Khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các địa phương

- Thứ Bảy, 23/10/2021, 06:31 - Chia sẻ
Trong phiên thảo luận ở Tổ về các dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng và các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế sáng qua, đa số ĐBQH tán thành với việc ban hành các nghị quyết này. Để bảo đảm tính chặt chẽ, khả thi, một số ý kiến đề nghị, Chính phủ cần xác định rõ mục tiêu hướng đến của việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với các địa phương này.

ĐBQH Vũ Tuấn Anh (Phú Thọ):
Bảo đảm huy động thêm nguồn lực cho phát triển

Ảnh: Hồ Long

Về tăng mức vay của ngân sách địa phương, theo Luật Ngân sách Nhà nước, đối với các địa phương như tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An không được vay quá 20%, TP. Hải Phòng không được vay quá 30%. Theo Nghị định của Chính phủ về ban hành cơ chế, chính sách đặc thù về ngân sách, cho phép Hải Phòng vay không quá 40% tổng mức thu ngân sách địa phương. Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An được phép vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 40% số thu ngân sách tỉnh được hưởng theo phân cấp; TP. Hải Phòng và tỉnh Thanh Hóa được vay với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 60% số thu ngân sách tỉnh, thành phố được hưởng theo phân cấp. Tổng mức vay và bội chi ngân sách của các tỉnh, thành phố hàng năm do Quốc hội quyết định. Khi Chính phủ tính toán các dư nợ vay thì cũng đã “cân” các dự án cụ thể có thể vay trong giai đoạn tới. Do vậy, việc tăng mức vay như vậy là phù hợp. Tuy nhiên, dự thảo Nghị quyết cũng nêu rõ, hàng năm Quốc hội quyết định mức vay của từng địa phương khi quyết định dự toán ngân sách nhà nước, nhằm bảo đảm bội chi ngân sách theo quy định pháp luật.

Về ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu từ tăng thu trên địa bàn các tỉnh, thành phố, dự thảo Nghị quyết cho phép hàng năm, các địa phương này được bổ sung không quá 70% số tăng thu so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao, nhằm hỗ trợ thêm cho địa phương. Cơ chế này nhằm bảo đảm huy động thêm nguồn lực cho phát triển. Nghị quyết cũng có quy định “khóa” bảo đảm an toàn là bổ sung có mục tiêu và khống chế khoản bổ sung từ ngân sách trung ương không vượt quá tổng số tăng thu so với thực hiện thu năm trước, ngân sách trung ương không hụt thu, để thực hiện các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng của địa phương.

Ngoài ra, các cơ chế đặc thù cũng cần bảo đảm tính năng động, sáng tạo cho các địa phương.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (Hà Nội):
Xác định rõ các điểm đặc biệt của từng địa phương

Ảnh: P. Thủy

Tại Tờ trình các dự thảo Nghị quyết, Chính phủ đề xuất áp dụng với TP. Hải Phòng và hai tỉnh Thừa Thiên Huế, Nghệ An 6 cơ chế, chính sách đặc thù; Thanh Hóa có 8 cơ chế, chính sách đặc thù. Việc áp dụng thí điểm cơ chế, chính sách với 4 tỉnh, thành phố lần này được kỳ vọng sẽ tạo thêm những bài học tốt và điểm đột phá để chúng ta tiếp tục thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhưng, để tăng tính thuyết phục cho đề xuất áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, cần phân biệt thật "nét" các điểm đặc biệt của từng địa phương, vì nếu không, các địa phương lân cận, có điều kiện khá tương đồng sẽ dễ băn khoăn khi chưa được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Chính phủ cũng cần xác định rõ mục tiêu hướng đến của việc thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù với địa phương là gì. Nếu thí điểm nhằm hướng tới xây dựng cơ chế quản lý phù hợp, có chiến lược và mang tầm nhìn xa hơn, thì nên nghiên cứu bổ sung các tỉnh thuộc vùng miền có điều kiện địa kinh tế khác nhau, qua đó có cách nhìn tổng hợp, rút ra chính sách bao quát hơn.

Tôi tán thành việc ban hành nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa, góp phần cụ thể hóa Nghị quyết số 58/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đưa Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới của miền Bắc và cả nước. Thanh Hóa có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh, quốc phòng với khu vực và cả nước; có tiềm năng phát triển mạnh mẽ khi có cả ba loại địa hình đường biển, đồng bằng và đồi núi; giàu truyền thống cách mạng. Và, cũng là một đầu nối để chuyển tiếp giữa đồng bằng sông Hồng, miền núi phía Bắc và Trung Bộ, với đầy đủ các loại hình giao thông (đường biển, hàng không, đường bộ). Với vị trí địa chiến lược như vậy, nếu Thanh Hóa có thể phát triển thực sự sẽ trở thành cực phát triển lan tỏa, thúc đẩy phát triển các địa phương trong vùng.

Thời gian qua, Thanh Hóa đã nỗ lực, cố gắng phát huy một số thế mạnh, tạo bước phát triển khá trong tái cơ cấu, tăng trưởng kinh tế. Nhưng so với tiềm năng, lợi thế, Thanh Hóa chưa có sự phát triển tương xứng, chưa tạo động lực cho vùng. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do chưa có nguồn lực đầu tư tương xứng. Do vậy, cần thiết có cơ chế, chính sách đặc thù để khơi dậy tiềm năng, lợi thế phát triển của tỉnh.

Các cơ chế, chính sách về tăng trần dư nợ vay, tăng tỷ lệ điều tiết từ nguồn tăng thu xuất nhập khẩu qua cảng Nghi Sơn, thu tiền bán tài sản công gắn liền trên đất hỗ trợ tăng chi thường xuyên cũng phù hợp và có cơ sở. Việc phân cấp quản lý đất đai, đất rừng, điều chỉnh quy hoạch khu chức năng, khu cục bộ, khu đô thị phù hợp với quy hoạch chung nhằm giảm bớt thủ tục hành chính được thực hiện thí điểm tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên Huế sẽ là cơ sở để tổng kết, nhân rộng áp dụng trên cả nước.

ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre):
Cân nhắc kỹ cơ chế về chuyển đổi mục đích sử dụng đối với rừng phòng hộ, rừng đặc dụng

Ảnh: Trung Thành

Đối với quy định đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50ha cho phép địa phương quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000ha trong dự thảo Nghị quyết, theo tôi, rừng là tài nguyên quốc gia và khó phục hồi. Bên cạnh việc giữ rừng còn thể hiện trách nhiệm của nước ta với việc thực hiện các hiệp ước, thỏa thuận quốc tế đã ký kết. Sở dĩ hiện nay, thẩm quyền quyết định vấn đề này do Quốc hội và Chính phủ là để có "rào chắn" nhất định, hạn chế việc các địa phương khi muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng phải có sự nghiên cứu, đánh giá tác động thật kỹ, hạn chế việc phá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Nếu giao thẩm quyền này cho địa phương như dự thảo Nghị quyết có thể dẫn đến tình trạng phá rừng và hậu quả kéo theo là thiên tai, địch họa, biến đổi khí hậu. 

Hiện nay, Luật Lâm nghiệp quy định, khi phá một diện tích rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì phải trồng lại gấp 3 lần. Vì thế, nếu để địa phương quyết định vấn đề này, thì sau khi chuyển đổi mục đích sử dụng và trồng lại sẽ dễ tiếp tục chuyển đổi mục đích sử dụng, dẫn tới nguy cơ là dần dần diện tích rừng sẽ trở thành diện tích đất xây dựng cơ bản. Trong dự thảo Nghị quyết, tôi chưa thấy có giải pháp để ngăn ngừa tình trạng này nếu xảy ra trên thực tế. Do đó, tôi đề nghị cần cân nhắc quy định đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng với quy mô dưới 50ha cho phép địa phương quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất với quy mô dưới 1.000ha nhằm bảo đảm giữ được diện tích rừng nhất định cho tương lai.

Thanh Hải - Nhật An - Trung Thành ghi