Khoa học công nghệ đã giúp gì cho nhà nông?

- Thứ Sáu, 01/01/2010, 00:00 - Chia sẻ
Sự đổi thay nhanh chóng của thế giới ngày nay phần lớn là nhờ sự đóng góp của khoa học công nghệ. Những phát minh, sáng chế, những kết quả nghiên cứu khoa học từng ngày từng giờ làm biến đổi thế giới. Đối với ngành khoa học công nghệ của Việt Nam, những đóng góp trong lĩnh vực nông nghiệp được đánh giá là thành công rõ nét nhất…

Cách đây 25 năm, Việt Nam vẫn là một trong những nước thiếu lương thực trầm trọng. Nạn đói kinh niên của những năm đầu thập kỷ tám mươi của thế kỷ trước đến nay vẫn còn ám ảnh nhiều người. Vào thời điểm đó, không ai dám nghĩ một điều rằng, vài chục năm sau, Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới. Tất nhiên, những đổi mới về cơ chế như khoán 100, khoán 10 - giao ruộng đồng đến với người nông dân đã làm nên điều đó. Nhưng không ai có thể phủ nhận được rằng, với năng suất, chất lượng lúa gạo đạt được như ngày hôm nay, phần lớn phải nhờ đến các nhà khoa học.

Trong khoảng 10 năm trở lại đây, nước ta đã trở thành nước có nền nông nghiệp với nhiều thế mạnh như: đảm bảo an ninh lương thực trong nước và đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu gạo, thứ 2 thế giới về xuất khẩu cà phê, thứ 4 về xuất khẩu cao su, thứ nhất về xuất khẩu điều, hồì  tiêu… Tổng giá trị nông, lâm, thủy sản năm sau cao hơn năm trước và dự kiến năm 2009 ước đạt 15,2 tỷ USD… Theo các chuyên gia kinh tế thì, các tiến bộ KHCN trong nông nghiệp đã tạo ra giá trị gia tăng từ gần 30tạ/ha tăng lên gần 50tạ/ha, đưa Việt Nam thành nước có năng suất lúa cao gấp 1,5 lần Thái Lan và đứng đầu Đông Nam Á.

Trong vòng 10 năm trở lại đây, các nhà khoa học đã tạo và tuyển chọn được gần 170 giống lúa mới, trong đó có nhiều giống được phát triển trên diện rộng trong sản xuất. Cho đến nay, người nông dân gieo trồng trên 80 diện tích bằng các gíống lúa cải tiến. Riêng các tiến bộ về giống lúa hàng năm cũng đã làm lợi cho sản xuất hàng ngàn tỷ đồng. Theo Báo cáo của Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long, hiện nay, giống lúa do Viện tạo ra được gieo trồng trên 80% diện tích của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với gần 4 triệu ha. Nếu theo tiêu chuẩn một giống mới làm tăng năng suất lên tối thiểu 10% thì giống lúa của Viện này đã làm lợi cho sản xuất ít nhất 1,6 triệu tấn lúa, tương đương 6.400 tỷ đồng/năm. Còn theo Báo cáo của Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam thì, hàng năm nông dân đã được hưởng lợi từ việc trồng các giống lúa thuần do Viện chọn tạo với 12% diện tích lúa cả nước là 350 ngàn tấn thóc, tương đương 1.400 tỷ đồng.

Trong sản xuất các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác cũng có tiến bộ vượt bậc. Riêng gần 100% diện tích cao su ở nước ta được trồng bằng các loại giống tốt, do đó, năng suất cao su bình quân của Việt Nam vào loại cao nhất thế giới (1,55 tấn/ha) chỉ thua Thái Lan và Ấn Độ (1,75 tấn/ha). Các biện pháp thâm canh, phòng trừ sâu bệnh giúp cho cây cao su phát triển nhanh, rút ngắn thời kỳ kiến thiết cơ bản xuống còn 5- 6 năm (so với 7- 8 năm trước đây). Các tiến bộ KHCN về giống và kỹ thuật thâm canh đã góp phần đưa sản lượng cao su hiện nay tăng hơn 10 lần so với năm 1990.

Có thể nói, KHCN Việt Nam trong thời gian qua có những đóng góp quan trọng cho ngành nông nghiệp, đặc biệt là trong sản xuất lương thực. Chúng ta ca ngợi những người nông dân có những sáng kiến chế tạo ra những máy cày cầm tay, thiết bị tuốt lúa tiện dụng dùng trong gia đình… Có ai đó có thể nói rằng, nông dân thì nghiên cứu, sáng chế ra các dụng cụ nông nghiệp còn không thấy các nhà khoa học giúp được gì cho nông dân. Thế nhưng, những đóng góp thầm lặng, bền bỉ và hiệu quả trong thời gian qua cho ta một cái nhìn công bằng hơn đối với những nhà khoa học Việt Nam trong việc góp phần quan trọng cho ngành Nông nghiệp Việt Nam phát triển.

Có thể chưa đáp ứng được đòi hỏi như mong muốn bởi nhiều lý do, nhưng những nỗ lực của KHCN Việt Nam trong thời gian qua là không thể phủ nhận. Thứ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân khẳng định: mặc dù nước ta còn nghèo, thu chi ngân sách còn hạn hẹp, song Đảng và Nhà nước đã quyết định nâng mức chi ngân sách hàng năm cho KHCN lên 20% từ năm 2000. Nếu so sánh theo tỷ lệ tương đối thì đây là mức chi khá cao so với các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam. Tất nhiên, không thể không lo ngại rằng, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học chưa phát huy hiệu quả, nhiều ứng dụng KHCN chưa được áp dụng nhiều trong sản xuất, kinh doanh. Thế nhưng với việc hoàn thiện, đổi mới về pháp luật, cơ chế chính sách về KHCN thì chắc chắn, trong thời gian tới, ở nhiều ngành, lĩnh vực khác cũng sẽ gặt hái thành công như những nhà khoa học đã đóng góp cho ngành Nông nghiệp Việt Nam.

Trung Nguyễn