Tỷ lệ lao động qua đào tạo còn thấp
Suy thoái kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra đã làm GDP của Việt Nam sụt giảm nhanh, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, thị trường lao động và việc làm bị tác động và phân hóa mạnh mẽ.
Trong khi đó, theo ông Trương Anh Dũng, Việt Nam có lợi thế cơ cấu dân số vàng với 55 triệu lao động, nhưng điểm nghẽn lại chính là chất lượng nguồn nhân lực bởi tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ mới đạt hơn 24%. Chỉ số kỹ năng và chất lượng đào tạo nghề tuy tăng ấn tượng nhưng vẫn ở vị trí 97/140 quốc gia. Khoảng cách này còn thấp, cách xa so với các nước Đông Bắc Á và ASEAN. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng suất lao động của chúng ta vẫn rất thấp, dù tăng trưởng kinh tế khá cao trong 2,5 thập kỷ qua.
Những vấn đề trên cho thấy, Việt Nam sẽ hết cơ hội nắm bắt thời cơ dân số vàng và bắt kịp với các nền kinh tế mới nổi trong khu vực nếu không tăng tốc phát triển nhân lực có kỹ năng, nhất là nhân lực có tay nghề cao. Đây là những yếu tố góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đặc biệt là trong bối cảnh do ảnh hưởng của dịch Covid-19, xu hướng tự động hóa, điện tử hóa, số hóa, tác động của cuộc CMCN 4.0 và hội nhập quốc tế.
Ông Trương Anh Dũng cho rằng, để phục hồi kinh tế và phát triển bền vững trong bối cảnh dịch bệnh, bên cạnh tiến độ bao phủ vaccine và phục hồi sản xuất… thì vấn đề quan trọng nhất vẫn là phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, kỹ năng và hiệu quả cao. Đây cũng là một trong ba đột phá chiến lược để phát triển đất nước thời gian tới.
Cần giải pháp căn cơ
Đề xuất các giải pháp để cho việc nâng cao kỹ năng lao động để phù hợp với tiến trình chuyển đổi số ở mọi ngành nghề ông Trương Anh Dũng cho rằng, cần bổ sung thêm chính sách và nguồn lực để đặt hàng đào tạo kỹ năng, tay nghề ngắn hạn cho học sinh, sinh viên và người lao động không thuộc đối tượng đào tạo từ Quỹ BHTN nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực cho thị trường lao động, nhất là khu vực, địa bàn thành thị tập trung nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất - nơi các chính sách hỗ trợ đào tạo cho vùng nghèo, vùng dân tộc, vùng nông thôn trong 3 chương trình mục tiêu không bao phủ. Đồng thời, cần tăng cường năng lực dự báo cung cầu và gắn chặt công tác đào tạo với doanh nghiệp bởi họ chính là những người làm chủ công nghệ và thị trường.
Nói thêm các giải pháp về đào tạo lao động cho thị trường, đại biểu Quốc hội khóa XV, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Halcom Việt Nam Nguyễn Quang Huân nhận định, việc nâng cao năng suất lao động là điều hết sức quan trọng đối với doanh nghiệp nhưng thực tế chưa phải doanh nghiệp nào cũng sẵn sàng tham gia vào các chương trình đào tạo. “Cơ cấu nền kinh tế hiện nay của Việt Nam có 800.000 doanh nghiệp nhưng chỉ có 17.000 doanh nghiệp lớn còn lại là vừa, nhỏ, siêu nhỏ. Chính phủ và các cơ quan liên quan đến vấn đề đào tạo cần có chính sách để thu hút các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng tham gia đào tạo vì nhu cầu của họ cũng rất lớn. Điều quan trọng nhất là cần một cơ chế phối hợp hài hòa về mặt lợi ích và công bằng trong thụ hưởng chính sách”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nhấn mạnh.
Bàn về phát triển nguồn nhân lực số, Trưởng ban phát triển nguồn nhân lực, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, Nguyễn Bình Minh cho rằng, thương mại điện tử là một xu hướng tất yếu của thời đại. Thậm chí, việc chuyển đổi số không còn là việc của tương lai mà đã diễn ra từ nhiều năm trước ở một số nhóm nghề trong ngành dịch vụ. Việc chuyển dịch này đã khiến nhiều ngành nghề mới ra đời và nhiều ngành nghề cũ dần biến mất. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi thật sự tạo sức bật cho nền kinh tế, Việt Nam cần giải quyết các vấn đề như thiếu kỹ năng, thiếu nền tảng, thiếu tư duy và cuối cùng là ý thức của lãnh đạo trong việc chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Bình Minh chỉ rõ, hiện nay có tới hơn 40 triệu lao động cần được đào tạo lại về kỹ năng việc làm và sử dụng công nghệ số. Vấn đề thiếu nhân lực để chuyển đổi đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Đối với doanh nghiệp, các công ty, sàn giao dịch, tổ chức… cần phải chuyển đổi số trước người tiêu dùng mới có thể tồn tại và dẫn dắt thị trường. Không nên để trường hợp người sử dụng dịch vụ đã “số hóa” mà người cung cấp vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Còn về vấn đề chính sách, ông Minh cho rằng, mọi cấp lãnh đạo đều cần phải nêu cao ý thức về vấn này, “Chuyển đổi số cần phải ban hành thành Nghị Quyết, có lộ trình cụ thể chứ không thể giải quyết theo tình huống, thời điểm” - ông Nguyễn Bình Minh lưu ý.