Triển khai nhiều phong trào, mô hình điểm
- Xin ông chia sẻ về kết quả sau 2 năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh về Cuộc vận động “Người dân TP Hồ Chí Minh không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”?
- Sau gần hai năm thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, kết quả đạt được bước đầu khá tích cực, trong đó, nhận thức, ý thức và trách nhiệm bảo vệ môi trường của người dân thành phố, của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, đã có chuyển biến rõ rệt. Tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn đã được cải thiện; thành phố đã xóa được 715/747 điểm “đen” về rác thải, trong đó có 90 điểm “đen” sau khi được chuyển hóa trở thành các tụ điểm vui chơi, sinh hoạt cộng đồng; 1.578.860 hộ dân đã ký bản cam kết xả rác, thải rác đúng nơi quy định, thực hiện nếp sống văn minh đô thị; 322/322 phường, xã, thị trấn đã tổ chức 4.480 cuộc đối thoại với nhân dân về vệ sinh môi trường.
Hiện đã xử lý 13.769/13.873 thông tin phản ánh về vệ sinh môi trường; xử lý 8.070 trường hợp vi phạm hành chính về lĩnh vực môi trường; 218 phương tiện thu gom rác đã được chuyển đổi; đã có 12/24 quận, huyện vận động 2.093 đường dây thu gom rác dân lập vào hợp tác xã, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân; thành lập được các đội xung kích xử lý nhanh các điểm phát sinh rác thải trên địa bàn…
- Được biết, chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 là 1 trong 7 chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X. Vậy các cơ quan, ban ngành và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc, phối hợp như thế nào, thưa ông?
- Phong trào giữ gìn vệ sinh môi trường đã được triển khai từ rất sớm gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nhiều phong trào, giải pháp, mô hình được triển khai, xây dựng ở khu dân cư; nhiều kinh nghiệm đã được đúc kết từ các cuộc vận động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, tạo được những dấu ấn, được đông đảo các tầng lớp nhân dân thành phố quan tâm và tích cực tham gia thực hiện. Từ chương trình đột phá của Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ X về giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội các cấp đã tập trung nỗ lực thực hiện và được Ban Thường vụ Thành ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo bằng việc ban hành Chỉ thị số 19, triển khai thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, toàn diện, quyết liệt với quyết tâm chính trị cao.
Nhiều chương trình phối hợp, ký kết liên tịch được thực hiện giữa các sở, ngành với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội để tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; trong đó, các phong trào như “Giờ Trái đất”, “Làm cho thế giới sạch hơn”, “Ngày hội sống Xanh”, “Ngày Chủ nhật Xanh”, “Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả”, “Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn”, vận động các tổ chức, cá nhân giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần… được duy trì thường xuyên, đạt được những kết quả khá tích cực. Chính sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đã làm chuyển biến nhận thức, trách nhiệm của người dân thành phố.
Thanh niên TP Hồ Chí Minh tham gia vệ sinh môi trường tại quận Bình Thạnh |
Nguồn: ITN |
Đặc biệt, trong thời gian tới, thành phố sẽ ban hành tiêu chí và quy trình công nhận “phường - xã - thị trấn sạch và xanh, thân thiện” với 3 mức độ (mức 1: sạch - xanh - thân thiện; mức 2: sạch - xanh; mức 3: sạch), đồng thời nội dung tiêu chí sẽ được điều chỉnh, bổ sung linh hoạt để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện hiệu quả, thực chất với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Ban Dân vận Thành ủy TP Hồ Chí Minh vừa ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi video clip về gương điển hình “Dân vận khéo”, thực hiện Cuộc vận động “Người dân thành phố không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch và giảm ngập nước”. Đối tượng dự thi là tập thể và cá nhân thuộc Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội thành phố, Đảng ủy cấp trên cơ sở và cơ sở trực thuộc Thành ủy, Ban Dân vận quận, huyện; khối vận phường, xã, thị trấn trên địa bàn thành phố. |
Kiên trì tuyên truyền, vận động
- Thưa ông, bảo vệ môi trường là hoạt động của cả cộng đồng, nhưng sau một năm thực hiện Chỉ thị số 19, thành phố mới chỉ tập trung huy động được đoàn viên, hội viên, cán bộ, công chức và các đoàn thể chính trị - xã hội tham gia. Năm 2020 là giai đoạn cuối của Chương trình, theo ông, để khơi dậy ý thức của từng người dân thành phố cùng chung tay xây dựng thành phố ngày càng xanh, sạch, đẹp, văn minh thì cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền như thế nào?
- Đây cũng là một trong những hạn chế mà Ban Thường vụ Thành ủy đã nhận định, đánh giá về kết quả thực hiện Chỉ thị số 19 và chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 của thành phố. Thực tế cho thấy, ngoài những nguyên nhân chủ quan, một trong những nguyên nhân khách quan làm cho chương trình giảm ô nhiễm môi trường của thành phố chưa đạt theo yêu cầu đề ra là do địa bàn thành phố có nhiều sông, ngòi, kênh, rạch, nguồn thải, rác chưa qua xử lý từ thượng nguồn theo dòng chảy trôi về làm gia tăng mức độ ô nhiễm. Mặt khác, sự phối hợp với các địa phương khác, nhất là các tỉnh thuộc lưu vực hệ thống sông Đồng Nai để kiểm soát các nguồn thải và xử lý các trường hợp vi phạm về môi trường, cũng chưa chặt chẽ.
Chính vì vậy, phải kiên trì tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ môi trường trong thời gian dài và phải gắn liền với chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố thì mới mang lại kết quả. Theo đó, cần khuyến khích, phát động để cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, chiến sĩ lực lượng vũ trang đi đầu trong việc tham gia những hoạt động như thực hiện đúng bản cam kết không xả rác ra đường và kênh rạch, thải rác đúng nơi quy định, thực hiện nếp sống văn minh đô thị, phân loại rác tại nguồn, hạn chế sử dụng bao bì bằng nhựa…
- Việc tuyên truyền nâng cao ý thức giữ gìn môi trường của người dân thời gian qua tại TP Hồ Chí Minh đã được thực hiện như thế nào? Có mô hình hay cách làm gì mới để khuyến khích cộng đồng dân cư tích cực hơn trong bảo vệ môi trường, giám sát các vấn đề liên quan tới môi trường không, thưa ông?
- Thời gian qua, thành phố đã tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như vận động các chức sắc, tu sĩ tôn giáo tuyên truyền, phổ biến chủ trương của thành phố đến tín đồ trong các nghi lễ tôn giáo; tổ chức đối thoại giữa chính quyền các cấp với người dân về thực trạng vấn đề vệ sinh môi trường; thường xuyên thực hiện ra quân dọn dẹp vệ sinh, thu gom rác thải; ứng dụng mạng xã hội (Zalo, Viber, Facebook) để tuyên truyền, tiếp nhận thông tin, xử lý các hành vi vi phạm về môi trường, đô thị; chấn chỉnh công tác thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn; tổ chức lắp đặt thùng rác công cộng tại các tuyến đường, tuyến hẻm, kênh rạch.
Có rất nhiều mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường đã được hình thành và từng bước phát huy hiệu quả. Điển hình như Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố với mô hình “Hạn chế sử dụng túi nilon”, “Chống rác thải nhựa”, “Câu lạc bộ phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường”, “Biến rác thành tiền”, “Xây dựng 300 tuyến đường, hẻm đạt tiêu chí sạch ngõ - tuyến đường văn minh, mỹ quan đô thị” gắn với cuộc vận động “5 không, 3 sạch”.
Hay Thành đoàn thành phố với mô hình ngày “Chủ nhật Xanh”, “Công trình thanh niên chuyển hóa các tụ điểm rác ô nhiễm, xây dựng không gian xanh”, “Chiến dịch hãy làm sạch biển”, nhiều hoạt động tuổi trẻ “Thử thách để thay đổi” với tinh thần thông qua hành động để nâng cao nhận thức; Liên đoàn Lao động thành phố có mô hình "Khu nhà trọ xanh - sạch - đẹp”, “Khu nhà trọ văn minh - nghĩa tình”; mô hình “Câu lạc bộ bảo vệ môi trường ở khu dân cư” của Hội Cựu chiến binh thành phố.
Tại địa bàn phường, xã, thị trấn cũng có nhiều mô hình điển hình như “Cơ sở thờ tự bảo vệ môi trường”, “Cộng đồng tôn giáo và dân cư tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu”, “Tổ dân phố tự quản bảo vệ môi trường”, “Tổ xung kích vì môi trường xanh”, “Thu gom vỏ chai, bao bì thuốc bảo vệ thực vật”, “Cải tạo bãi rác thành vườn hoa”, “Con đường đẹp Nông thôn mới”…
Cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố thì yếu tố quyết định đến hiệu quả công tác bảo vệ môi trường, đó là chính quyền các cấp phải thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý nhà nước, tạo điều kiện vận hành các thiết chế, phát huy mọi nguồn lực xã hội.
- Xin cảm ơn ông!