Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Khánh Hòa Khóa VI

Khắc phục bất cập trong công tác quy hoạch

- Thứ Ba, 15/12/2020, 02:10 - Chia sẻ
Cùng với đẩy mạnh việc triển khai các dự án phát triển kinh tế - mấu chốt để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa trong năm 2021 và những năm tiếp theo, UBND tỉnh sẽ tập trung chấn chỉnh những bất cập trong công tác quy hoạch tại thành phố Nha Trang. Trong đó, đối với các dự án mới, dự án được tiếp tục thực hiện, ngoài đối chiếu với quy hoạch, cần kiểm tra bản đồ địa chất để làm việc với nhà đầu tư… Đó là những nội dung được UBND tỉnh nhấn mạnh tại kỳ họp.

Tập trung triển khai các dự án phát triển kinh tế

Theo đánh giá tại kỳ họp, Năm 2020, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng bằng nhiều nỗ lực, kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa vẫn duy trì ổn định. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm chỉ đạo; an sinh xã hội và phúc lợi xã hội cơ bản được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Thu hút đầu tư ngoài ngân sách đạt kết quả tích cực; giải ngân vốn đầu tư công chuyển biến tốt; nhiều công trình trọng yếu được khởi công, tạo động lực phát triển cho những năm tới. Tỉnh đã quyết liệt triển khai đồng bộ thực hiện các nhóm giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của dịch bệnh Covid-19, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từng bước cải thiện các chỉ số phát triển cho nền kinh tế. Tuy nhiên, do tác động của nghiêm trọng của dịch bệnh và thời tiết nắng nóng, hạn hán, có đến 9/16 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch.

Trong bối cảnh năm 2021 dự báo còn không ít khó khăn, thách thức do dịch bệnh Covid-19 còn kéo dài, tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, hạn hán... theo lãnh đạo Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, đối với các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, UBND tỉnh cần các giải pháp cụ thể hơn thực hiện trên các lĩnh vực. Bổ sung các giải pháp, chính sách hỗ trợ thúc đẩy ngành du lịch trong bối cảnh dịch Covid-19 còn kéo dài. Để nâng cao trách nhiệm của các chủ đầu tư, ngoài xem xét trách nhiệm không hoàn thành nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công trong năm; không xem xét thi đua khen thưởng, đánh giá chất lượng đối với người đứng đầu, các cá nhân liên quan... cần bổ sung biện pháp chuyển chủ đầu tư cho các các đơn vị khác thực sự có năng lực.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh: Việc triển khai các dự án phát triển kinh tế sẽ là mấu chốt để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2021 và những năm tiếp theo. Tỉnh sẽ tiếp tục tập trung phát triển 4 chương trình phát triển kinh tế trọng điểm; đồng thời, rà soát, hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp tại khu vực Vạn Ninh - Ninh Hòa, phát triển điện khí tại khu vực Vân Phong - những động lực mới cho phát triển công nghiệp trong giai đoạn tới.

Các đại biểu dự Kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Khánh Hòa Khóa VI

Ảnh: X. Thành 

Khắc phục bất cập trong công tác quy hoạch

Trên cơ sở bàn thảo, HĐND tỉnh Khánh Hòa đã thông qua 55 Nghị quyết do UBND tỉnh trình liên quan đến nhiều lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong số các nghị quyết về chủ trương đầu tư các dự án được thông qua, có nhiều nghị quyết về chủ trương đầu tư các công trình giao thông được đông đảo cử tri quan tâm như: Dự án sửa chữa đường ĐT.651D; Dự án sửa chữa cầu Đỏ trên đường ĐT.652H (Tỉnh lộ 8); Dự án sửa chữa đường ĐT.657I (Nguyễn Tất Thành); Dự án sửa chữa đường ĐT.65-30 (Lập Định - Suối Môn); Dự án sửa chữa đường ĐT.653D (Hương lộ 62); Dự án sửa chữa đường ĐT.654C (Sông Cầu - Yang Bay); Dự án sửa chữa đường ĐT.656 (Tỉnh lộ 9); Dự án sửa chữa đường ĐT.651G (Tỉnh lộ 6)…

Một vấn đề thu hút quan tâm của đại biểu tại kỳ họp là những bất cập trong công tác lập quy hoạch, cụ thể là trên địa bàn thành phố Nha Trang. Theo phản ánh của đại biểu, việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2012, có định hướng cho phép phát triển đô thị - du lịch ở một phần đồi núi. Thay vì phải lập quy hoạch 1/2.000 trước khi cấp phép dự án, tỉnh lại chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cơ sở phê duyệt quy hoạch 1/500. Hệ lụy là khu vực đồi núi thành phố Nha Trang có nhiều dự án triển khai (82 dự án) đã gây sạt lở nghiêm trọng.

Những câu hỏi được đặt ra là: Thời gian tới, tỉnh dựa vào tiêu chí nào để đánh giá dự án phù hợp; những dự án không phù hợp hoặc chỉ phù hợp một phần sẽ xử lý như thế nào; cho phép tồn tại hay kiên quyết xử lý trả lại màu xanh núi rừng, giữ nền địa chất ổn định?

Trước những vấn đề đại biểu đặt ra, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh, đây là vấn đề sống còn trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nên rất được quan tâm. UBND tỉnh đã triển khai hội nghị về công tác lập quy hoạch của tỉnh và thành phố Nha Trang. Tỉnh đã giao đến tháng 4.2021, thành phố Nha Trang phải cơ bản xong dự thảo quy hoạch để lấy ý kiến của hội đồng thẩm định, ý kiến Nhân dân và chuyên gia. Tháng 12.2021, tỉnh phải hoàn thành việc lập quy hoạch tỉnh để tiến hành các bước theo quy định, đến tháng 6.2022, trình Thủ tướng phê duyệt.

Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm: Cùng với triển khai lập quy hoạch, UBND tỉnh đã cho rà soát lại 82 dự án ở các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn thành phố Nha Trang; tạm dừng những dự án không phù hợp với quy hoạch hoặc chỉ phù hợp một phần. Hiện, tỉnh đã có bản đồ địa chất của Tổng cục Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường), xác định các khu vực có nguy cơ sạt lở của Nha Trang và toàn tỉnh. Từ nay trở đi, đối với các dự án mới, dự án được tiếp tục thực hiện, ngoài đối chiếu với quy hoạch, cần kiểm tra bản đồ địa chất để làm việc với nhà đầu tư. Tỉnh đã chỉ đạo thành phố Nha Trang kiểm tra những khu vực có nguy cơ sạt lở, nghiên cứu phương án giải quyết như: Tổ chức di dời, xây dựng các dự án nhà ở xã hội… để ổn định cuộc sống cho người dân.

TRẦN VĂN