Khi người đứng đầu chính quyền còn “né” tiếp dân

- Chủ Nhật, 17/10/2021, 07:50 - Chia sẻ
“Tôi sẽ kiện ra Trung ương, đền bù với gia đình tôi như vậy là chưa thỏa đáng” - Một ngư dân xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh nói với tôi vào tháng 8.2018, dẫu việc chi trả tiền đền bù thiệt hại do sự cố môi trường cho người dân Hà Tĩnh đã hoàn tất từ trước tháng 5.2018.

Tất nhiên, việc chi trả tiền bồi thường thiệt hại phải dựa trên việc xác định, thống kê thiệt hại theo các quy định pháp luật nên khó có thể nói là không thỏa đáng nhưng có người dân vẫn còn lấn cấn chưa hiểu rõ. Vấn đề là người đàn ông này đòi “kiện” ra Trung ương là bởi lên huyện thì huyện bảo đã bồi thường xong, đã hết trách nhiệm; lên tỉnh thì lãnh đạo chính quyền  đều đi họp, không gặp được lần nào. Ông mang theo cả nỗi ấm ức không gặp được người cần gặp, quyết ra Trung ương để làm rõ.

3 tháng sau đó, theo Báo cáo Kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân của Ban Dân nguyện, có 4 tỉnh trong vòng 1 năm có tỷ lệ tiếp dân của Chủ tịch UBND tỉnh so với yêu cầu là 0%, trong đó có Hà Tĩnh. Trên cả nước, tỷ lệ chủ tịch UBND cấp tỉnh tiếp công dân định kỳ cũng chỉ đạt bình quân 48% so với quy định (từ 16.8.2017 đến 15.8.2018). Trong khi theo quy định, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất 1 ngày trong 1 tháng.

Người đứng đầu chính quyền một số nơi “ngại” tiếp dân tiếp tục tái diễn. Mới đây, theo Báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, trong kỳ giám sát 18 tháng nhiều chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ tiếp dân 1 - 2 ngày, thậm chí có 4 người không tiếp dân ngày nào. Một số lãnh đạo ngành, địa phương viện dẫn lý do bận nên không sắp xếp được lịch tiếp công dân và do dịch Covid-19 khiến việc tiếp dân bị gián đoạn. Trong khi các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh đều không thể đợi chờ. Và thực tế, nhiều vụ việc khiếu kiện vượt cấp, kéo dài hàng năm là những bài học đắt giá trong đó có nguyên nhân xuất phát từ việc chưa coi trọng quy định tiếp công dân.

Điểm chung của các địa phương bị “điểm tên” người đứng đầu chính quyền cấp tỉnh chưa tiếp công dân theo đúng quy định, năm 2018 hay năm 2021 là các địa phương đều lên tiếng khẳng định lãnh đạo vẫn bảo đảm đủ số buổi tiếp công dân, chỉ là một số buổi Phó Chủ tịch hoặc lãnh đạo Sở được ủy quyền thay chủ tịch. Song thực tế nhiều nơi, người được ủy quyền cũng “bận họp”, cuối cùng việc tiếp dân lại trở thành hoạt động tiếp nhận đơn thư thông thường. Thực tế này cũng khiến nhiều người nghi ngại: ở cấp tỉnh, thành phố còn như vậy, cấp huyện, cấp xã thì sẽ thế nào?

Tiếp dân, khó hay dễ? Rất khó, nếu chính quyền còn xa dân, không coi trọng lắng nghe ý kiến người dân giải quyết dứt điểm . Và rất dễ, nếu người đứng đầu chính quyền các cấp thấy rõ trách nhiệm, gần dân, thấu hiểu dân, lắng nghe dân kịp thời giải quyết tồn đọng, bức xúc, và điểu chỉnh những khiếm khuyết của bộ máy trong quá trình vận hành. Ông Nguyễn Hồng Điệp, Trưởng Ban Tiếp dân Trung ương khẳng định, người dân muốn được Chủ tịch tỉnh tiếp là vì họ muốn vấn đề được giải quyết luôn hoặc giao cho các đơn vị, địa phương xử lý chứ không phải chờ cấp Phó hay lãnh đạo Sở, ban, ngành phải xin ý kiến. Thêm đó, việc Chủ tịch tỉnh tiếp cho người dân thấy mình được tôn trọng, vụ việc giải quyết nhanh hơn. Vì vậy, người đứng đầu chính quyền mà ngại tiếp dân, cũng đồng nghĩa với biểu hiện thoái thác sứ mệnh được giao phó. Khi người đứng đầu chính quyền còn ngại tiếp dân, thì còn  sai phạm hoặc khuất tất gì xảy ra không thể làm rốt ráo, phân rõ trắng đen, đùn đây, dây dưa khó có thể giải quyết thấu đáo và triệt để.

Tiếp dân là phương án tốt nhất để hạn chế những vụ việc “khiếu kiện ra Trung ương”  và giải quyết điểm nóng, tồn tại ngay từ chính quyền cơ sở xã, huyện, tỉnh. Trách nhiệm của người đứng đầu đã được luật quy định rõ ràng và ở mọi cấp mọi nơi cần bắt đầu từ chuyện nghiêm túc trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân theo định kỳ, đúng thẩm quyền tiếp. Phải coi đó cơ hội thấu hiểu khúc mắc trong dân và như một nguyên tắc làm việc bình thường nhất, tối thiểu nhất và tránh lý do công việc qua bận mà tiếp dân thưa thớt, né tránh hay uỷ quyền không thực hiện theo quy định. Người đứng đầu chính quyền ở đâu, cấp nào không tiếp dân phải có “địa chỉ cụ thể” ở đâu, cấp nào và phải đẩy mạnh việc giám sát thường xuyên của HĐND, Mặt trận các cấp và cả các cuộc giám sát của ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội để xem xét trách nhiệm kịp thời, có chế tài xử lý nghiêm khắc hơn.

Duy Anh