Bạn đọc viết

Khi số liệu vênh

- Thứ Hai, 17/01/2022, 06:53 - Chia sẻ
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình được Kỳ họp thứ Hai, Quốc hội Khóa XII thông qua ngày 21.11.2007, có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2008. Để tổ chức thi hành luật, các bộ ngành, địa phương đã ban hành rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật, văn bản.Trong đó, Chính phủ ban hành 8 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 chỉ thị và 11 quyết định; các bộ và Tòa án Nhân dân Tối cao đã ban hành 19 thông tư liên tịch, thông tư; các địa đương đã ban hành 768 văn bản, gồm nghị quyết, chỉ thị, quyết định, chương trình, kế hoạch, văn bản chỉ đạo, điều hành thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình.

Thế nhưng, điều đáng nói là, con số thống kê về tình hình bạo lực gia đình thì mỗi ngành lại có một con số thống kê khác nhau. Đơn cử là báo cáo từ các tỉnh, thành phố gửi về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì rất thấp; của ngành tòa án lại cao…; và các báo cáo thông kê này lại chưa phản ánh hết tình trạng bạo lực gia đình đang diễn ra tại Việt Nam nếu so với các báo cáo độc lập từ các tổ chức quốc tế. 

Cụ thể, theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổng hợp từ báo cáo của các tỉnh thành, trong giai đoạn 2009 - 2020, tổng số vụ bạo lực gia đình các địa phương đã phát hiện trên cả nước là 318.647 vụ. Trong giai đoạn này, số vụ bạo lực gia đình giảm dần qua các năm: năm 2009 là 53.206 vụ, giảm xuống còn 19.274 vụ trong năm 2015 và 7.831 vụ trong năm 2020.

Còn theo thống kê của ngành tòa án, từ ngày 1.7.2008 đến ngày 31.7.2018, Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 1.422.067 vụ án ly hôn, đã giải quyết 1.384.660 vụ, đạt tỷ lệ 97,4%, còn lại 37.407 vụ đang trongquá trình giải quyết. Trong số 1.384.660 vụ án ly hôn Tòa án đã giải quyết, có 1.060.767 vụ có nguyên nhân từ bạo lực gia đình hoặc liên quan đến bạo lực gia đình (chiếm 76,6%).

Điều đáng nói, những số liệu trên cho thấy sự không đồng nhất trong việc thống kê, báo cáo vụ việc bạo lực gia đình giữa các bộ, ngành liên quan. Mặt khác, những số liệu nêu trên có thể chưa phản ánh đầy đủ tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam hiện nay.

Theo kết quả điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019, công bố năm 2020 do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần, kinh tế hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời và tỷ lệ bạo lực hiện thời (trong 12 tháng qua) là 31,6%. Đây là cuộc điều tra chọn mẫu phổ rộng, với tổng số 5.976 phụ nữ trong độ tuổi từ 15 đến 64 đã được điều tra viên phỏng vấn trực tiếp.

Có thể thấy, những luận cứ (con số, thực tiễn triển khai…) là một kênh tham chiếu rất quan trọng đối với quá trình sửa đối, bổ sung Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Vậy nhưng khi số liệu còn nhiều khác nhau, nhất lại là chưa phản ánh được bức tranh thực tế về tình trạng bạo lực gia đình thì việc tổng kết, đề xuất đưa ra những quy định nhằm giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình là thiếu cơ sở thực tiễn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến tính khả thi của văn bản.

 Đáng lưu ý, để tổng hợp, thu thập thông tin về phòng, chống bạo lực gia đình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành bộ chỉ số thu thập thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình, sau đó là Thông tư số 23/2011 quy định về thu thập, xử lý thông tin về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2017 ban hành Thông tư số 07/2017 thay thế cho Thông tư số 23/2011).

Phạm Hải