Khai mạc Phiên họp thứ 49 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

- Thứ Hai, 12/10/2020, 16:25 - Chia sẻ
Chiều 12.10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khai mạc Phiên họp thứ 49.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Phiên họp thứ 49

Tiếp đó, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”.

Cơ hội đan xen thách thức

Trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu rõ, tính đến hết năm 2019, Việt Nam đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Trong số 13 FTA đã ký kết, có 12 FTA đã có hiệu lực đối với Việt Nam thuộc phạm vi của chuyên đề giám sát, bao gồm một FTA thế hệ mới là Hiệp định  Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã được Quốc hội phê chuẩn trong năm 2018; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực đối với Việt Nam từ 1.8.2020 không thuộc phạm vi giám sát của chuyên đề này.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam là thành viên”

Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế - thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Từ 1995 đến nay, Quốc hội đã thông qua 19 luật, bộ luật, nghị quyết; Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành một nghị quyết; Chính phủ đã ban hành 45 nghị định; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 quyết định; Bộ, cơ quan ngang bộ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành 76 thông tư để thực hiện các FTA.

Riêng đối với CPTPP là FTA thế hệ mới, Chính phủ đã tiến hành rà soát pháp luật và đề xuất sửa đổi, bổ sung 12 văn bản bao gồm: 8 luật, 3 nghị định, một quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kiến nghị ban hành mới là 5 văn bản quy phạm pháp luật bao gồm: 4 nghị định và một quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Theo Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội phê chuẩn CPTPP có 15 nhóm cam kết được quy định áp dụng trực tiếp và 7 luật được sửa đổi, bổ sung theo lộ trình cam kết trong CPTPP.

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại nêu rõ, việc tham gia các FTA đã góp phần đưa nền kinh tế nước ta duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm, kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định; lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, cụ thể trên một số lĩnh vực, như thương mại hàng hóa; thương mại dịch vụ; đầu tư; cán cân thương mại, cán cân thanh toán quốc tế và ngân sách nhà nước; lĩnh vực sở hữu trí tuệ, lao động, môi trường, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, mua sắm công, cải cách thể chế; tạo thêm việc làm mới…

Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng chỉ rõ, việc tham gia các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao và toàn diện như CPTPP và EVFTA không chỉ mang lại cơ hội mà còn kèm theo những rủi ro và thách thức, nhất là năng lực cạnh tranh để tác động tăng trưởng kinh tế, có thể rủi ro đối với doanh nghiệp trong nước; thách thức về hoàn thiện khuôn khổ pháp luật cũng như trong thực thi các cam kết trong những lĩnh vực mới chưa có trong các FTA trước đây, như lao động, công đoàn, môi trường.

Bảo đảm ưu đãi, nhưng cũng phải tạo sự bình đẳng

Cơ bản nhất trí với Báo cáo kết quả giám sát, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao việc gia nhập FTA đã mang lại nhiều kết quả tích cực cho sự phát triển của đất nước. Về chính trị ngoại giao, việc tham gia FTA cần được khẳng định là đúng đắn, kịp thời, phù hợp với chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa của nước ta. Tăng cường sự đan xen lợi ích trong mối quan hệ giữa các đối tác, đặc biệt là các nước lớn và các nước có tiềm lực về mặt kinh tế, công nghiệp hiện đại; góp phần giữ vững môi trường hòa bình và ổn định chính trị; tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối tác, nâng cao uy tín, vị thế của nước ta trên trên trường quốc tế.

Về kinh tế - xã hội, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, việc gia nhập FTA đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tránh phụ thuộc vào một thị trường truyền thống. Nền kinh tế nước ta có sự tăng trưởng cao, có bước đi thận trọng, vững chắc. Lạm phát trong nước được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, thúc đẩy tái cấu trúc nền kinh tế. Chuyển dịch kinh tế theo hướng đưa hàng hóa vào thị trường khó tính, góp phần tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới; tạo thêm nhiều việc làm, tăng thu nhập và đời sống của nhân dân được nâng cao. Chúng ta dễ dàng tiếp cận với sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có chất lượng cao của các nước đối tác. Gia nhập FTA còn tạo động lực để nước ta hoàn thiện thể chế, khuôn khổ pháp lý phù hợp với thông lệ quốc tế; chú trọng cải cách thủ tục hành chính; bước đầu, chúng ta nghiên cứu đến việc giải quyết tranh chấp quốc tế…

Bên cạnh lợi ích, cơ hội, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý, việc gia nhập FTA đang tạo áp lực đối với các doanh nghiệp trong nước; đặt ra yêu cầu về nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu, định hướng lại dòng vốn đầu tư (chúng ta đã hết thời kỳ "trải thảm đỏ", mà bước vào thời kỳ lựa chọn dòng vốn đầu tư). Đồng thời, đòi hỏi các giải pháp sẵn sàng ứng phó khi bị áp đặt các biện pháp phòng vệ thương mại và giải quyết tranh chấp. Thách thức trong việc thực thi cam kết trong những lĩnh vực mới như chuyển dịch lao động và đào tạo nghề...

Từ những phân tích trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị phải có chính sách ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia FTA; khơi dậy, phát huy năng lực doanh nghiệp trong nước. Chúng ta thực hiện FTA trên cơ sở vừa bảo đảm ưu đãi, nhưng cũng phải tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, nâng cao vai trò của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong giám sát việc triển khai thực hiện các FTA mà Việt Nam là thành viên. Sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản luật, nghị quyết của Quốc hội để nội luật hóa các cam kết trong FTA đúng theo lộ trình. Chính phủ tiếp tục quan tâm, cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính.

+ Tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Hoàng Ngọc