Khi trẻ lớp 1 phân hóa “trình độ”

- Thứ Ba, 11/08/2020, 08:00 - Chia sẻ
Trẻ bước vào lớp 1 như trang giấy trắng, sao đã có chuyện phân hóa trình độ? Nghe thì vô lý nhưng lại là có thật bởi chuyện có em vào học lớp 1 đã đọc thông viết thạo, có em chỉ mới biết bảng chữ cái, còn lại một số em chưa biết gì. Vì các em ở nhiều “trình độ” khác nhau như vậy, nên giáo viên có bám sát chương trình cỡ nào, cũng sẽ có khoảng cách khá xa về kỹ năng đọc, viết giữa các em.

Ngày tựu trường đang đến gần, bất chấp tình hình phức tạp của Covid-19, việc tìm giáo viên giỏi dạy chữ cho con vẫn là câu chuyện “thời sự” nhất của các bậc phụ huynh có con sắp vào lớp 1. Dù năm học 2020 - 2021 là năm học đầu tiên áp dụng chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới đối với học sinh lớp 1 nhưng nhiều phụ huynh vẫn muốn “rèn” cho trẻ đọc thông, viết thạo trước khi vào lớp 1. Vì sao phụ huynh không thể yên tâm để con mình “chưa biết gì” khi vào lớp 1? Có hay không thực trạng giáo viên dạy theo kiểu lớp đã biết chữ rồi?

Bản thân cũng là một người mẹ có con sắp vào lớp 1, tôi hiểu rằng không ai muốn ép con mình phải học sớm, thầy cô cũng không hẳn là dạy theo kiểu chạy đua, học sinh đã biết chữ hết rồi. Nhưng với sĩ số mỗi lớp lên đến 40 - 50, thậm chí 60 học sinh, các giáo viên không thể có thời gian hướng dẫn cho từng em. Chương trình học cũng khá nặng, tốc độ rất nhanh, cứ 1 buổi học 2 âm, trẻ học liên tục 1 tuần 10 âm sau đó ghép vần và viết chính tả. Ở độ tuổi này học sinh khó có thể ghi nhớ và làm được ngay điều đó. Nhất là đối với những trẻ tiếp thu chậm sẽ rất vất vả để theo kịp và cảm thấy việc học rất nặng nề, dễ lâm vào tình cảnh hoang mang, lo lắng, khi thấy các bạn được đi học chữ trước đọc, viết ào ào. Điều này sẽ tạo áp lực không đáng có, tác động không nhỏ đến tâm lý trẻ nhỏ.

Không chỉ các em vất vả, mà giáo viên cũng khổ không kém khi lớp 1, các em đã phân hóa thành nhiều “trình độ” khác nhau. Giáo viên rất khó khăn để tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp để bảo đảm chất lượng của lớp học. Nếu giáo viên dạy theo học sinh chưa biết chữ thì những em đã biết chữ sẽ dạy như thế nào? Trẻ vào lớp 1 đúng ra chỉ cần thuộc âm, nhớ được bộ chữ cái nhưng trước phong trào học trước như hiện nay, những học sinh bình thường bỗng trở thành cá biệt, có vẻ thua kém trong lớp. Dần dần, giáo viên rất dễ đánh đồng trình độ theo số đông học trò. Chưa kể, cha mẹ hay các cô giáo mầm non chưa được trang bị kỹ thuật dạy viết chữ sẽ tạo ra độ sai chênh về phương pháp với giáo viên lớp 1, học cả những thói quen sai rất khó sửa, chẳng hạn như cầm bút sai, ngồi sai tư thế, viết sai nét… khiến trẻ càng lúng túng khi học tập ở trên lớp.

Rầm rộ đưa con đi học sớm, có lẽ nhiều phụ huynh cũng biết rằng mình đang cắt ngắn tuổi thơ được vui chơi của con mình, nhưng rõ ràng họ không đủ bản lĩnh để nói “không” khi rất nhiều người cho con đi học trước. Không ai muốn con mình trở thành cá biệt, chỉ là có thể họ không biết việc làm của mình gián tiếp gây khủng hoảng, lo âu cho những đứa trẻ khác, cô trò làm khổ lẫn nhau mà thôi.

Thiết nghĩ, ngành giáo dục phải thực hiện nghiêm, dứt điểm việc không cho phép dạy chữ trước cho trẻ. Các trường tiểu học thì nên thống nhất là trẻ vào học lớp 1 phải hoàn toàn chưa biết đọc, biết viết để khi vào lớp 1 trẻ mới bắt đầu học đánh vần. Nếu cấp học nào cũng thực hiện đúng vai trò, nhiệm vụ của mình một cách triệt để thì không phụ huynh nào còn phải cho con đi học chữ trước khi đi học, các em cũng không phải học sớm hơn một cách bất đắc dĩ.

Thực hiện được điều này không chỉ đem đến cho các em một lớp 1 đúng nghĩa mà còn bớt đi một gánh nặng cho phụ huynh học sinh, gánh nặng tiền học phí và áp lực tâm lý chạy đua. Chương trình lớp 1 là chương trình dành cho trẻ chưa biết chữ, xin giữ cho trẻ nguyên vẹn những cảm xúc đẹp đẽ từ những con chữ đầu tiên và sự tự tin từ ngày đầu vào lớp 1. Và quan trọng hơn, khi không còn phân hóa “trình độ”, trẻ bước vào lớp đầu cấp sẽ có cơ hội học tập như nhau.

Duy Anh