Khi người dân dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi
Từ năm 2019 đến nay, tỉnh Yên Bái đã có hàng trăm hộ dân viết đơn xin thoát nghèo, trong đó nhiều hộ ở vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Việc này không chỉ thể hiện hướng đi đúng đắn của các chính sách dân tộc, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh mà còn là sự thay đổi lớn trong nhận thức của người dân. Bà con không chờ đợi trợ cấp từ nhà nước mà đã dám nghĩ, dám làm, dám thay đổi để thoát khỏi đói nghèo.
Thay đổi cách làm kinh tế
Xã vùng cao Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái) từ lâu nổi tiếng với những vườn chè Shan tuyết cổ thụ. Trước đây, chè chỉ là thu nhập phụ của bà con người Mông nơi đây, nhưng nhờ sự hỗ trợ của các cấp chính quyền trong chính sách giảm nghèo, bằng hình thức cho vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật... cùng nỗ lực của bà con, chè Suối Giàng giờ đã trở thành thương hiệu có tiếng ở cả trong và ngoài nước, đời sống người dân ngày một nâng cao. Năm 2021, diện tích chè toàn xã trên 500ha, trà thương phẩm trên 400ha, sản lượng trung bình mỗi năm 600 tấn, doanh thu 10 - 12 tỷ đồng chè búp tươi trên toàn xã.
Gắn bó với cây chè từ những năm 2008, với vai trò là Giám đốc HTX Suối Giàng, bà Lâm Thị Kim Thoa đã đưa được thương hiệu chè Suối Giàng vào top 10 sản phẩm quà tặng, quà biếu ở Việt Nam và đã đạt chứng nhận là sản phẩm OCOP 4 sao ở cấp quốc gia.
Là thành viên của HTX, vợ chồng anh Hoàng Tuân hiện sở hữu vườn chè cổ thụ có diện tích 3.000m2. Anh Tuân cho biết, vợ chồng anh làm chè từ năm 2008, khi đó giá chè rẻ do chưa có thương hiệu, kỹ thuật hái chè không đạt tiêu chuẩn, chưa biết chế biến nhiều loại chè nên đời sống rất khó khăn. Đến nay, được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, HTX Suối Giàng, kỹ thuật hái búp chè được nâng lên nhiều, thu nhập cũng từ đó tăng theo. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, song, vợ chồng anh Tuân vẫn có thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng/năm.
Chuyển từ trồng chè sang nuôi ba ba gai 17 năm nay, gia đình anh Nguyễn Văn Nghị (thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh, Văn Chấn, Yên Bái) đang sở hữu khoảng 300m2 ao, bể nuôi ba ba giống với hơn 1.000 con, tính cả con bố mẹ và con giống. Nuôi ba ba không chỉ giúp gia đình anh thoát nghèo mà còn có của ăn, của để. Anh Nghị chia sẻ, với giá 200.000 đồng/con giống 10 ngày tuổi, thu nhập mỗi năm của gia đình hơn 1 tỷ đồng. Trước đây, ba ba chủ yếu xuất sang Trung Quốc nhưng mấy năm nay thường bán cho các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nội…
Ông Sa Văn Tá, Phó Chủ tịch UBND xã Cát Thịnh cho biết, chính quyền địa phương rất quan tâm, khuyến khích hỗ trợ bằng tiền, kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý cho người dân nuôi ba ba ở Cát Thịnh. Trước đây, ba ba gai được người dân bắt ở suối mang về nuôi thử ở 10 thôn vùng thấp và phát triển tốt nên đã nhân rộng ra nhiều thôn trong xã. Hiện nay, tổng diện tích nuôi ba ba là 12ha. Chính quyền xã đã làm việc với Ngân hàng Chính sách xã hội cho mỗi người dân nuôi ba ba vay 50 triệu đồng trong 5 năm. Đồng thời, kết hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành lập HTX nuôi ba ba xã Cát Thịnh.

Nguồn: ITN
Tiếp sức để lan tỏa tinh thần khởi nghiệp
Trên đây chỉ 2 trong số nhiều mô hình tại tỉnh Yên Bái giúp người dân phát triển sinh kế vươn lên thoát nghèo. Hàng năm, các cấp chính quyền luôn chú trọng việc khảo sát, nắm bắt nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo bền vững… Đến nay, tỉnh Yên Bái đã triển khai nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi bò cái sinh sản, tạo sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Nậm Khắt và xã Dế Xu Phìn, huyện Mù Cang Chải, với tổng kinh phí thực hiện là 450 triệu đồng...
Đồng thời, hỗ trợ xây dựng 3 mô hình phát triển kinh tế giúp đỡ cho hộ nghèo, nhóm hộ nghèo có nguyện vọng, đủ điều kiện thực hiện mô hình và thuộc đối tượng đăng ký thoát nghèo năm 2022. Tiêu biểu như mô hình nuôi trâu sinh sản tại xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ; mô hình nuôi ốc nhồi thương phẩm tại xã Vân Hội, huyện Trấn Yên; mô hình phát triển kinh tế vườn đồi (trồng quế) tại xã Sơn Lương, huyện Văn Chấn... Qua đó, góp phần cùng tỉnh thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Ông Phùng Quang Huy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Yên Bái chia sẻ, những năm qua, chính sách hỗ trợ người nghèo của Đảng và Nhà nước đã mang lại hiệu quả tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Với sự tuyên truyền tích cực của các cấp, các ngành, hàng trăm hộ nghèo đã mạnh dạn viết đơn xin ra khỏi diện hộ nghèo, nỗ lực lao động sản xuất để thoát nghèo bền vững. Việc làm đó đã thực sự tạo nên luồng sinh khí mới cho công cuộc xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh vùng cao Yên Bái.
“Việc tự viết đơn xin thoát nghèo chứng tỏ nhận thức của người dân đã thực sự thay đổi. Trong đó có những đối tượng chính sách vươn lên trở thành chủ thể kinh tế, sẵn sàng cùng địa phương “chia lửa” trước sự hội nhập và cạnh tranh khốc liệt của nền kinh tế nhiều biến động. Với thành công bước đầu này, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025” - ông Phùng Quang Huy nói thêm.