Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính

Khi người dân cùng tham gia

- Thứ Sáu, 26/03/2021, 16:13 - Chia sẻ
Xử lý vi phạm hành chính là lĩnh vực rộng, chuyên sâu, liên quan nhiều ngành, nhiều cấp, không làm tốt sẽ suy giảm hiệu lực nền hành chính quốc gia.
Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính (Ảnh minh họa)
Kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. (Ảnh minh họa nguồn: Dangcongsan.vn)

Mới đây, Bộ Tư pháp dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 19/2020/NĐ-CP của Chính phủ về kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính. Đây chính là điểm mới  trong công tác kiểm tra, giám sát nâng cao kỷ luật đội ngũ thi hành công vụ; tạo cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch, thuận lợi cho hoạt động kiểm tra vận hành bộ máy; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

Qua tổng kết công tác triển khai thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính cho thấy những bước tiến bộ vượt bậc so với trước đây khi hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh. Việc phát hiện hành vi vi phạm hành chính tăng rõ rệt và xử lý kịp thời theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định; mức độ tuân thủ pháp luật và thi hành quyết định xử phạt tương đối cao; ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như cơ quan, người có thẩm quyền đã được nâng lên... Tuy nhiên, con số vi phạm và đối tương vi phạm được phát hiên còn rất lớn. Thống kê năm 2014 đến năm 2018 cho thấy đã có 36.789.227 vụ vi phạm hành chính được phát hiện; vụ việc đã xử phạt là 28.493.927 vụ (chiếm 77,45% số vụ vi phạm); Tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 105.940 đối tượng, tổng số đối tượng bị áp dụng các biện pháp xử lý hành chính là 89.991 đối tượng (chiếm khoảng 85% tổng số đối tượng bị lập hồ sơ đề nghị).

Mặc dù có những chuyển biến rõ rệt nhưng khó khăn, thách thức còn nhiều; tình hình vi phạm hành chính diễn ra ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi hơn trên các lĩnh vực đời sống xã hội như: giao thông đường bộ; trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ môi trường; an toàn thực phẩm; kinh doanh; đất đai; xây dựng; sản xuất và tiêu thụ hàng giả; bảo hiểm xã hội, y tế… Điều đó đòi hỏi tăng cường công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý kịp thời nghiêm minh. Đồng thời, nâng cao kỷ luật và trách nhiệm người thi hành công vụ trong xử lý vi phạm hành chính. Không thể nói đội ngũ thiếu, yếu, không đủ thẩm quyền, mức xử phạt còn nhẹ, không đủ dăn đe… để bao biện cho tình trạng vi phạm hành chính gia tăng, kỷ luật hành chính một số nơi còn lỏng lẻo. Việc Chính phủ kiên quyết tăng cường kỷ luật hành chính trên mọi lĩnh vực cũng như xử lý nghiêm minh, kịp thời một số vụ viêc đã làm gương cho việc chấp hành kỷ luật hành chính và thay đổi nhân thức trì trệ, thiếu kiên quyết ở một số cấp, ngành, lĩnh vực… Bộ Tư pháp dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện kiểm tra, xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định rõ về thẩm quyền kiểm tra công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm toán Nhà nước, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cơ quan quản lý người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính… Đây là hành lang pháp lý đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý kỷ luật thi hành công vụ trong nội bộ từng cơ quan có thầm quyền xử phạt hành chính.

Để điều luật vào cuộc sống thì điều quan tâm hơn hết là quy định phải hết sức cụ thể; đặc biệt làm rõ quy định pháp luật về xử lý kỷ luật trong thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong mối liên hệ với quy định của Luật Cán bộ, công chức năm 2008, Luật Viên chức năm 2010, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức năm 2019 , pháp luật về xử lý kỷ luật trong thi hành án hành chính và xử lý kỷ luật về phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng… Từ đó, đối chiếu với quy định tránh nhiệm, quyền hạn của người thi hành công vụ của cơ quan có thẩm quyền với những vụ việc xảy ra khi bỏ xót, cho qua, xử nhẹ, làm sai lệch hồ sơ… để có thể xem xét kỷ luật cá nhân, đơn vị vi phạm. 

Vấn đề quan trọng nữa là cấp có thẩm quyền hàng năm và đột xuất có kế hoạch kiểm tra, rà soát việc xử lý vi phạm hành chính trong đon vị mình. Cần thiết có sự vào cuộc của cơ quan chuyên môn; sự vào cuộc của cơ quan truyền thông bảo đảm sự minh bạch, công khai ngay trong quá trình tự kiểm tra. Mặt khác, chú trọng sự giám sát của nhân dân nhằm phát hiện cán bộ tốt; thực hiện nghiêm chỉnh và cán bộ lợi dụng chức vụ, quyền hạn tùy tiện xử lý mưu cầu lợi ích cá nhân… Điều quan trọng không chỉ là vận động Nhân dân thực hiện nghiêm quy phạm pháp luật hành chính mà là phát động sự vào cuộc của người dân đấu tranh phát hiện cán bộ vi phạm pháp luật về xử lý hành chính. Người dân chính là tai mắt, là lực lượng mạnh mẽ, thường xuyên giúp xây dựng nền hành chính trong sạch.

Thanh Hà