Đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát

Khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

- Thứ Năm, 04/11/2021, 06:33 - Chia sẻ
Sáng nay, tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022. Với tinh thần “tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội” được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh trong phát biểu nhậm chức tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV, Hội nghị tập trung bàn, thảo luận các giải pháp triển khai có hiệu quả, chất lượng Chương trình giám sát năm 2022 của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Chủ động thích ứng, đổi mới cách thức giám sát

2021 là năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ Quốc hội với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Trong bối cảnh đó, Quốc hội đã chủ động điều chỉnh, cải tiến, đổi mới cách thức tiến hành hoạt động giám sát để vừa đáp ứng được yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, vừa phù hợp với tình hình thực tiễn. Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, các hoạt động giám sát được triển khai cụ thể thông qua việc xem xét các báo cáo; giám sát việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của cử tri…

Với việc xem xét các báo cáo, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, xem xét kỹ lưỡng các báo cáo về kết quả thực hiện các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2021, các báo cáo về công tác năm 2021 của Chính phủ, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Kiểm toán Nhà nước, các báo cáo về công tác tư pháp, phòng, chống tham nhũng và một số báo cáo khác. Việc xem xét báo cáo của các cơ quan được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định, đánh giá về những kết quả đạt được, hạn chế, tồn tại, nguyên nhân và giải pháp khắc phục để các cơ quan triển khai thực hiện. Đây tiếp tục là phương thức giám sát hiệu quả đối với việc tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội trong thực tiễn. Qua đó cũng thể hiện sự chia sẻ, sẵn sàng đồng hành của Quốc hội với Chính phủ, lắng nghe ý kiến của cử tri và Nhân dân, cùng cả nước cố gắng, nỗ lực vượt bậc trong những tháng cuối năm để nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả cao nhất.

Với giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị cử tri, sau lần đầu tiên được đưa ra thảo luận tại Phiên họp thứ Hai (tháng 8.2021), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định đưa công tác dân nguyện thành hoạt động thường xuyên, định kỳ báo cáo, thảo luận tại phiên họp hàng tháng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác dân nguyện, cũng như chỉ đạo, phối hợp giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, kéo dài. Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tổng hợp thông tin, xây dựng báo cáo giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình tại Kỳ họp thứ Hai về kết quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo năm 2021, bảo đảm tính thời sự, khách quan, toàn diện, có số liệu chứng minh rõ ràng và kiến nghị cụ thể.

Với chất vấn và trả lời chất vấn - hình thức giám sát trực tiếp luôn được cử tri và Nhân dân quan tâm, theo dõi, chờ đợi tại mỗi kỳ họp Quốc hội, với tinh thần chủ động từ sớm, từ xa để lựa chọn được những vấn đề thực sự bức xúc, nổi lên trong đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, được nhiều đại biểu Quốc hội, cử tri quan tâm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp đề xuất chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội; phiếu chất vấn bằng văn bản của đại biểu Quốc hội; ý kiến, kiến nghị của cử tri; những vấn đề nổi lên qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, ý kiến thảo luận của đại biểu Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2021 để trình Quốc hội xem xét, lựa chọn. Theo đó, trong đợt 2 của Kỳ họp thứ Hai tới đây, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn đối với các nhóm vấn đề thuộc 4 lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, lao động, thương binh và xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo. Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, với kỳ vọng tạo hiệu ứng tích cực cho cả nhiệm kỳ.

Có trọng tâm, trọng điểm, làm đến nơi đến chốn

Tại Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 09/2021/QH15 ngày 25.7.2021 về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng ban hành Nghị quyết số 266/2021/UBTVQH15 ngày 5.8.2021 về Chương trình giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 và Kế hoạch triển khai nhằm tạo sự thống nhất, chủ động trong tổ chức thực hiện. Các nội dung trong chương trình giám sát phù hợp với quy định của pháp luật, bảo đảm tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Theo đó, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao 2 chuyên đề: “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành”Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2021. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát 2 chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1.7.2016 đến ngày 1.7.2021”“Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021”.

Với tinh thần chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa, 4 Đoàn giám sát đã tích cực nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch chi tiết và đề cương báo cáo dưới sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội và Trưởng Đoàn giám sát. Đáng chú ý, việc triển khai hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có một số điểm mới so với thông lệ trước đây. Đó là nghị quyết thành lập Đoàn giám sát ban hành không kèm theo kế hoạch mà đưa một số nội dung chính như: Phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian xem xét báo cáo... vào nghị quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến và thông qua kế hoạch chi tiết, đề cương báo cáo của các Đoàn giám sát chuyên đề; đồng thời, xác định cụ thể hơn về đối tượng, nội dung giám sát tại Kế hoạch chi tiết để tạo sự chủ động cho Đoàn giám sát trước khi Trưởng Đoàn giám sát ký ban hành.

Và, lần đầu tiên, các Đoàn giám sát có sự tham gia của lãnh đạo một số cơ quan như: Ban Tổ chức Trung ương, Kiểm toán nhà nước, các chuyên gia là lãnh đạo các bộ, ngành và đặc biệt là sử dụng tối đa, có hiệu quả các kết quả, kết luận thanh tra, kiểm tra, kiểm toán. Việc tham gia của lãnh đạo các cơ quan hữu quan sẽ giúp Quốc hội khảo sát, thẩm định và có những đánh giá trung thực, bảo đảm chuyên sâu, độc lập, phát hiện kịp thời những sai phạm nếu có. Đây là một trong những căn cứ để xác định, làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể, tránh tình trạng né tránh, chung chung. Cùng với đó, Quốc hội cũng huy động sự phối hợp tham gia giám sát của Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị, xã hội và chịu trách nhiệm bước đầu về kết quả giám sát, tính xác thực của báo cáo tại địa phương. Những cải tiến, đổi mới về cách thức này được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của Quốc hội.

Thực tế cho thấy, muốn nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát, nhất định phải có sự đầu tư công sức, trí tuệ, có cách làm phù hợp, khoa học. Như khẳng định của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là hoạt động “đòi hỏi nỗ lực, phương pháp khoa học, có giám sát tổng thể, có giám sát trực tiếp, chứ không phải giám sát là xuống tất cả các nơi để làm; làm cái gì phải có kế hoạch, có mục tiêu, đi về phải có thu hoạch, có báo cáo, làm phải có trọng tâm, trọng điểm; tinh thần là phải làm đến nơi, đến chốn, nghe được nhiều tai, nhiều kênh có tính chất độc lập với nhau thì chúng ta mới có thể “gạn đục khơi trong” được”. “Nguyên lý của kiểm tra, giám sát người ta gọi là “nguyên tắc 4 mắt”, tức là người này làm cái gì thì phải có người khác giám sát”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, kéo dài, gây nhiều hậu quả, ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội, nền kinh tế cũng như người dân, Quốc hội đã thích ứng với tình hình mới, nhanh chóng thay đổi cách thức tiến hành các hoạt động. Các kỳ họp, phiên họp đều được tính toán với thời gian tiết giảm tối đa, phát huy thế mạnh của công nghệ thông tin trong các phiên họp trực tuyến, phát huy sức mạnh, trí tuệ tập thể để bảo đảm chất lượng, hiệu quả các phiên họp cũng như từng nội dung, từng quyết sách. Với hoạt động giám sát, Quốc hội không trì hoãn, chờ đợi, mà chủ động, linh hoạt ứng dụng công nghệ để tổ chức các hoạt động giám sát trực tuyến, từ đó thẩm định sơ bộ các báo cáo, tranh thủ thời điểm thích hợp sẽ tiến hành giám sát thực địa.

Những cải tiến, đổi mới và kết quả cụ thể trong hoạt động giám sát của Quốc hội đã và đang khẳng định thông điệp được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đưa ra trong phát biểu nhậm chức tại Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới. Đó là “tiếp tục đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát, coi đây là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Tiếp tục đổi mới phương thức, cách thức tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn, tăng cường hoạt động chất vấn ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hoạt động giải trình ở Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; hoạt động giám sát của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, chú trọng giám sát việc thực thi pháp luật và giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát, gắn với trách nhiệm giải trình của tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu. Tăng cường giám sát việc giải quyết đơn, thư, khiếu nại, tố cáo của công dân và kiến nghị của cử tri. Tiếp tục hoàn thiện và tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, đồng thời nghiên cứu để tiếp tục hoàn thiện cơ chế giám sát, lấy phiếu tín nhiệm đối với những người do Quốc hội, Hội đồng Nhân dân bầu hoặc phê chuẩn theo định hướng Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII”.

Thông điệp về đổi mới và đẩy mạnh hoạt động giám sát của Quốc hội cùng tinh thần “nói đi đôi với làm” cũng chính là mong muốn, kỳ vọng của cử tri và Nhân dân với cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

Anh Phương