Kết nối văn hóa qua "Truyện Kiều"

- Thứ Năm, 26/11/2020, 15:38 - Chia sẻ
Với ý nghĩa như một sự tiếp nối, nhìn lại những thành tựu nghiên cứu về Nguyễn Du và kiệt tác “Truyện Kiều”, sáng 26.11, Viện Văn học đã tổ chức hội thảo khoa học quốc gia “Nguyễn Du - ‘Truyện Kiều’ qua văn bản và các liên văn bản văn chương, nghệ thuật”. Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 200 năm năm mất của đại thi hào Nguyễn Du (1820 - 2020).

Theo Viện trưởng Viện Văn học, PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp, những nhìn nhận, tìm tòi mới mà hội thảo muốn hướng đến gồm những phát hiện tư liệu mới, thông tin và diễn giải mới về cuộc đời, sự nghiệp, tác phẩm của Nguyễn Du, việc chuyển ngữ/tái tạo “Truyện Kiều” trong các ngôn ngữ khác; việc tái tạo “Truyện Kiều” trong sáng tác văn chương đương đại; Nguyễn Du và “Truyện Kiều” trong các hình thức nghệ thuật khác (sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, hội họa, điêu khắc...).

Trình chiếu những hình ảnh về cuốn "Kim Vân Kiều truyện ở Nhật Bản" của PGS.TS Đoàn Lê Giang

30 tham luận của các dịch giả, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn học... tập trung khẳng định Nguyễn Du và “Truyện Kiều” là hiện tượng văn học, văn hóa có ý nghĩa đặc biệt, hàm chứa giá trị bất tận ở mọi thời đại, mọi không gian.

Các đại biểu đã đưa ra những minh chứng xoay quanh các vấn đề còn gây tranh cãi như: “Truyện Kiều” trên sân khấu đương đại Việt Nam, hay những so sánh thú vị giữa cái kết của “Truyện Kiều” với cái kết của tiểu thuyết Evgenry Onegin, những cuộc hôn nhân của Thúy Kiều trong “Đoạn trường tân thanh”; đặc biệt là vấn đề chuyển thể “Truyện Kiều”, ví dụ cụ thể qua trường hợp vở ballet Kiều...

"Truyện Kiều" và vấn đề chuyển thể qua trường hợp vở ballet Kiều là một trong những nghiên cứu thú vị

Viện Văn học kỳ vọng qua hội thảo góp phần đưa học thuật Việt Nam hòa nhập vào đời sống hôm nay, tạo kết nối văn hóa vững chắc, sinh động giữa quá khứ và hiện tại.

Hồng Hà