Theo dòng sự kiện:

Không chỉ là “bệ đỡ” lúc khó khăn,

- Thứ Tư, 04/11/2020, 06:24 - Chia sẻ
Trong 6 đại biểu Quốc hội phát biểu đầu tiên tại phiên thảo luận sáng qua của Quốc hội thì có đến 3 đại biểu đề cập đến lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường cũng là tư lệnh ngành đầu tiên xuất hiện trên diễn đàn của Quốc hội để giải trình về các vấn đề được đại biểu đặt ra. Dù vậy, sau đó, trong suốt ngày đầu tiên của phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, nhiều đại biểu tiếp tục quay trở lại lĩnh vực này với những gợi mở quan trọng.

Cho đến thời điểm này, chắc chắn không ai còn băn khoăn trước nhận định nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế. Càng trong khó khăn, càng những lúc gian nan thì vai trò bệ đỡ nền kinh tế, bảo đảm an sinh, giữ được sự ổn định xã hội của nông nghiệp càng trở nên rõ nét hơn bao giờ hết. Nhưng lĩnh vực này cũng đang đứng trước những thách thức gay gắt hơn bao giờ hết.

Đầu tiên phải kể đến là những vấn đề nội tại của nông nghiệp vẫn chưa được xử lý dứt điểm. ĐBQH Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chỉ rõ, tăng trưởng của ngành nông nghiệp vừa qua vẫn mang tính quảng canh, lấy sản lượng và năng suất là chính mà chưa quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả kinh tế. Hệ lụy của phương thức sản xuất này đã gây tác động xấu đến môi trường, làm suy yếu nguồn tài nguyên rừng, nước, nguồn lợi thủy, hải sản, đa dạng sinh học...

Cùng với đó là, tình trạng lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất độc hại như cách ví của ĐBQH Trần Văn Cường (Đồng Tháp) “hiện như là mê hồn trận trong nền nông nghiệp của chúng ta, là cơn nghiện của một bộ phận nông dân, là điểm nghẽn lớn trong việc hướng đến một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hội nhập quốc tế”. Hai đại biểu tỉnh Đồng Tháp có cùng lo ngại khi cho rằng, dù năng lực sản xuất của ngành nông nghiệp nước ta là vô cùng to lớn nhưng nông sản Việt Nam đang dần mất tính cạnh tranh trên thị trường nội địa cũng như xuất khẩu do không bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng.   

Một thách thức khác cũng đang ngày càng trở nên gay gắt đối với nông nghiệp chính là tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, hạn hán, lũ lụt, sạt lở bờ sông, bờ biển, các hiện tượng thời tiết cực đoan và diễn biến khó lường... Trong khi đó, đầu tư cho ngành nông nghiệp thời gian qua, theo ĐBQH Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) là quá thấp so với nhu cầu. Mức đầu tư cho nông nghiệp chỉ khoảng hơn 6% tổng đầu tư toàn xã hội. Đầu tư từ ngân sách cũng còn thấp nên khó có thể tiếp tục tăng trưởng.

Còn nhiều thách thức, nhiều “điểm nghẽn” khác mà nông nghiệp đang phải đối mặt nhưng vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để. ĐB Nguyễn Thanh Xuân e ngại “vai trò trụ đỡ của ngành này có thể sẽ không còn đạt được nữa khi có những tình huống xấu xảy ra”.

Vì thế, ngay tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã gợi mở nhiều vấn đề cần tập trung xử lý để nông nghiệp khắc phục được những điểm yếu nội tại, chủ động thích ứng trước những thách thức của biến đổi khí hậu, sức ép cạnh tranh của nông sản các nước và phát triển bền vững hơn trong tương lai.

Theo ĐB Nguyễn Thanh Xuân, giai đoạn 2021 - 2025 cần có sự thay đổi trong vấn đề đầu tư, đặc biệt là đầu tư hạ tầng cho ngành nông nghiệp để chuyển đổi sang ngành nông nghiệp công nghệ cao, vừa góp phần tăng giá trị vừa là chỗ dựa cho phát triển. ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị, phải tính đến an ninh lương thực cho phù hợp, không thể để bảo đảm an ninh lương thực thế giới mà chấp nhận giá trị gia tăng của hàng hóa nông sản thấp do sản lượng cao, chất lượng thấp.

Căn cơ hơn nữa, theo các ĐBQH Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang), Huỳnh Thanh Phương (Tây Ninh), phải đi từ quy hoạch một cách khoa học, đồng bộ, thống nhất và tuân theo tự nhiên với tầm nhìn dài hạn hơn và gắn với phát triển bền vững. Đồng thời phải quản lý chặt chẽ quy hoạch đất nông nghiệp, quan tâm đúng mức đến chất lượng, hiệu quả kinh tế, giá trị gia tăng  của hàng hóa nông sản. Phát triển nông nghiệp phải gắn chặt với phát triển công nghiệp, tạo thành hệ thống bổ sung tương hỗ lẫn nhau, cùng nhau phát triển.

Bên cạnh đó, theo các ĐBQH, cần tiếp tục nghiên cứu để chuyển đổi những diện tích thường xuyên bị đe dọa bởi thiên tai, hạn hán, ngập mặn sang nuôi trồng, sản xuất các loại cây hàng hóa khác. Đầu tư nghiên cứu các bộ giống thích ứng với biến đổi khí hậu, giá trị kinh tế cao. Thúc đẩy hợp tác phát triển hợp tác xã, tích tụ ruộng đất nông nghiệp, phát triển nông nghiệp xanh hữu cơ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và quốc tế, mang lại giá trị kinh tế cao cho ngành nông nghiệp...

Tháng 6 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 25 về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp. Trong đó, đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nông nghiệp Việt Nam đứng trong số 15 nước phát triển nhất thế giới; ngành chế biến nông sản đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới; là một trung tâm chế biến sâu và logistics của thương mại nông sản toàn cầu.

Với những mục tiêu như vậy, rõ ràng, chúng ta không chỉ “định vị” nông nghiệp là “bệ đỡ” của nền kinh tế trong những lúc khó khăn, biến cố. Vấn đề là ưu tiên chính sách và hành động thế nào để đạt được những mục tiêu ấy thì từ vai trò, thẩm quyền của Quốc hội, có lẽ, vẫn cần những bàn thảo chi tiết hơn nữa.   

Hải Lam