Khó thực hiện mục tiêu đến năm 2025 đạt 1,5 triệu doanh nghiệp

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 13:57 - Chia sẻ
Trả lời chất vấn của ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn về dòng tiền, tổng cầu và sản lượng, doanh thu đã giảm mạnh, phải dừng, giãn, hoãn sản xuất nhiều doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động. Do đó, khó thực hiện mục tiêu đến năm 2025, đạt 1,5 triệu doanh nghiệp...

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nêu vấn đề: Chiều hôm qua Bộ trưởng đánh giá về các biện pháp để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã có những tín hiệu tích cực. Tuy nhiên tôi cho rằng, còn nhiều vấn đề khó khăn đối với hệ thống doanh nghiệp nên cần phải đánh giá thật kỹ các biện pháp hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn. Chúng ta có những gói hỗ trợ, có những chính sách giảm,giãn, miễn thuế, nhưng đó là những doanh nghiệp còn có thuế. Nhưng đối với những doanh nghiệp không có thuế, không còn tiền thì họ đang ở “bờ vực nguy hiểm” và khi hệ thống doanh nghiệp này mất đi sẽ rất khó hoàn thiện mục tiêu đạt 6,5% GDP tăng trưởng, cũng như rất khó cho mục tiêu năm 2025, nước ta đạt 1,5 triệu doanh nghiệp. Vì vậy, vấn đề này ngoài Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nên xem xét vai trò của hệ thống ngân hàng. Tôi đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nói thêm về vai trò trong việc hỗ trợ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là hệ thống doanh nghiệp vừa và nhỏ, khi có tới 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được nguồn vốn vay...

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn  Ảnh: Quang Khánh
ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) chất vấn

Ảnh: Quang Khánh 

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, khó khăn của các doanh nghiệp hiện tập trung vào mấy vấn đề. Thứ nhất là do tổng cầu và sản lượng, doanh thu đã giảm mạnh. Thứ hai là khó khăn về dòng tiền. Các doanh nghiệp vì không sản xuất, phải dừng, giãn, hoãn sản xuất nên chắc chắn là không có dòng tiền “chảy vào” vì vậy rất khó cho doanh nghiệp. Thứ ba là chi phí đầu vào, nhất là chi phí vận chuyển, logistics, container… đang tăng rất cao. Thứ tư là việc thiếu nguyên liệu, vật tư, vật liệu đầu vào. Thứ năm là chuỗi cung ứng, sản xuất tiêu dùng, xuất khẩu đang bị gián đoạn. Vừa qua việc lưu thông hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Thứ sáu là khó khăn về các chuyên gia và lao động.

Tuy nhiên, sau khi có Nghị quyết 105 và Nghị quyết 128 của Chính phủ, tinh thần của các doanh nghiệp đã tương đối tích cực, phấn khởi. Các doanh nghiệp trên địa bàn cả nước đã bắt đầu mở cửa và tái sản xuất trở lại... Dù vậy, trong thời gian vừa qua mới chỉ tập trung vào hỗ trợ cho “doanh nghiệp khỏe”, tức là đang có doanh thu, đang có lợi nhuận để được hưởng ưu đãi, hỗ trợ miễn thuế, giảm thuế, giãn thuế của nhà nước. Nhưng những “doanh nghiệp yếu”, doanh nghiệp không có doanh thu thì chưa được quan tâm hỗ trợ trực tiếp bằng các chính sách tài khóa. Còn những chính sách chung, thì các doanh nghiệp đó vẫn được hưởng như các ưu đãi như với các “doanh nghiệp khoẻ”.

Bộ trưởng cho biết vẫn lưu ý những vấn đề này để tham mưu cho Chính phủ có chính sách cần thiết để hỗ trợ cho các doanh nghiệp khó khăn, không có doanh thu và không có lợi nhuận để tránh đổ vỡ trong thời gian tới.

Đức Hiệp