Khoả lấp nỗi đau của trẻ

- Thứ Ba, 05/10/2021, 10:57 - Chia sẻ
Theo thống kê sơ bộ, trong đợt dịch Covid-19 lần này, có tới hơn 1.500 trẻ em ở TP. Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố khác rơi vào tình cảnh mất cha, mất mẹ. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng cần có dữ liệu đầy đủ và toàn diện nhưng tác động đã và sẽ xảy ra để từ đó có giải pháp hiệu quả, tránh những hệ lụy tiêu cực về sau.
Công an TP Cần Thơ bảo trợ trẻ em mồ côi do dịch Covid-19
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thuận, Giám đốc Công an TP. Cần Thơ thăm hỏi, động viên gia đình cháu Huỳnh Quang Thanh (quận Ninh Kiều). Cha cháu Thanh mất vì nhiễm Covid-19, mẹ công tác tại một cơ sở y tế, tham gia tuyến đầu chống dịch

Còn nhớ, tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, một đại biểu Quốc hội đã từng phát biểu rằng, về những tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, dường như đến thời điểm hiện tại chúng ta mới chỉ quan tâm nhiều đến những thiệt hại về mặt kinh tế và những tác hại trong lĩnh vực sức khỏe, thể chất. Thực tế, còn một vấn đề lớn và sâu sắc khác là những thiệt hại và tổn thất về sức khỏe, tinh thần. Bởi vậy, điều quan trọng là song song với các giải pháp để phát triển, phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch, các bộ, ban, ngành có liên quan cần có những giải pháp phù hợp để đại dịch Covid-19 không trở thành cuộc khủng hoảng tâm lý xã hội kéo dài, ảnh hưởng tiêu cực đến lối sống, tư duy của người dân.

Đến nay, điều này đã hiện hữu và ngày càng rõ nét hơn. Thực tế, những tổn thương về tâm lý, tinh thần mà dịch bệnh gây ra cho con người khó nhận biết hơn, khó tính toán cụ thể. Đó là những tác động ngầm gây ảnh hưởng đến tư duy, nhận thức nhưng hậu quả để lại không kém những tổn thất về kinh tế. Đặc biệt với trẻ em - tổn thương lớn nhất đó là về tâm sinh lý, là không có người chăm sóc.

Phân tích kỹ hơn về việc này, một chuyên gia cho rằng, dù hàng ngày vẫn có nhiều trẻ em rơi vào tình cảnh mất cha, mẹ nhưng khi mất mát diễn ra trong đại dịch, nguy cơ tiêu cực cho sức khoẻ tâm thần của trẻ có thể sẽ cao hơn bởi cùng lúc mất đi cha mẹ - vòng bảo vệ gần nhất. Các vòng bảo vệ rộng hơn như trường học, xã hội nói chung cũng trong tình trạng bị ảnh hưởng cả về tinh thần và vật chất. Vậy nên, sự hỗ trợ khẩn cấp và quan trọng lúc này là các em được bảo đảm tối thiểu điều kiện để vận hành cuộc sống bao gồm ăn ngủ, sinh hoạt cá nhân, mối quan hệ xã hội và đi học...

Thực tế, để hỗ trợ trẻ mồ côi, nhiều giải pháp đã được các địa phương ban hành và triển khai như được nhận trợ cấp đến dưới 16 tuổi; được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí, miễn giảm học phí và các khoản khác trong nhà trường. Được đưa vào diện nhận chăm sóc, nuôi dưỡng thay thế bởi ông, bà, cô, chú, cậu, dì, người thân hoặc cá nhân, cộng đồng trong xóm, tổ dân phố; người nhận làm con nuôi hoặc đưa vào các trung tâm, cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập...  Về lâu dài, theo Cục trưởng Cục trẻ em Đặng Hoa Nam, cần hỗ trợ các em và gia đình, đại diện chăm sóc các em sinh kế để có cuộc sống ổn định. Chính quyền địa phương cần triển khai ngay những quy định về mặt pháp lý để các cơ quan, tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, đỡ đầu các em trong thời gian dài hơn...

Không ai có thể khoả lấp nỗi đau hoặc thay thế được bố, mẹ các em. Điều có thể làm và làm ngay bây giờ là cần có những hành động cụ thể, thiết thực để các em cảm thấy mình được thương yêu, trân trọng và đặc biệt là niềm tin rằng mình không đơn độc. Về lâu dài, phải có các giải pháp toàn diện để bảo đảm sự phát triển toàn diện của các em.

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em Đặng Hoa Nam, nguyên tắc chung của Luật Trẻ em nêu rõ: Trẻ em chỉ có thể phát triển tốt nhất trong môi trường gia đình. Khi các em mất môi trường gia đình, mất cha, mẹ, không có sự chăm sóc đầy đủ của gia đình thì nên tìm kiếm sự chăm sóc từ người thân. Khi không có người thân thích thì có thể tìm tới một cá nhân, gia đình khác có nhu cầu chăm sóc. Giải pháp đưa các em về nuôi dưỡng tập trung ở cơ sở tập trung, cơ sở nuôi dưỡng dài hạn… chỉ là giải pháp cuối cùng khi các giải pháp trên không thực hiện được.

Khương Ninh