Quy trình bầu Ủy viên Ủy ban nhân dân

Kết quả bầu là tiêu chuẩn để bổ nhiệm

- Thứ Sáu, 01/10/2021, 07:11 - Chia sẻ
Trên thực tế, việc bầu chức danh Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và bổ nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn là vấn đề không mới nhưng đến nay vẫn chưa được hiểu và thực hiện thống nhất. Từ quy định pháp luật và thực tế cho thấy, cần quy định quy trình chuẩn bị nhân sự bầu Ủy viên UBND cấp huyện, cấp tỉnh kết hợp với bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý để HĐND bầu chức danh Ủy viên UBND trước, coi chức danh này là tiêu chuẩn để Chủ tịch UBND quyết định bổ nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp.

Trước hết phải do HĐND bầu

Về việc bầu chức danh Ủy viên UBND cấp tỉnh, cấp huyện và bổ nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn, Báo Đại biểu Nhân dân đã có một số bài viết liên quan như: “Quyết định hành chính trái thẩm quyền” của tác giả Nguyên Bảo (số ra ngày 26.10.2016); “Quy trình bầu Ủy viên UBND là người đứng đầu cơ quan chuyên môn của UBND” của tác giả Hoàng Lan (từ ngày 21 - 23.2.2020); “Tính chất đại diện quyết định quy trình” và “Bảo đảm nguyên tắc khi bầu Ủy viên Ủy ban Nhân dân” của Ths. Nguyễn Vân Hậu (số ra ngày 24.02.2020 và 12.6.2021)... phân tích, đánh giá tính hợp pháp, hợp lý của quy định hiện hành, đề xuất hướng giải quyết các vướng mắc trong nhận thức và thực thi pháp luật, được độc giả quan tâm.

Kế thừa mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo tư tưởng Hồ Chí Minh, pháp luật nước ta từ năm 1945 đến nay quy định nhất quán: HĐND bầu ra cơ quan chấp hành đồng thời là cơ quan hành chính của Nhà nước ở địa phương là UBND. Tất yếu, các thành viên UBND phải được bầu, nếu chưa được bầu thì chỉ tạm quyền; nếu bầu không trúng tức dân không tín nhiệm, không giao quyền. Như vậy, theo nguyên lý nền cộng hòa, trước hết phải do HĐND bầu (theo Điều 8 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (hiện hành)) thì mới hình thành UBND, từ đó mới có “người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND” (theo Điều 20, 27, 41, 48 của Luật này). Mọi sự giải thích, áp dụng pháp luật ngang tắt, căn cứ Điều 20 trước mà chưa hiểu sự ràng buộc quy định tại Điều 8 là thiếu tính khoa học, hệ thống, gây ngộ nhận pháp lý.

Từ luận cứ trên, Hướng dẫn 1138/HD-UBTVQH13 (HD 1138) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: “Căn cứ vào kết quả bầu của HĐND, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện ra quyết định bổ nhiệm Ủy viên UBND vào chức danh người đứng đầu cơ quan chuyên môn tương ứng thuộc UBND cùng cấp (trừ Ủy viên phụ trách công an và Ủy viên phụ trách quân sự)” là hoàn toàn chuẩn xác.

Kết quả bầu chức danh Ủy viên UBND là tiêu chuẩn để bổ nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp

Ảnh minh họa 

Nhiều tranh cãi về tính hợp pháp

Gần đây, Bộ Nội vụ đã ban hành Công văn 58/BNV-CQĐP ngày 6.1.2020 và Công văn 3308/BNV-CQĐP ngày 8.7.2021 để giải thích, hướng dẫn, đề nghị các địa phương nghiên cứu, tổ chức thực hiện, nội dung 2 công văn này còn nhiều tranh cãi về tính hợp pháp.

Theo đó, Bộ cho rằng: Do khác nhau về quy trình nhân sự; đồng thời, căn cứ Điều 20 Luật Tổ chức chính quyền địa phương (Luật TCCQĐP) và Hướng dẫn 883/HD-UBTVQH14 ngày 2.6.2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giới thiệu nhân sự để bầu Ủy viên UBND “thì phải là người đang giữ chức danh đứng đầu cơ quan chuyên môn cùng cấp”. Vì vậy, phải tiến hành bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan chuyên môn trước, sau đó, Chủ tịch UBND mới giới thiệu người đã được bổ nhiệm để HĐND bầu Ủy viên UBND sau. Nếu người đó không trúng cử Ủy viên UBND thì vẫn đứng đầu cơ quan chuyên môn. Lúc này, Chủ tịch UBND lại phải đề nghị cấp thẩm quyền chuẩn bị lại nhân sự mới (không nói rõ trong thời gian bao lâu) để Chủ tịch UBND ra quyết định bổ nhiệm làm người đứng đầu cơ quan chuyên môn rồi mới tiếp tục trình HĐND bầu Ủy viên UBND; nếu vẫn không trúng cử thì lặp lại quy trình trên (!). Một cán bộ HĐND tỉnh nói rằng, quy trình này quá luẩn quẩn, nhiêu khê, trong khi chỉ cần bầu trúng thì bổ nhiệm, không trúng thì thôi.

Với cách giải thích và hướng dẫn pháp luật trên đây, dư luận đặt câu hỏi: (1) Quy trình bổ nhiệm người đứng đầu cơ quan chuyên môn và quy trình nhân sự bầu Ủy viên UBND hiện nay có quá khác biệt đến mức không thể kết hợp không? (2) Luật TCCQĐP (hiện hành) và Hướng dẫn 883/HD-UBTVQH14 hoàn toàn không quy định việc giới thiệu nhân sự để bầu Ủy viên UBND “phải là người đang giữ chức danh đứng đầu cơ quan chuyên môn cùng cấp” như Công văn 3308/BNV-CQĐP đã viện dẫn.

Hơn thế nữa, việc dùng “công văn” để giải thích, hướng dẫn thi hành Luật - là loại văn bản không thuộc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) nhưng có chứa quy phạm pháp luật không đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục luật định. Đây là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm quy định tại Khoản 2 và 3 Điều 14 Luật Ban hành VBQPPL 2015.

Phát huy cao nhất hiệu quả cơ chế giám sát quyền lực

Để tránh những hệ lụy pháp lý có thể xảy ra, bảo đảm nguyên tắc mọi mô hình thiết kế tổ chức bộ máy chính quyền địa phương đều xuất phát từ cơ sở chính trị của Nhà nước, xin đề xuất mấy ý kiến sau đây.

Một là, căn cứ Điều 143 Luật TCCQĐP (hiện hành) và Điều 16, Điều 19 Luật Ban hành VBQPPL 2015, kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ ban hành Nghị quyết giải thích ban hành Nghị định quy định chi tiết các điều, khoản trong Luật và hướng dẫn việc thi hành Luật TCCQĐP (hiện hành).

Hai là, quy định quy trình chuẩn bị nhân sự bầu Ủy viên UBND cấp huyện, cấp tỉnh kết hợp với bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý để HĐND tiến hành bầu chức danh Ủy viên UBND trước, coi chức danh này là tiêu chuẩn để Chủ tịch UBND quyết định bổ nhiệm chức vụ người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cùng cấp. Thu hồi công văn 58/BNV-CQĐP và 3308/BNV-CQĐP của Bộ Nội vụ; nếu vẫn áp dụng quy trình như công văn hướng dẫn thì phải được cơ quan có thẩm quyền ban hành bằng VBQPPL.

Ba là, quy định rõ quy trình bầu và bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý không nhằm phân chia “quyền anh, quyền tôi”, mà cốt yếu xác định rõ việc đó theo lý luận dân chủ đại diện thì cần làm trước hay sau để có thể phát huy cao nhất hiệu quả của cơ chế giám sát quyền lực, góp phần nâng cao chất lượng thể chế hóa mục tiêu chính trị dân chủ cộng hòa ở nước ta.

Thạc sĩ NGUYỄN VÂN HẬU