Khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn

- Thứ Bảy, 21/11/2020, 05:40 - Chia sẻ
Ngày 20.11, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo Thực trạng và phát triển mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính đến hết năm 2019, cả nước hiện có 34.348 trang trại nông nghiệp. Dự kiến đến hết tháng 12.2020 cả nước có 17.462 hợp tác xã nông nghiệp và 68 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp. Phát triển kinh tế trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với hoạt động du lịch, nông nghiệp, nông thôn là hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ có tiềm năng lớn, phù hợp với định hướng phát triển.

Thời gian qua, nhiều địa phương đã quan tâm đến phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn trong các trang trại, hợp tác xã, qua đó đem lại nguồn thu cho người dân, doanh nghiệp và đóng góp nhất định cho kinh tế địa phương.

Theo đó, loại hình trang trại sản xuất nông nghiệp kết hợp với du lịch phổ biến ở những vùng có quỹ đất còn rộng như miệt vườn miền Đông, miền Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng miền núi và trung du… Các mô hình hợp tác xã phát triển du lịch gồm: Hợp tác xã sản xuất sản phẩm phục vụ dịch vụ du lịch và hợp tác xã phát triển du lịch cộng đồng kết hợp nghỉ dưỡng (homestay).

Bên cạnh đó, việc phát triển hoạt động du lịch trong các trang trại, hợp tác xã nông nghiệp là sự gia tăng về sinh kế, thu nhập cho chủ trang trại và các thành viên hợp tác xã. Tuy nhiên, hoạt động du lịch nông nghiệp, nông thôn ở các trang trại, hợp tác xã thời gian qua chủ yếu mang tính tự phát, còn nhỏ lẻ và chưa được đầu tư đúng mức.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đòi hỏi sự đầu tư nghiêm túc, ổn định, lâu dài và sự đồng bộ về mọi mặt, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật du lịch.

Thời gian tới, để tăng khả năng thu hút, phục vụ khách du lịch và nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội từ hoạt động du lịch thì việc đổi mới xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch có tính trải nghiệm và chất lượng cao là quan trọng.

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng dịch vụ của sản phẩm du lịch cộng đồng, chú trọng tới sự đa dạng các sản phẩm. Các Bộ, ngành liên quan cần nghiên cứu, xây dựng ban hành quy chế phối hợp, hành lang pháp lý, chính sách tạo điều kiện cho phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe và thảo luận, đánh giá thực trạng, tiềm năng phát triển trang trại, hợp tác xã nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp, nông thôn; định hướng phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, nông thôn; kinh nghiệm thế giới và vận dụng vào Việt Nam; phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã, phường một sản phẩm) gắn với du lịch nông nghiệp, nông nghiệp…

MH