Làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền
Về công tác phát hiện, xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm, Ủy ban Tư pháp nhận thấy, năm 2019, công tác phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm đã đạt được nhiều kết quả tích cực, đạt chỉ tiêu của Nghị quyết 63 của QH. Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực, việc phát hiện còn chậm, số lượng chưa tương xứng, chưa phản ánh đúng tình hình vi phạm trên thực tế, kết quả xử lý chưa nghiêm, chưa làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong quản lý nhà nước.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) phát biểu tại Hội trường |
Nêu quan điểm về vấn đề này, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho biết, cử tri rất lo lắng về tệ nạn ma tuý. Báo cáo của ngành tư pháp cũng đã nêu ra vấn đề này. Để triệt phá tệ nạn ma tuý trông chờ vào lực lượng chức năng, đặc biệt là các lực lượng công an, biên phòng, hải quan. ĐB cũng cho rằng, thời gian qua, Bộ Công an đã có nhiều nỗ lực lớn trong công tác đấu tranh, triệt phá các vụ án ma tuý, song những vụ án triệt phá vẫn chỉ được xem là phần nổi của tảng băng chìm. Mong muốn Chính phủ quan tâm hơn với công tác này, cả về nhân lực, trang thiết bị và chế độ, chính sách.
Về tình trạng gian lận trong thi cử, ĐB Nguyễn Sỹ Cương cho biết, một số đại biểu đã nhận định đây là tình trạng "quen mui" và khả năng là những năm trước cũng xảy ra tình trạng gian lận. Bởi trong vụ gian lận thi cử năm 2018, việc các đối tượng thực hiện một cách chuyên nghiệp, nhuần nhuyễn và cố tổ chức. Vì vậy, ĐB cho rằng, hoàn toàn có lý do để kiến nghị mở rộng điều tra đối với các kỳ thi của một số năm trước. Về việc xử lý gian lận trong kỳ thi năm 2018, ĐB cũng cho biết, tại Phiên họp thứu 38 của UBTVQH, cử tri kiến nghị, cần phải xử lý đúng đối tượng, tâm phục khẩu phục bởi việc xử lý vụ việc trong thời gian vừa qua, hiện tượng né trách nhiệm là tương đối rõ. Lo ngại việc các cơ quan điều tra có thể bỏ lọt tội phạm khi chấp nhận lời giải thích của một số lãnh đạo địa phương có con em được nâng điểm trong kỳ thi và đưa người thân, người quen ra chịu tội thay, trong khi bản thân lại coi như "vô can", ĐB Sỹ Cương đề nghị, các bộ, ngành liên quan cần chỉ đạo quyết liệt nhằm bảo đảm truy tố, xét xử các đối tượng trong vụ án gian lận thi cử năm 2018 đúng người, đúng tội.
Đề cập tới thảm kịch 39 người thiệt mạng trong xe container ở Anh mới đây, đặc biệt trong số đó các nạn nhân có người Việt Nam, ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng, nạn buôn người, đưa người qua biên giới trái phép là vấn nạn chung của toàn thế giới và không dễ giải quyết. Nêu lên thực tế, nguyên nhân dẫn tới sự việc đau lòng vừa qua là do hành vi lôi kéo, dụ dỗ của những kẻ trong đường dây buôn người, đưa người qua biên giới trái phép cũng như nhận thức hạn chế của các nạn nhân, song ĐB cũng cho rằng, còn có nguyên nhân từ hạn chế trong thực hiện trách nhiệm, vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Khẳng định thực trạng người Việt Nam đi lao động chui ở nước ngoài không phải vấn đề mới, ĐB Nguyễn Mạnh Cường chỉ rõ, công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nhằm phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về mức độ nguy hiểm của những đường dây buôn người, đưa người trái phép qua biên giới còn hạn chế và trách nhiệm này là của chính quyền địa phương. Bên cạnh đó, ĐB cũng cho rằng, việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh biên giới, xuất - nhập cảnh, giải quyết việc làm cho người lao động, tổ chức đưa người dân đi lao động ở nước ngoài theo con đường chính thức... cũng còn hạn chế. Do đó, ĐB Nguyễn Mạnh Cường đề nghị các cơ quan tư pháp trung ương làm rõ hơn trách nhiệm quản lý nhà nước trong vụ việc này, đồng thời, cần rút ra bài học kinh nghiệm nhằm kịp thời khắc phục hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước.
Khó nhưng không phải không làm được
ĐB Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng trong năm 2019 đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, nhiều vụ án lớn đã bị phát hiện, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử, đáp ứng được yêu cầu về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân. Đáng lưu ý là trong một số vụ án, cơ quan tố tụng đã chứng minh được yếu tố tham nhũng, chiếm đoạt hoặc chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ để xử lý nghiêm minh như vụ Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội nhận hối lộ với số tiền lên tới hàng triệu USD. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo thừa nhận hành vi nhận hối lộ số tiền lớn như vậy, ĐB Mai Thị Phương Hoa cho biết.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) phát biểu tại Hội trường |
Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn nhiều vụ án lớn mà dư luận nghi ngờ có dấu hiệu tham nhũng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng không chứng minh được hành vi đưa và nhận hối lộ nên phải xử lý theo hướng tội phạm kinh tế. Đồng tình với nhận định cho rằng, việc chứng minh là rất khó vì các đối tượng thường tìm mọi cách nhằm che dấu hành vi, trong khi việc đưa và nhận hối lộ rất khó chứng minh, song ĐB Mai Thị Phương Hoa cũng cho rằng, khó nhưng không phải không làm được. Lấy ví dụ bằng vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam và các đồng bọn, ĐB cho biết, trong quá trình điều tra về các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền thì các bị cáo còn bị khởi tố hành vi đưa hối lộ nhưng sau đó bị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ ra quyết định đình chỉ miễn trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ do được hưởng chính sách khoan hồng của nhà nước. Như vậy lời khai về đưa và nhận hối lộ vẫn còn đó. Đáng lưu ý là trong vụ án này, không có bị cáo nào bị truy tố về tội nhận hối lộ. Chính vì thế, tại phiên phúc thẩm, Tòa án nhân dân cấp cao thành phố Hà Nội kiến nghị, tiếp tục điều tra làm rõ lời khai đưa và nhận hối lộ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, kiến nghị trên vẫn chưa có kết quả thực hiện. Sự chậm trễ này khiến cử tri bức xúc cho rằng việc xử lý vẫn còn chưa nghiêm, chưa triệt để; dư luận cũng đặt câu hỏi phải chăng hành vi đưa và nhận hối lộ khó chứng minh là vì vẫn còn nguyên nhân nào khác?
Do đó, ĐB Mai Thị Phương Hoa đề nghị, trong thời gian tới, cơ quan tiến hành tố tụng cần đẩy nhanh quá trình điều tra, làm rõ lời khai thừa nhận hành vi đưa và nhận hối lộ trong vụ án này. ĐB cũng nhất trí với kiến nghị của Ủy ban Tư pháp đề nghị Chính phủ giao Tổng Thanh tra Chính phủ tổng kết, đánh giá, chỉ rõ nguyên nhân, rút ra những bài học về quản lý kinh tế - xã hội, cán bộ và đề ra giải pháp phòng, ngừa tham nhũng trong thời gian tới. Theo ĐB, cần phải rà soát lại cơ chế, chính sách và các quy định pháp luật có liên quan, nhằm xác định những kẽ hở về chính sách, pháp luật dễ bị lợi dụng nhằm kịp thời khắc phục, chấn chỉnh.