Khởi động dự án Đối tác đa bên hướng tới 100% năng lượng tái tạo

- Thứ Sáu, 26/03/2021, 07:20 - Chia sẻ

Chiều 25.3 tại Hà Nội, Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) phối hợp Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam) và Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF) tổ chức hội thảo khởi động dự án Đối tác đa bên hướng tới 100% năng lượng tái tạo góp phần thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) - MAP 100% RE.

	Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, để đạt được các mục tiêu thì lượng phát thải khí nhà kính cần đạt tới mức phát thải ròng (net zero) chậm nhất là trước năm 2050. Do đó, cần phải có các hành động giảm sử dụng nguồn nhiên liệu truyền thống, chuyển sang sử dụng 100% năng lượng tái tạo. Trong số 194 bên ký Hiệp định Paris, khoảng 145 quốc gia (trong đó có Việt Nam) đã đề cập đến năng lượng tái tạo trong Bản đóng góp do Quốc gia tự quyết định (NDC) như một cách để giảm nhẹ biến đổi khí hậu.

Tại Việt Nam, trong những năm gần đây Chính phủ đã có những chính sách thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, điển hình là Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo (2016), Chiến lược tăng trưởng xanh, đặc biệt là Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045. Theo đó, các quy hoạch năng lượng, quy hoạch điện cũng được xây dựng theo hướng ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo. NDC cũng đưa ra các mức giảm phát thải là 9% với nguồn lực trong nước và 27% nếu có hỗ trợ của quốc tế.

Thực tế, Việt Nam có mức phát thải nhà kính tăng nhanh nhất trong Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng (GMS) và tiếp tục phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch. Tổng nhu cầu năng lượng của Việt Nam đến năm 2035 được dự báo sẽ tăng trung bình gần 5% mỗi năm. Mặc dù Việt Nam đã quan tâm phát triển năng lượng tái tạo song vẫn còn nhiều rào cản về thể chế, kỹ thuật, thương mại…

Trong bối cảnh đó, việc khởi động dự án MAP 100% RE được kỳ vọng sẽ thúc đẩy chuyển dịch năng lượng bền vững tại Việt Nam. “Quan hệ đối tác đa bên tạo ra một cơ chế khuyến khích sự tham gia của các nhóm bên liên quan khác nhau (Chính phủ, chính quyền địa phương, doanh nghiệp, học viện, các đối tác phát triển) trong việc xây dựng lộ trình 100% năng lượng tái tạo dài hạn, cụ thể cho từng quốc gia, đồng thời tạo điều kiện cho các cuộc đối thoại chính sách cần thiết để triển khai quá trình chuyển đổi dài hạn hướng đến 100% năng lượng tái tạo”, Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh cho biết.

Được biết, dự án đặt mục tiêu giới thiệu và củng cố các nhóm đối tác đa bên với mục tiêu 100% năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Nepal, Uganda. Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2020 - 2023. Kết quả của dự án sẽ được chia sẻ giữa các quốc gia tham gia và trên các diễn đàn quốc tế như những ví dụ thực tiễn tốt nhất.

Tin và ảnh Vũ Thủy