Khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình lần thứ XXII

- Thứ Tư, 21/10/2020, 12:34 - Chia sẻ
Sáng 21.10, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh, Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã khai mạc trọng thể Đại hội đại biểu lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tới dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư dự và chỉ đạo Đại hội.

Cùng dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc. Các Ủy viên Trung ương Đảng: Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài Chính Đinh Tiến Dũng; Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung; Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương Võ Văn Dũng; Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh; Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Hoàng Anh…

Về phía tỉnh có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Quảng; lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; Mẹ Việt Nam anh hùng; các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng Lao động và 339 đại biểu đại diện cho hơn 72.000 đảng viên trong Đảng bộ tỉnh về dự Đại hội.

13/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch

Phát biểu khai mạc Đại hội, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thị Thu Hà nhấn mạnh: Phát huy truyền thống của vùng đất địa linh nhân kiệt, với lòng thành kính và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, cùng sự tri ân các thế hệ cán bộ, chiến sĩ, những người con ưu tú của quê hương Ninh Bình; kế thừa thành tựu phát triển của tỉnh trong các nhiệm kỳ qua, nhất là nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XXI, đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh quyết tâm nỗ lực phấn đấu, chung sức, đồng lòng “xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết toàn dân, giá trị lịch sử, văn hóa Cố đô Hoa Lư; đổi mới, sáng tạo, phát triển toàn diện kinh tế - xã hội; phấn đấu đến năm năm 2030 là tỉnh khá trong khu vực đồng bằng sông Hồng”.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu khai mạc Đại hội

Với trách nhiệm trước Đảng bộ và Nhân dân toàn tỉnh, mỗi đại biểu phải công tâm, sáng suốt, phát huy dân chủ lựa chọn các đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, có uy tín, năng lực, có tinh thần quyết tâm đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm để bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XXII nhiệm kỳ 2020 – 2025, đủ sức lãnh đạo tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội. Đồng thời, bầu Đoàn đại biểu thay mặt cho Đảng bộ dự Đại hội Đại biểu toàn Quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới.

Trình bày báo cáo Chính trị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Hồng Quảng cho biết: 5 năm qua, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh đã nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu đạt được những thành tựu quan trọng, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực. Tổng sản phẩm trong tỉnh trung bình hàng năm tăng 8,03%, cao hơn bình quân chung của cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực với tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ chiếm 88,3%; sản xuất công nghiệp tăng bình quân hàng năm 22,03%. Lĩnh vực du lịch phát triển khá, từng bước khẳng định vị trí và thương hiệu trong nước và quốc tế. Nhiều sản phẩm du lịch mới được hình thành, chất lượng dịch vụ nâng lên, đã góp phần tăng thu ngân sách, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nhất là lao động khu vực nông thôn.

Lĩnh vực sản xuất nông nghiệp được tập trung phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng và giá trị. Tốc độ tăng giá trị sản xuất khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản bình quân đạt 2,02%/năm, hoàn thành mục tiêu Đại hội. Đến hết năm 2020, tỉnh đã đánh giá và xếp hạng 24 sản phẩm tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), gồm 16 sản phẩm 4 sao và 8 sản phẩm 3 sao. Cùng với đó, công cuộc xây dựng NTM đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ đến mỗi người dân, hộ gia đình. Đến nay, toàn tỉnh có 106/116 xã đạt chuẩn NTM; có 3 huyện Hoa Lư, Yên Khánh, Gia Viễn đạt chuẩn huyện NTM và thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; 8 xã và 100 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.

Bên cạnh đó, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ. Đặc biệt, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên, hệ thống chính trị và khối đoàn kết toàn dân được củng cố vững mạnh…

Các đại biểu tham dự Đại hội

Thực hiện 3 khâu đột phá, 6 nhiệm vụ trọng tâm

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra, nhiệm kỳ 2020 – 2025, Ninh Bình sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá đó là: Xây dựng chính quyền điện tử, thực hiện chuyển đổi số; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ, hiệu quả, chất lượng; nhất là hạ tầng du lịch. Đồng thời, thực hiện tốt 6 chương trình trọng tâm.

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tặng hoa chúc mừng Đại hội

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, Ủy viên Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng biểu dương, đánh giá cao và chúc mừng những thành tích Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình đã đạt được trong nhiệm kỳ qua. Những thành tựu đạt được của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Ninh Bình trong nhiệm kỳ vừa qua là rất đáng tự hào, thể hiện tinh thần đoàn kết, nỗ lực, phấn đấu, vượt qua khó khăn, thách thức, làm nên diện mạo mới, ngày càng khởi sắc, tươi đẹp từ các đô thị đến mọi vùng nông thôn của Ninh Bình; tạo niềm tin, nền tảng, tiền đề quan trọng để tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn mới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thường trực Ban Bí thư cũng đề nghị Đại hội cần thẳng thắn nhìn nhìn nhận, đánh giá, phân tích, làm rõ hơn những hạn chế, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua. Cụ thể: Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm qua còn thấp; thu nhập bình quân/người chưa đạt mục tiêu. Thu hút đầu tư còn hạn chế. Môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện nhiều. Tăng trưởng nông nghiệp chưa thể hiện rõ theo hướng hiện đại. Phát triển kinh tế biển còn hạn chế. Trật tự, an toàn xã hội còn tiềm ẩn yếu tố phức tạp…

Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trò chuyện với các đại biểu bên lề Đại hội

Xoay quanh định hướng, chiến lược nhiệm kỳ tới, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng gợi mở 7 nhiệm vụ. Trong đó, Ninh Bình cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo. Nhận thức đúng đắn, sâu sắc hơn nữa về những tiềm năng, thế mạnh đặc thù và lợi thế so sánh của Ninh Bình. Từ thế mạnh và tiềm năng đó, nên chăng, xác định động lực phát triển Ninh Bình trong thời gian tới là phát triển công nghiệp phụ trợ, du lich chất lượng cao và dịch vụ. Từ đó, chú trọng làm thật tốt công tác quy hoạch với tầm nhìn chiến lược, sâu rộng và dài hạn. Trước hết, cần sớm xây dựng thật tốt Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đồng thời tổ chức thực hiện và quản lý đúng theo Quy hoạch này. Đây là cơ sở rất quan trọng, rất cơ bản đề tỉnh nhà phát triển toàn diện, nhanh, bền vững hơn nữa trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Ninh Bình cần quan tâm phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông nội tỉnh và liên vùng; thúc đẩy liên kết vùng, nhất là liên kết chặt chẽ với các cực phát triển kinh tế của vùng tứ giác phát triển kinh tế để đẩy mạnh phát triển công nghiệp phụ trợ, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp với năng suất, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao. Đồng thời, phải hết sức coi trọng giữ gìn và bảo vệ thật tốt môi trường; chú trọng phát triển đồng bộ, toàn diện các lĩnh vực văn hóa - xã hội, bảo đảm tốt an sinh và phúc lợi xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đặc biệt, cần nhận thức sâu sắc hơn và phát huy mạnh mẽ giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa cố đô Hoa Lư. Đây chính là nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh và cũng là động lực mạnh mẽ thúc đẩy Ninh Bình phát triển nhanh, bền vững, nhất là về du lịch…

“Với tư duy và tầm nhìn mới, kế thừa và phát huy truyền thống lịch sử - văn hóa, truyền thống cách mạng hết sức vẻ vang của vùng đất cố đô Hoa Lư và những thành tựu, kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua, tin tưởng chắc chắn rằng, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Ninh Bình nhất định sẽ thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đề ra, xây dựng Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh, sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Hồng, xây dựng Đảng bộ Ninh Bình ngày càng trong sạch, vững mạnh và hệ thống chính trị các cấp tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, xứng đáng với niềm tin yêu và kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và Nhân dân” - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tin tưởng.

TRỌNG HIẾU