Theo thống kê của Bệnh viện Phổi Trung ương, ở Việt Nam, cứ 3 người mắc bệnh lao thì 1 người bị kháng thuốc, không ít trường hợp kháng đa thuốc. Trong số bệnh nhân lao kháng đa thuốc cao thì tỷ lệ điều trị thành công chỉ chiếm 70% và chi phí điều trị cho trường hợp kháng thuốc cao hơn hàng chục lần so với bệnh nhân lao thông thường.
Nguồn: alobacsi.vn |
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2013 cho thấy, khoảng 1/3 dân số thế giới bị nhiễm lao, 12 triệu người hiện mắc lao, 8,6% triệu người mới mắc lao, 13% số mắc lao có đồng nhiễm HIV và 1,3 triệu người tử vong do lao. Lao là nguyên nhân gây tử vong thứ 2 trong các bệnh nhiễm trùng. Tình hình dịch tễ lao kháng thuốc đang có diễn biến phức tạp và đã xuất hiện ở hầu hết các quốc gia. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 130.000 người mắc lao mới, 170.000 người mắc lao lưu hành, khoảng 3.500 người mắc lao đa kháng thuốc và đặc biệt có đến 18.000 người tử vong do bệnh lao. |
Bác sỹ Nguyễn Minh Hòa, người có nhiều năm kinh nghiệm chữa lao, Bệnh viện Phổi Hà Nội cho biết, việc người bệnh không tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sỹ có thể do thiếu kinh phí, thiếu phương tiện đi lại nên không thể duy trì khám định kỳ.
Song, cũng phải nói thêm rằng, sự phát triển tràn lan các cơ sở y tế tư nhân thực hành điều trị chưa đạt chuẩn, sử dụng rộng rãi thuốc lao ngoài chương trình chiến lược quốc gia cũng làm gia tăng lao kháng đa thuốc. Trong khi đó, cơ chế kiểm soát thuốc lao trên thị trường tự do và y tế tư nhân còn gặp nhiều khó khăn vì hệ thống giám sát chất lượng thuốc chưa hoàn chỉnh. Hiện còn thiếu công cụ, nhân lực tuyến trung ương để theo dõi và nhập liệu thường xuyên các thông tin về thuốc nên việc dự báo mua sắm chưa chính xác và kịp thời, dẫn tới cung ứng nhỏ giọt gây ảnh hưởng tiêu cực tới bệnh nhân sử dụng dịch vụ điều trị lao kháng đa thuốc ở y tế tư.
Nhiều cơ sở y tế, bác sỹ kê đơn chưa đúng, thiếu hiểu biết về bệnh cũng là nguyên nhân khiến lao kháng đa thuốc bùng phát. Đơn cử như đối với bệnh nhân đồng nhiễm lao – HIV hay bị tác dụng phụ nhưng lại được điều trị theo phác đồ thông thường khiến người bệnh không thấy có dấu hiệu thuyên giảm mà bỏ điều trị.
Một vấn đề đặt ra hiện nay, theo PGs. Ts Đinh Ngọc Sỹ, Chủ tịch Hội Phòng chống Lao Việt Nam, đó là số bệnh nhân lao kháng thuốc chưa được quản lý sẽ là nguy cơ tiếp tục lây nhiễm vi khuẩn lao kháng thuốc cho nhiều người khác. Trong khi trên thực tế, các cơ sở điều trị mới quản lý được khoảng 1.000 bệnh nhân, có tới 2/3 số bệnh nhân chưa được phát hiện.
PGs. Ts Nguyễn Viết Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương nhấn mạnh, phòng chống lao kháng đa thuốc còn gặp thách thức lớn về nhân lực và tài chính do suy giảm nguồn viện trợ quốc tế những năm tiếp theo trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu. Trong khi, hiện nay hầu hết tất cả các trang thiết bị cho chẩn đoán bệnh lao kháng đa thuốc phụ thuộc vào những nguồn viện trợ này.
Mặc dù hiện nay đã có không ít công nghệ mới mở đường cho việc điều trị bệnh nhưng nguyên nhân dẫn tới lao đa kháng xuất phát từ nhiều phía, do vậy để giải quyết triệt để rất cần sự ưu tiên, phối hợp quản lý giữa các bộ, ngành. Lao kháng đa thuốc sẽ không còn là nỗi lo của ngành y tế nếu bản thân người bệnh kiên trì, tuân thủ phác đồ điều trị cùng với sự tận tâm, khám chữa bệnh của nhân viên y tế. Thế nhưng, đó không phải là việc có thể giải quyết trong một chốc, một lát, đòi hỏi công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng cần được quan tâm, đẩy mạnh hơn.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt. Chiến lược quốc gia phòng, chống lao đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Chiến lược đặt ra mục tiêu hết năm 2015 phải giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 187 người/100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 18 người/100.000 người dân. Mục tiêu hết năm 2020, giảm số người mắc bệnh lao trong cộng đồng xuống dưới 131 người/100.000 người dân; giảm số người chết do bệnh lao xuống dưới 10 người/100.000 người dân; khống chế số người mắc bệnh lao đa kháng thuốc với tỷ lệ dưới 5% trong tổng số người bệnh lao mới phát hiện. Phấn đấu đến năm 2030, số người mắc bệnh lao trong cộng đồng nước ta giảm xuống dưới 20 người/100.000 người dân. Chiến lược đề ra 8 giải pháp phải thực hiện. Trong đó, sẽ thực hiện rà soát, sửa đổi và bổ sung các chính sách phù hợp với thực tiễn công tác phòng chống bệnh lao; đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền pháp luật, chính sách về phòng, chống bệnh lao. Bên cạnh đó, tăng cường phát hiện lao sớm và điều trị có hiệu quả bệnh lao; nghiên cứu, ban hành chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ khám phát hiện, chẩn đoán, điều trị, dự phòng bệnh lao... Hưởãng ứng Ngày thế giới chống Lao 24.3, Chương trình Chống lao Quốc gia gửi tới toàn thể người dân thông điệp: “Toàn dân quyết tâm thực hiện thành công Chiến lược quốc gia phòng chống lao” với chủ đề “Mọi người đều có quyền và nghĩa vụ tham gia cuộc chiến chống lại bệnh lao”, hướng tới mục tiêu để người dân Việt Nam được sống trong môi trường không còn bệnh lao. |