Khoảng trống quyền lực

- Thứ Tư, 11/08/2021, 06:21 - Chia sẻ
Sau khi Mỹ quyết định rút hết quân trước cuối tháng này, tình hình an ninh ở Afghanistan trở nên xấu nghiêm trọng khi lực lượng Taliban đẩy mạnh tấn công chiếm được thêm nhiều phần lãnh thổ của đất nước. Mặc dù lo ngại về nguy cơ một cuộc nội chiến mới diễn ra ở quốc gia Trung Đông, chính quyền Washington vẫn kiên định lập trường là Afghanistan phải tự bảo vệ mình.
Một người lính Afghanistan bảo vệ một trạm kiểm soát ở Herat
Nguồn: AFP

Lập trường của Mỹ

Đặc phái viên của Mỹ về Afghanistan, ông Zalmay Khalilzad, “sẽ thúc ép Taliban ngừng cuộc tấn công quân sự” tại các cuộc đàm phán ở thủ đô Qatar trong tuần này. Bộ Ngoại giao Mỹ thông tin hôm đầu tuần sau khi nhóm vũ trang Taliban chiếm giữ một loạt thủ phủ lớn của các tỉnh.

“Đại sứ Khalilzad sẽ ở Doha để giúp thiết lập phản ứng quốc tế chung đối với tình hình đang xấu đi nhanh chóng ở Afghanistan”, thông báo nêu rõ. Được biết, một số vòng họp dự kiến được lên kế hoạch trong ba ngày để thảo luận về tình hình Afghanistan. Theo đó, đại diện từ các quốc gia trong khu vực và quốc tế cũng như các tổ chức đa phương “sẽ thúc đẩy giảm bạo lực và ngừng bắn, đồng thời cam kết không công nhận một chính phủ áp đặt bằng vũ lực”.

Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định, “một cuộc đàm phán hòa bình là con đường duy nhất để kết thúc chiến tranh, và Mỹ sẽ tiếp tục làm việc với tất cả các bên liên quan trong khu vực và quốc tế để đạt được đồng thuận về một giải pháp chính trị”.

Trong khi đó hôm đầu tuần, Taliban thông báo chiếm được tỉnh lỵ thứ sáu ở Afghanistan trong 4 ngày. Người phát ngôn của nhóm vũ trang tuyên bố họ đã đánh chiếm Aybak, thủ phủ của tỉnh Samangan, miền Bắc đất nước.

Trong bối cảnh Taliban đang tiến công, Mỹ không có dấu hiệu đẩy mạnh các cuộc không kích ngăn chặn. Theo phát ngôn viên Lầu Năm Góc, Washington hiện coi cuộc chiến này là cuộc chiến để phân thắng bại của các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự Afghanistan.

Người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby khẳng định tại một cuộc họp báo: “Giờ đây họ phải bảo vệ quốc gia của mình. Đó là cuộc đấu tranh của họ”.

Các quan chức Mỹ nói rằng, các chỉ huy quân sự nước này đã thẳng thừng đưa ra đánh giá rằng điều kiện ở Afghanistan đang xấu đi. Song các lực lượng hoạt động đặc biệt của Afghanistan đã có thể ngăn chặn Taliban ở các trung tâm quan trọng, bao gồm Kandahar và Lashkar Gah. Tại những địa điểm mà biệt kích chưa được gửi đến, lực lượng quân đội chính quy đã tràn ngập.

Hiện các nhà lãnh đạo quốc phòng và quân sự không đưa ra bất kỳ khuyến nghị mới nào để tăng cường hoạt động của Mỹ nhằm bảo vệ người Afghanistan. Mỹ đã tiến hành một số cuộc không kích mỗi ngày vào Taliban, nhưng theo giới chức, cho đến nay vẫn chưa có lệnh nào để tăng tốc độ đó.

Ông Kirby từ chối cho biết, Mỹ đã thực hiện bao nhiêu cuộc không kích trong những ngày gần đây, cũng như không tiết lộ liệu chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể tiếp tục các cuộc không kích trước ngày rút quân 31.8 hay không, khi mà Taliban đang có lợi thế. Ông nói với các nhà lãnh đạo Chính phủ và quân đội Afghanistan rằng, Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Afghanistan ở bất cứ đâu và bất cứ khi nào khả thi nhưng “không phải lúc nào điều đó cũng khả thi”.

Cuối tuần qua, các quan chức cấp cao từ Hội đồng An ninh quốc gia Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng tiếp xúc chặt chẽ với các quan chức Đại sứ quán Mỹ ở Kabul để đánh giá tác động rộng hơn của sự sụp đổ của Kunduz, nơi tiếp quản lớn nhất và quan trọng nhất của Taliban. Tuy nhiên, các quan chức chính quyền Mỹ chỉ ra rằng, chính quyền Tổng thống Biden vẫn quyết tâm bám sát kế hoạch chấm dứt cuộc chiến của mình ở Afghanistan vào cuối tháng, bất chấp những lợi ích chiến lược mà Taliban đã nhanh chóng giành được.

Vào thứ Hai vừa qua, với việc Mỹ còn ba tuần và một ngày kể từ thời hạn chấm dứt can dự quân sự ở Afghanistan, Taliban dường như đang tập hợp được thêm nhiều động lực. Lực lượng này từng bị đẩy lui khi Mỹ nhảy vào Afghanistan sau vụ tấn công 11.9 có liên quan đến Al Qaeda. Lúc đó, Mỹ và các đồng minh NATO ở lại quốc gia này, một phần với hy vọng thúc đẩy chính quyền Kabul và quân đội có đủ năng lực có khả năng chống lại Taliban sau khi các lực lượng phương Tây cuối cùng rút lui.

Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết, ông đang tôn trọng thỏa thuận rút quân mà người tiền nhiệm Donald Trump đã đạt được với Taliban. Nhưng ông nói rõ bản thân mình cũng quyết tâm loại bỏ lực lượng Mỹ khỏi cuộc chiến dài nhất của đất nước cờ hoa. Dẫu vậy, chính quyền Mỹ đương nhiệm khẳng định vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ quân đội Afghanistan về tài chính và hậu cần từ bên ngoài Afghanistan sau khi rút quân.

Tương lai mờ mịt

Cho đến nay, Taliban đang trên đà chiếm ưu thế. Mỹ và các đồng minh Afghanistan chưa bao giờ chứng kiến nhiều vùng lãnh thổ rơi vào tay Taliban nhanh như vậy. Họ từng hy vọng Taliban chỉ hoành hành mạnh ở vùng nông thôn mà tránh xa các thành phố lớn, nhưng hy vọng đó đã tiêu tan. Nhiều thủ phủ tỉnh, thành phố mà lực lượng này đang gây áp lực bắt đầu tạo thành một vòng tròn bao vây thủ đô Kabul. Phần lớn giới quan sát đều tin rằng Taliban sẽ tiến về Kabul, lật đổ chính quyền được Mỹ hậu thuẫn và thành lập chính quyền mới. Taliban từng nắm quyền ở Afghanistan và áp đặt các luật lệ hà khắc ở nước này, nhưng sụp đổ vào năm 2001 khi Mỹ gửi quân đến Afghanistan. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng Taliban sẽ không tiếp quản chính quyền Kabul bởi sẽ đối mặt với các lệnh trừng phạt, cấm vận quốc tế. Lực lượng này có thể chỉ đang gây sức ép quân sự để thành lập một chính quyền mới, trong đó Taliban chiếm đa số và nếu lý tưởng nhất là giữ lại số ít người của chính quyền cũ.

Hơn nữa, thủ đô vốn là thành trì tương đối vững chắc mà Mỹ đã bỏ hàng tỷ USD suốt 20 năm qua để tạo dựng. Vì vậy, không dễ bị thất thủ trước Taliban. Tuy nhiên, lực lượng này đã chứng tỏ có thể xâm nhập Kabul khi trong tuần qua, các thành viên của nó đã ám sát một số phát ngôn viên của chính phủ, quan chức địa phương và công tố viên.

Hiện nay, nhiều ý kiến chỉ trích sự rút quân vội vã của phương Tây đã xuất hiện. Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace hôm 8.8 tiết lộ, London từng yêu cầu NATO giữ binh sĩ ở lại Afghanistan sau khi Mỹ rút quân để hỗ trợ chính quyền Kabul. Tuy nhiên nhiều nước phản đối, dẫn tới việc khối này rút quân chóng vánh. Với tình hình ảm đạm trước mắt, nhiều người đặt câu hỏi, liệu trong thời gian tới các nước phương Tây có thay đổi quyết định hay không khi chứng kiến Taliban kiểm soát ngày càng nhiều vùng lãnh thổ Afghanistan?

Ngọc Minh