Thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo:

Không chỉ là rà soát

- Thứ Sáu, 12/03/2021, 09:56 - Chia sẻ
Theo số liệu của EVN, đến ngày 25.12.2020 đã có 83.000 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 4.700 MWp. Đây con số hết sức ấn tượng khi chúng ta thúc đẩy tăng trưởng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đến hết năm 2020 đã có khoảng 101.029 công trình điện mặt trời mái nhà được đấu nối vào hệ thống điện với tổng công suất lắp đặt lên tới gần 9.300 MWp.
Tổng sản lượng phát điện lên lưới từ điện mặt trời lũy kế đến cuối 2020 đã đạt hơn 1,13 tỷ kWh. (Ảnh nguồn: vneconomy.vn)

Chính sách đột phá đã tạo bước chuyển mạnh trong khai thác năng lượng sạch trong đó có năng lượng mặt trời – Một tài nguyên thiên nhiên giàu có của Việt Nam được khai nguồn. Qua thời gian ngắn đầu tư phát triển, đến nay, tổng sản lượng phát điện lên lưới từ điện mặt trời lũy kế đến cuối 2020 đã đạt hơn 1,13 tỷ kWh. Đây chính “quả ngọt” đáng ghi nhận từ chính sách thu hút mạnh mẽ nguồn lực xã hội đầu tư vào lĩnh vực quan trọng mà “cung” luôn chạy theo sau “cầu”, góp phần đảm bảo cung ứng điện và  an ninh năng lượng.

Nhưng mặt trái từ “quả ngọt” cũng đã bộc lộ trong việc phát triển nóng, gấp gáp, khai thác ưu đãi về giá mà thiếu sự cân đối, phát triển đồng bộ của nguồn năng lượng điện mặt trời trong hệ thống. Những khó khăn nội tại phát sinh ngay từ vận hành hệ thống điện khi tỷ trọng thành phần điện mặt trời ngày càng cao mà hệ thống truyền tải và điều độ chưa theo kịp với những điểm riêng của điện mặt trời như tốc độ gia tăng nhanh, công suất phụ thuộc tự nhiên theo giờ, theo ngày, theo mùa, theo từng khu vực; công suất phụ tải các thời điểm trong ngày,  giữa ngày làm việc và ngày nghỉ cũng có sự chênh lệch khá lớn; ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 lượng tiêu thụ điện giảm… Những khó khăn đó càng bộc lộ rõ bất cập trong đầu tư phát triển nguồn năng lượng và vận hành hệ thống điện, việc tiêu thụ hợp lý nguồn năng lượng quý báu này.

Trước thực trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Công thương phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện rà soát tổng thể việc triển khai các dự án điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời mái nhà hiện nay; nghiên cứu, xử lý ngay các vấn đề phát sinh chưa lường hết trong phát triển điện mặt trời, nhất là điện mặt trời mái nhà thời gian qua, không để xảy ra các hậu quả xấu.

Mới đây, Bộ Công thương cũng đã có công văn hỏa tốc đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện rà soát các vấn đề liên quan đến phát triển điện mặt trời. Bộ Công thương đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổng hợp các dự án điện mặt trời được hưởng giá bán điện theo Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng và chỉ đạo các Tổng công ty điện lực, đơn vị điện lực tỉnh lập danh sách đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất từ 100 kWp trở lên đã đi vào vận hành, được áp dụng giá bán điện quy định tại Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ.

Rà soát không chỉ là công việc thống kê đơn thuần mà phải tìm ra những vi phạm trong đầu tư phát triển và những kẽ hở trong chính sách để kịp thời điều chỉnh. Bên cạnh đó, cần xem xét cả năng lực hoạch định và dự báo thực hiện chính sách năng lượng đồng bộ, bước đi cụ thể, khoa học, không để nguồn tài nguyên và nguồn lực đầu tư xã hội bị lãng phí. Những sai phạm trong đầu tư phải được chỉ rõ và xử lý nghiêm các sai phạm, nhất là các hành vi trục lợi chính sách trong triển khai điện mặt trời thời gian qua. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cần tìm ra giải pháp đầu tư đồng bộ về lưới điện; nâng cấp hệ thống điều độ AGC (Automatic Generation Control) thích ứng với điều kiện phát triển mới của năng lượng sạch và phân bổ lại nguồn điện sử dụng tại chỗ…

Như vậy, việc rà soát là để xử lý bất cập và đề ra giải pháp mới cần có tiêu chí cụ thể không thể chỉ là số liệu cần hoàn thành trước ngày này ngày nọ. Kết quả rà soát nên được công khai và cần các doanh nghiệp, nhà đầu tư vào cuộc cùng bàn bạc cách xử lý và tháo gỡ khó khăn.  Từ thực tiễn triển khai cần hoàn thiện biện pháp quản lý hiệu quả nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng mặt trời; khắc phục sơ hở trong các cơ chế, chính sách dễ bị lợi dụng, lạm dụng khai thác. Đồng thời, hạn chế tối đa việc cắt giảm nguồn điện năng lượng tái tạo đã đưa vào vận hành, hạn chế thiệt hại kinh tế của nhà đầu tư và lãng phí nguồn lực của đất nước.

Thanh Hà