Đất cơ sở tôn giáo bị thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội:

Khi nào được bồi thường?

- Chủ Nhật, 08/08/2021, 12:21 - Chia sẻ
Những năm qua, nhiều địa phương trên cả nước thực hiện các dự án lớn có thu hồi đất của người sử dụng đất có diện tích nằm trong quy hoạch dự án, trong đó có đất cơ sở tôn giáo. Về cơ bản, các dự án đều đáp ứng nhu cầu chuyển đổi, đền bù vật chất bảo đảm việc tái hoạt động tôn giáo cho các cơ sở tôn giáo có liên quan. Tuy nhiên, cá biệt có địa phương khi thực hiện dự án có thu hồi đất liên quan cơ sở tôn giáo đã không thực hiện đền bù. Vậy loại đất nào của cơ sở tôn giáo được bồi thường khi Nhà nước thu hồi theo quy định?

Đất cơ sở tôn giáo là gì?

Điều 57, Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, về đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo, quy định: “Đất cơ sở tín ngưỡng, đất cơ sở tôn giáo được quản lý và sử dụng theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Luật Đất đai 2013 có một số quy định về đất cơ sở tôn giáo, trong đó Điều 159 quy định: “(1) Đất cơ sở tôn giáo gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất, thánh đường, niệm phật đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động. (2) Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chính sách tôn giáo của Nhà nước, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt quyết định diện tích đất giao cho cơ sở tôn giáo”. Ngoài ra, đất cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo còn được quy định tại Điều 10 về phân loại đất, Điều 54 về giao đất không thu tiền sử dụng đất, Điều 169 về nhận quyền sử dụng đất, Điều 181 về quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất...

Từ một số quy định của Luật Đất đai 2013 liên quan đất cơ sở tôn giáo nêu trên có thể tóm lược như sau: Đất cơ sở tôn giáo là loại đất phi nông nghiệp, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất không thu tiền sử dụng đất. Cơ sở tôn giáo được nhận quyền sử dụng đất thông qua 3 hình thức: Nhà nước giao đất; Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; cơ sở tôn giáo nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành. Cơ sở tôn giáo sử dụng đất có quyền và nghĩa vụ chung theo quy định tại Điều 166 và Điều 170, Luật Đất đai 2013. Cơ sở tôn giáo sử dụng đất không được chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, tặng cho quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất.

Khi nào thu hồi được bồi thường?

Về cơ bản, các dự án khi thực hiện đều đáp ứng nhu cầu chuyển đổi, đền bù vật chất bảo đảm việc tái hoạt động tôn giáo cho các cơ sở tôn giáo có liên quan. Tuy nhiên, cá biệt có địa phương khi thực hiện dự án có thu hồi đất liên quan cơ sở tôn giáo đã không thực hiện đền bù, vì giải thích theo quy định tại Khoản 2, Điều 173, Luật Đất đai 2013: “Tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất không có quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất. Trong khi đó, Khoản 2, Điều 181, Luật Đất đai 2013 về quyền và nghĩa vụ của cơ sở tôn giáo, cộng đồng dân cư sử dụng đất, không có quy định về việc không được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi.

Về việc bồi thường đất khi Nhà nước thu hồi, Khoản 2, Điều 75, Luật Đất đai 2013 quy định điều kiện cụ thể đối với đất cơ sở tôn giáo như sau: Điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng: “Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp”.

Vậy loại đất nào của cơ sở tôn giáo được bồi thường khi Nhà nước thu hồi theo quy định trên?

Như đã tóm lược ở trên, cơ sở tôn giáo chỉ được nhận quyền sử dụng đất thông qua 3 hình thức: Nhà nước giao đất; Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất; cơ sở tôn giáo nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành. Trong đó hình thức “Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất” theo quy định tại Khoản 9, Điều 3, Luật Đất đai 2013 như sau: “Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất là việc Nhà nước trao quyền sử dụng đất cho người đang sử dụng đất ổn định mà không có nguồn gốc được Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu đối với thửa đất xác định”.

Theo Khoản 2, Điều 75, Luật Đất đai, cơ sở tôn giáo được bồi thường nếu đất đang sử dụng bị Nhà nước thu hồi là đất không phải do Nhà nước giao, có giấy chứng nhận hoặc đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận mà chưa được cấp. Đó chính là đất cơ sở tôn giáo được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.

Những năm gần đây, việc Nhà nước giao đất, hình thành các cơ sở tôn giáo mới được thực hiện thường xuyên trên cả nước để đáp ứng nhu cầu hợp pháp, chính đáng của cộng đồng tín đồ các tôn giáo. Nhưng đa số cơ sở tôn giáo, nhất là các tôn giáo gắn bó lâu dài cùng dân tộc như Phật giáo, Công giáo… thì nhiều cơ sở tôn giáo đã có từ hàng trăm năm trước, nhiều cơ sở đã được công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Thực hiện việc quản lý và sử dụng đất theo pháp luật về đất đai những năm qua, các cơ sở tôn giáo này đã được công nhận quyền sử dụng đất khi có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật đó là: Cơ sở được Nhà nước cho phép hoạt động; không có tranh chấp và không phải đất nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho sau ngày 1.7.2004 (Khoản 4, Điều 102, Luật Đất đai 2013).

Những đất cơ sở tôn giáo nói trên thuộc đối tượng điều chỉnh tại Khoản 2, Điều 75, Luật Đất đai 2013 về điều kiện được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng.

Nguyễn Khắc Huy Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ