Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An

Khơi thông nguồn thu, phát triển bền vững

- Thứ Tư, 26/01/2022, 06:16 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết 36/2021 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Theo đó, từ năm 2022, hàng năm ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Nghệ An không quá 70% số tăng thu từ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao.
Lần đầu tiên tàu hàng 3 vạn tấn cập cảng Cửa Lò, nhưng quay đầu rất khó
Lần đầu tiên tàu hàng 3 vạn tấn cập cảng Cửa Lò, nhưng quay đầu rất khó

Cú hích tạo đà

Theo Nghị quyết 36/2021, nếu Nghệ An thu thuế vượt mức trung ương giao thì sẽ được sử dụng 70% phần vượt thu thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Đại diện Cục Hải quan Nghệ An chia sẻ: đây là ưu ái lớn mà Trung ương dành cho tỉnh nhưng cũng là thách thức không nhỏ. Nghị quyết chỉ phát huy hiệu quả nếu tỉnh nỗ lực, hoàn thành vượt mức dự toán Trung ương giao thì sẽ được chủ động sử dụng số 70% số thu vượt đó để đầu tư hạ tầng mà không chờ xin Trung ương. Theo thống kê, 2 năm lại đây, mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng thu từ thuế xuất, nhập khẩu Nghệ An đạt xấp xỉ 1.700 - 1.800 tỷ đồng. Để tận dụng hiệu quả cơ chế đặc thù trên, tỉnh phải cố gắng để khơi thông nguồn thu…

Trên thực tế, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tiềm năng và dư địa thu từ xuất, nhập khẩu của Nghệ An khá lớn. Hiện hàng hóa của Nghệ An đã đến với 128 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh đó, với việc các Khu công nghiệp V.Ship Hưng Nguyên, WHA.Zone Nghệ An 1, Hoàng Mai 1 đã được đầu tư đồng bộ, môi trường đầu tư thông thoáng, giá thuê đất có sức cạnh tranh cao nên khả năng thu hút đầu tư còn lớn. Hiện tại, đã có 95 nhà đầu tư FDI vào đầu tư làm ăn và gần 200 doanh nghiệp đã có sản phẩm xuất khẩu nên tiềm năng còn lớn. Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 1,95 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Khóa XIX đề ra (đến năm 2025 là 1,765 tỷ USD).

Vài năm lại đây, từ xuất khẩu chủ yếu là đá trắng, gỗ dăm, thủy sản, đến nay, các mặt hàng xuất khẩu của Nghệ An đã trở nên đa dạng và có giá trị hơn… Trên địa bàn đã có những sản phẩm mang lại nguồn thu thuế xuất nhập khẩu lớn cho tỉnh. Điển hình là mặt hàng xăng dầu của Công ty DKC, Công ty Xăng dầu Nghệ An mỗi năm trên 1.600 tỷ đồng, Tập đoàn Vissai mỗi năm từ 50 -100 tỷ đồng…

Bài toán hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics

Với lợi thế là tỉnh lớn, nằm ở trung tâm khu vực Bắc Trung bộ, có cửa khẩu thông thương với nước bạn Lào và nguồn hàng đa dạng nên kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nghệ An phải lớn hơn và tốc độ tăng trưởng, vượt thu hàng năm phải cao. Tuy nhiên do hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics và nhất là năng lực bốc dỡ cảng biển còn hạn chế nên chưa bứt phá được.

Hiện tại, tỉnh có Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy là điểm gần nối từ cảng Cửa Lò sang Lào, Thái Lan và Myanmar nhưng cửa khẩu này chưa được thông thương nên không có giao dịch. Cảng Cửa Lò gần Quốc lộ 1A và Khu kinh tế Đông Nam nhưng chưa có trục giao thông kết nối với các khu công nghiệp lớn, chưa có kho bãi đủ lớn để thu hút hàng hóa về nhập và xuất qua cảng.

Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ: nhiều trang thiết bị lắp đặt tại khu kinh tế, nếu đủ điều kiện thì cập cảng Cửa Lò bốc dỡ là thiện lợi nhất nhưng không ít nhà đầu tư nhập vào cảng Hải Phòng sau đó đi bằng đường bộ vào Nghệ An. Ngược lại, một số mặt hàng xuất khẩu của tỉnh chở ra thẳng ra cảng Nghi Sơn hoặc Hải Phòng để giảm chi phí trung chuyển…

Khu kinh tế Đông Nam gần cảng Cửa Lò là thuận lợi nhưng lợi thế không còn rõ rệt nữa. Lý do là năng lực để tàu lớn cập và bốc dỡ hạn chế, cảng chỉ bảo đảm tàu 10.000 tấn ra vào được còn tàu trên 20 - 30.000 tấn thì phải chờ thủy triều hoặc đậu phía ngoài để trung chuyển khiến chi phí gia tăng. Cảng Cửa Lò là cảng quốc tế nhưng chưa có hệ thống kho bãi, dịch vụ logistics tương xứng, hệ thống giao thông chưa kết nối với các Khu công nghiệp lớn, không thể hoạt động liên tục 24/24h/ngày… Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam Lê Tiến Trị phân tích thêm.

Từ thực tế này, nhiều ý kiến cho rằng, so với các tỉnh bạn trong vùng, cảng Nghi Sơn hay Vũng Áng đều có cảng nước sâu tự nhiên, từng tỉnh đều chính sách hỗ trợ riêng đối với hàng hóa, thiết bị đi nội địa tính theo container hàng. Vì vậy, trong khi năng lực bốc dỡ hàng hóa các cảng trong khu vực đều tăng mạnh nhưng lượng hàng qua Cửa Lò chưa tăng đáng kể và doanh thu từ thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu không tăng như kỳ vọng.

Để đưa Nghị quyết 36/2021 vào cuộc sống, theo các chuyên gia, không có cách nào khác là tỉnh cần xác định rõ ràng hạng mục cần ưu tiên để tháo gỡ các “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông, dịch vụ kho bãi, dịch vụ logistic cảng biển tương xứng để nguồn hàng về xuất nhập khẩu về cảng và các cửa khẩu nhiều hơn, bốc dỡ lưu kho được thuận lợi. Bên cạnh đó, tỉnh cần cân nhắc có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp khi xuất nhập hàng hóa qua cảng bằng giảm chi phí bến bãi, lưu kho; đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các cảng chuyên dùng như Nghi Thiết, Đông Hồi…

Bài và ảnh: Nguyễn Hải