Nữ đại biểu dân cử là người dân tộc thiểu số

Khẳng định vai trò, tiếng nói trên nghị trường

- Thứ Sáu, 23/04/2021, 07:38 - Chia sẻ
Qua nhiều nhiệm kỳ, các nữ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số đã và đang không ngừng nỗ lực để khẳng định vai trò, tiếng nói của mình trên nghị trường. Họ đã vượt qua sự tự ti, thường xuyên trau dồi, rèn luyện, học hỏi ở chính đồng chí, đồng nghiệp. Họ luôn cất tiếng nói vì cử tri là đồng bào dân tộc thiểu số, bày tỏ sự quan tâm đến chất lượng cuộc sống của đồng bào. Phải làm sao để thay đổi tư duy đầu tư theo kiểu “đồng phục”, hướng đến đầu tư thiết thực, xuất phát từ nhu cầu của chính đồng bào dân tộc thiểu số.

Mang tiếng nói của đồng bào dân tộc đến nghị trường

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trong các nhiệm kỳ gần đây, tỷ lệ đại biểu dân tộc thiểu số, đặc biệt là nữ đại biểu dân tộc thiểu số tham gia các cơ quan dân cử ngày càng cao. Nhiều nữ đại biểu đã phát huy được năng lực, phẩm chất, trí tuệ, tham gia đóng góp xây dựng chính sách, nhất là chính sách cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Vượt qua không ít khó khăn, trở ngại, các nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số đã khẳng định vai trò, tiếng nói của mình trên nghị trường.

	Đại biểu Quốc hội Vương Ngọc Hà (Hà Giang) phát biểu tại hội trường
Đại biểu Quốc hội Vương Ngọc Hà (Hà Giang) phát biểu tại hội trường

Chia sẻ bên hành lang kỳ họp cuối cùng của nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV, nhiều nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số đều nhắc đến Nghị quyết số 88/2019/QH14 phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và Nghị quyết số 120/2020/QH14 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Đây là hai Nghị quyết mang tính lịch sử, có tác động toàn diện đến mọi lĩnh vực đời sống - xã hội của vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Với vai trò của mình, các nữ đại biểu Quốc hội là người dân tộc thiểu số đã phát huy tối đa trách nhiệm, tình cảm, sự tâm huyết để tham gia đóng góp nhiều ý kiến xác đáng để góp phần hoàn thiện các dự thảo nghị quyết này để trình Quốc hội thông qua. Nhiều nữ đại biểu đã đi khảo sát, giám sát thực tế, trao đổi với cử tri vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đóng góp những tiếng nói từ thực tiễn cuộc sống, từ tâm tư, nguyện vọng của đồng bào, góp phần bảo đảm tính khả thi và hiệu quả của nghị quyết.

Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện hai Nghị quyết quan trọng này. Với những trăn trở và tình cảm gắn bó dành cho đồng bào các dân tộc thiểu số, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Vương Ngọc Hà mong muốn, quá trình thực hiện cần hết sức quan tâm đến chất lượng cuộc sống của đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Bà cho rằng, chất lượng cuộc sống phải tính trên nhiều phương diện như cơm ăn, áo mặc, nguồn nước, điện, đường giao thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, đời sống văn hóa tinh thần. Đây là những lĩnh vực phải có sự tác động từ nguồn lực Nhà nước mới có thể giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao chất lượng cuộc sống của mình.

Quan tâm đến vấn đề bỏ học của trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân cho biết, thời gian qua đã có rất nhiều chính sách ưu tiên của Nhà nước như miễn, giảm học phí, cấp học bổng, hỗ trợ tiền gạo, tiền sách vở, đồ dùng học tập, nhưng cứ bước vào năm học mới, ngành giáo dục vẫn phải đau đầu vì học sinh miền núi, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn bỏ học. Đây là vấn đề lớn đặt ra trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội mà Chính phủ phải quan tâm khắc phục. Nhiều nữ đại biểu vùng dân tộc thiểu số cũng cho rằng, đầu tư cho giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số không chỉ đơn thuần là kiên cố hóa trường lớp mà phải nâng cao chất lượng đầu tư trang thiết bị, nội dung, chương trình giảng dạy sao cho phù hợp, đặc biệt là đội ngũ giáo viên, không chỉ là người “truyền chữ” mà còn phải là những người “truyền lửa tri thức” cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số.

Hay vấn đề văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nếu chỉ xây dựng các trung tâm văn hóa, nhà văn hóa mà không có nội dung đưa vào sinh hoạt, thì đã thực sự thành công hay chưa? Bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã có từ ngàn đời nay, rất phong phú và đa dạng, không phải cứ đầu tư trụ sở hay nhà văn hóa là đã giúp cho đồng bào giữ được bản sắc văn hóa dân tộc, mà phải biết cách khơi dậy lòng tự hào của đồng bào về những nét đẹp văn hóa của mình. Nếu vẫn làm như trước kia, “đồng phục” trong cách thức đầu tư, tức là xây dựng mô hình nhà văn hóa chung cho các địa bàn vùng dân tộc thiểu số, sẽ không phù hợp với tín ngưỡng hay đặc điểm văn hóa của từng vùng. Vì thế, phải thay đổi trong cách thức đầu tư của Nhà nước để từ đó, làm cho đồng bào ở từng vùng, từng miền, từng dân tộc thấy được những văn hóa nào của dân tộc mình cần phải được lưu giữ, bảo vệ, cần phải được truyền từ đời này sang đời khác. Phải xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu của từng dân tộc để tính đến chính sách hỗ trợ đồng bào.

Vượt qua những rào cản

Không chỉ trăn trở về những vấn đề “cơm, áo, học hành” sát sườn với đời sống hàng ngày của đồng bào vùng dân tộc thiểu số, nhiều nữ đại biểu Quốc hội cũng chia sẻ nhiều tâm tư về việc bảo đảm chất lượng nữ đại biểu dân cử là người dân tộc thiểu số.

Để trở thành người đại biểu của nhân dân tại cơ quan dân cử các cấp, nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số phải vượt qua rất nhiều trở ngại, rào cản. Trong đó, rào cản thường gặp nhất là tư tưởng phụ nữ phải ưu tiên thiên chức làm vợ, làm mẹ. Theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Cao Thị Xuân, với phụ nữ dân tộc thiểu số sinh ra, lớn lên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn thì rào cản đó càng lớn hơn nhiều bởi cơ hội được học hành, tiếp cận tri thức của họ gặp khó khăn hơn nhiều so với phụ nữ các vùng thành thị, đồng bằng. Phụ nữ vùng dân tộc thiểu số cũng còn ngần ngại trong việc tham gia hoạt động xã hội, tham gia hệ thống chính trị. Chính vì vậy, một nữ đại biểu dân cử là người dân tộc thiểu số phải không ngừng nỗ lực, không ngừng trau dồi, rèn luyện, học hỏi ở đồng chí, đồng nghiệp, thậm chí phải phấn đấu gấp nhiều lần so với những nữ đại biểu khác nếu muốn thực hiện được trọn vẹn trọng trách của mình.

Trong khi đó, một khó khăn đối với nữ đại biểu là người dân tộc thiểu số khi tham gia ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp là thường phải gánh nhiều cơ cấu như: nữ, trẻ, dân tộc thiểu số, ngoài đảng... Vì thế, trong một số trường hợp, nữ ứng cử viên khó bảo đảm chất lượng. Đây là vấn đề cần hết sức lưu ý đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ Khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, các nữ đại biểu Quốc hội Khóa XIV là người dân tộc thiểu số mong muốn, các địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để lựa chọn được những nữ đại biểu thật sự tiêu biểu, có năng lực, phẩm chất để đáp ứng được nhiệm vụ của người đại biểu Nhân dân, đại diện cho tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của cử tri vùng dân tộc thiểu số. Về lâu dài, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quàng Văn Hương đề nghị, cần có chiến lược, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ nữ là người dân tộc thiểu số, trong đó có các dân tộc rất ít người, qua đó phát hiện các ứng viên có khả năng ứng cử làm đại biểu dân cử các cấp.

Ý Nhi