.

Trung Thành