Xử phạt uống rượu, bia trong giờ làm việc

Khó thực thi?

- Thứ Tư, 02/12/2020, 08:35 - Chia sẻ
Nghị định số 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, đã có nhiều quy định về uống rượu, bia và địa điểm không được uống rượu, bia. Với việc quy định cụ thể mức phạt, Nghị định 117 được kỳ vọng sẽ hạn chế việc sử dụng rượu bia trong môi trường công sở. Tuy nhiên, để quy định này đi vào đời sống không dễ.

Ai phạt, phạt ai?

Điều 30, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP vi phạm các quy định về uống rượu, bia và địa điểm không uống rượu bia, có nhiều mức phạt. Chẳng hạn, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ đủ 16 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia; Phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Uống rượu, bia ngay trước, trong giờ làm việc, học tập và nghỉ giữa giờ làm việc, học tập; Ép buộc người khác uống rượu bia... Đặc biệt, Điều 34, Nghị định này quy định trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phòng, chống tác hại của rượu, bia. Theo đó, phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi: Không tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia trong cơ quan tổ chức; không tổ chức thực hiện quy định không uống rượu, bia trong thời gian làm việc, tại nơi làm việc của cơ quan, tổ chức...

Chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Đống Đa, Hà Nội) bộc bạch: “Vì làm ở bộ phận kinh doanh, chăm sóc khách hàng nên chồng tôi thường xuyên phải đi ăn uống, tiếp khách. Có tuần phải đi uống bia, rượu tiếp khách đến 3 - 4 ngày liền. Bây giờ có quy định cấm uống rượu, bia trong giờ làm việc tôi mong là chồng tôi sẽ không phải đi uống nhiều nữa”.

Rõ ràng, Nghị định 117/2020/NĐ-CP ra đời được xem là giải pháp hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia trong giờ làm việc và được người dân quan tâm, ủng hộ. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về tính khả thi của chính sách. Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, bác sĩ Nguyễn Trọng An chia sẻ quan điểm, việc ban hành Nghị định 117/2020 là cần thiết để thực hiện hiệu quả Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia. Tuy nhiên, nếu không làm rõ các khái niệm, định nghĩa như thế nào là hành vi ép buộc, cơ quan nào sẽ đi giám sát, kiểm tra và phạt… thì rất khó có thể triển khai.

Để dẫn chứng cho quan điểm của mình, ông An lấy ví dụ về Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012 cũng đưa ra vấn đề xử phạt người hút thuốc lá nơi công cộng nhưng cơ quan được giao nhiệm vụ xử phạt lại không rõ ràng, không có quy định sử dụng nguồn thu do xử phạt, ai chịu trách nhiệm..., nên không có tính khả thi. Kết quả là người dân vẫn hút thuốc công khai nơi công cộng mà… không ai phạt.

Cần độ trễ 

Thống kê thực tế cho thấy, mức tiêu thụ đồ uống có cồn bình quân đầu người tại Việt Nam với các đối tượng trên 15 tuổi có xu hướng tăng. Tỷ lệ uống rượu, bia trong vị thành niên và thanh niên khoảng 80% đối với nam và 36% đối với nữ. Đặc biệt, có tới hơn 40% nam giới uống rượu, bia ở mức nguy hại.

Thực tế, việc nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp hay người lao động ở các đơn vị, doanh nghiệp lạm dụng rượu, bia, uống rượu, bia vào giờ làm việc hoặc nghỉ giữa giờ cũng đã được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật, văn bản hành chính, chỉ thị của người có thẩm quyền hoặc người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị. Thế nhưng, những quy định nghiêm cấm cũng như chế tài xử lý chỉ mang tính hình thức. Thực tế, chưa có con số thống kê cụ thể nhưng phải nói là hiếm có ai bị xử lý kỷ luật vì hành vi này, cùng lắm chỉ là nhắc nhở, phê bình, sau đó lại tiếp tục vi phạm.

Đánh giá về tính khả thi của quy định, đại diện Vụ Pháp chế Bộ Y tế cũng cho rằng, đây là những quy định liên quan đến sản xuất kinh doanh, liên quan đến thói quen, hành vi tiêu dùng của người dân nên phải chấp nhận có độ trễ nhất định. Đặc biệt, tại một đất nước có tỷ lệ 80% người dân sử dụng rượu bia như Việt Nam thì không thể buộc người dân tuân thủ quy định 100% ngay lập tức mà đòi hỏi phải có quá trình tác động liên tục, với sự duy trì phối hợp giữa nhiều cơ quan.

“Để tránh tình trạng sau khi Nghị định được ban hành, việc triển khai được chú trọng nhưng chỉ được một thời gian sau đó lại bị trầm lắng, sao nhãng... thì cần phải có sự kiểm tra, giám sát liên tục và thường xuyên, đồng bộ thì mới bảo đảm tính khả thi, đi vào cuộc sống một cách hiệu quả của quy định”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế Trần Thị Trang nhấn mạnh.

Đồng tình với giải pháp tăng cường xử phạt, song theo bác sĩ Nguyễn Trọng An, giải pháp hiệu quả để hạn chế uống rượu, bia trong giờ làm việc là cần tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động về một môi trường làm việc không rượu, bia. Các cơ quan cũng cần  đưa việc thực hiện quy định này vào làm một trong các tiêu chí để đánh giá bình xét thi đua, khen thưởng lấy phiếu tín nhiệm... Chỉ khi cán bộ, công chức, viên chức thực sự thấy lợi ích của mình bị đe dọa bởi hành vi trên thì việc cấm công chức rượu bia mới có đủ sức nặng.

Thái Yến