Khắc phục tình trạng trực tuyến cũng như trực tiếp

Nguyễn Minh 17/10/2022 06:05

Quy định cụ thể trình tự, thủ tục đấu giá bằng hình thức trực tuyến là điểm mới tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16.5.2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản đang được Bộ Tư pháp xây dựng.

Hiện, Nghị định số 62/2017/NĐ-CP mới chỉ quy định cuộc đấu giá được tổ chức trực tuyến còn quy trình niêm yết, thông báo công khai việc đấu giá, việc bán hồ sơ, nộp hồ sơ, tiền đặt trước... vẫn được thực hiện trực tiếp như các hình thức đấu giá khác nên các tổ chức đấu giá tài sản lúng túng trong việc áp dụng; mỗi tổ chức đấu giá tài sản thực hiện một cách khác nhau, làm giảm tính hiệu quả của hình thức đấu giá trực tuyến trên thực tế.

Phản ánh của nhiều địa phương cho thấy, do quy định về hình thức đấu giá trực tuyến chưa đầy đủ nên một số tổ chức đấu giá tài sản đã hướng dẫn người tham gia đấu giá mua hồ sơ, nộp hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá thông qua email hoặc tài khoản website đã được đăng ký; một số thì yêu cầu nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện; việc nộp tiền đặt trước cũng thực hiện không thống nhất. Chẳng hạn, một số tổ chức đấu giá yêu cầu người tham gia đấu giá nộp tiền đặt trước thông qua chuyển khoản ngân hàng (banking, chụp chứng từ ủy nhiệm chi), một số lại yêu cầu nộp thông qua tài khoản truy cập của trang đấu giá trực tuyến đã cấp... Điều này phản ánh không đúng bản chất của hình thức đấu giá trực tuyến (toàn bộ quy trình đều được thực hiện trên môi trường internet).

Ngoài ra, theo quy định của Nghị định số 62/2017, các tổ chức đấu giá tài sản tự xây dựng và vận hành Trang thông tin đấu giá trực tuyến của mình sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt mà chưa có quy định về Trang điện tử đấu giá trực tuyến thống nhất đã gây khó khăn cho các tổ chức đấu giá, người có tài sản trong quá trình lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến, tổ chức thực hiện cũng như việc áp dụng rộng rãi hình thức đấu giá này trên phạm vi toàn quốc, nhất là việc đấu giá tài sản công, tài sản là quyền sử dụng đất giá trị lớn.

Khắc phục những vướng mắc trên, Dự thảo đã quy định rõ: tổ chức đấu giá tài sản đăng ký tham gia hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia để tổ chức đấu giá trực tuyến. Người tham gia đấu giá đăng ký tham gia đấu giá trên hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia. Người tham gia đấu giá được cấp tài khoản truy cập để xem tài sản đấu giá, Quy chế cuộc đấu giá, Thông báo công khai việc đấu giá; được hướng dẫn cách sử dụng tài khoản để thực hiện việc nộp hồ sơ tham gia đấu giá, nộp tiền đặt trước thông qua các hình thức thanh toán trực tuyến, cách thức tham gia đấu giá, trả giá và các nội dung cần thiết khác khi tham gia hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia. Người tham gia đấu giá sử dụng tài khoản truy cập thực hiện việc trả giá theo phương thức đấu giá, thời điểm bắt đầu tiến hành đấu giá và thời điểm kết thúc đấu giá, bước giá đã công bố và các việc liên quan khác theo Quy chế cuộc đấu giá.

Để bảo đảm tính khách quan, công khai, minh bạch, Dự thảo đã quy định thêm, kết quả cuộc đấu giá trực tuyến được đăng công khai trên hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia và được gửi vào địa chỉ thư điện tử của người tham gia đấu giá đã đăng ký với tổ chức đấu giá tài sản Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ngay sau khi đấu giá viên công bố người trúng đấu giá trên hệ thống mạng đấu giá tài sản quốc gia.

    Nổi bật
        Mới nhất
        Khắc phục tình trạng trực tuyến cũng như trực tiếp
        • Mặc định
        POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO