Kết nối hệ sinh thái văn hóa sáng tạo

- Thứ Tư, 30/06/2021, 05:23 - Chia sẻ
Là yếu tố quan trọng trong ngành công nghiệp văn hóa, nhưng có giai đoạn, các không gian văn hóa, sáng tạo chưa được nhìn nhận đúng về mô hình, hoạt động đơn lẻ, tự xoay xở với không ít khó khăn. Gần đây, các hoạt động nâng cao năng lực, kết nối các tổ chức này với nhà quản lý và công chúng đã được thực hiện, mang tới chuyển biến về nhận thức, cũng như tạo ra hệ sinh thái phát triển văn hóa, sáng tạo.
Kết nối những người làm sáng tạo trong hệ sinh thái bền vững
Nguồn: ITN

Mở rộng cơ hội hợp tác

Được thành lập với mục đích ban đầu là trở thành nơi để các nhà làm phim trẻ, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ về bộ phim của chính mình, nhưng sau 8 năm, Gặp gỡ Mùa thu đã trở thành một không gian văn hóa, sáng tạo, kết nối các nhà làm phim trẻ với nhiều nhà làm phim gạo cội trong và ngoài nước. Gặp gỡ Mùa thu tham gia dự án Không gian văn hóa và sáng tạo Việt Nam với vai trò là thành viên chính.

Chị Trần Thị Bích Ngọc, người đồng sáng lập không gian này cho biết: “Chúng tôi đã được gặp gỡ, kết nối với các không gian trên toàn lãnh thổ Việt Nam để hiểu về hiện trạng, cách thức hoạt động của họ, qua đó tham khảo những kinh nghiệm hay từ thành công cũng như học cách phòng tránh và vượt qua những thất bại mà họ gặp phải qua cơ chế trao đổi thông tin cởi mở, chân thành mà dự án đã thiết lập. Sự giao lưu, trao đổi, học hỏi lẫn nhau này có thể sẽ mở ra những cơ hội hợp tác khác trong tương lai”.

Ngoài nâng cao năng lực của các không gian sáng tạo và nghệ sĩ, kết nối người làm sáng tạo với các bên đa dạng từ cơ quan quản lý, nghiên cứu văn hóa, UNESCO, chính quyền các cấp... những người tham gia dự án cũng được tham quan, tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm tại nước ngoài, có thêm hiểu biết về mô hình, cách thức hoạt động, tác động xã hội của các không gian văn hóa sáng tạo ở các quốc gia tiên tiến...

Theo Giám đốc không gian sáng tạo trực tuyến Hà Nội Grapevine Trương Uyên Ly: “Một tác động quan trọng là sự học hỏi và hiểu biết lẫn nhau giữa các không gian văn hóa, sáng tạo ở Việt Nam và cả châu Âu. Đây là nguồn kiến thức vô cùng bổ ích. Khi gặp những người làm công việc giống mình, chúng tôi cảm thấy được động viên, thấy mình không cô đơn, thấy mình được dựa vào sức mạnh của cộng đồng và bước tiếp - trong một bối cảnh toàn cầu rộng lớn hơn”.

Hầu hết các không gian là không gian nghệ thuật độc lập, studio thiết kế hoặc không gian chế tạo, và thường do các nghệ sĩ và người thực hành sáng tạo lãnh đạo, quản lý. Do đó, trong quá trình hoạt động, tìm tòi, họ đối mặt với không ít khó khăn. Anh Nguyễn Hoàng Phương, điều hành Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng điện ảnh (TPD) chia sẻ: “Thành lập năm 2002, TPD trải qua nhiều giai đoạn phát triển khác nhau. Khi chưa tham gia Mạng lưới Không gian văn hóa và sáng tạo, TPD bỏ ra nhiều công sức phát triển cộng đồng, gồm khán giả, các nhà làm phim không chuyên và bán chuyên, hỗ trợ các nhà làm phim bắt đầu làm phim chuyên nghiệp. Nhưng tham gia dự án, chúng tôi mở thêm nhiều cộng đồng khác: vòng tròn không gian sáng tạo; vòng tròn của các cơ quan tổ chức cá nhân quản lý nhà nước; tổ chức quốc tế; nhà tài trợ... Phát triển toàn diện và kết nối những vòng tròn này sẽ hiệu quả hơn, cơ hội hợp tác và cánh cửa mới xuất hiện nhiều hơn”.

Phó Chủ tịch Saigon Innovation hub Bung Trần chia sẻ: “Dự án đã đi xa hơn những mục tiêu ban đầu là nối kết những người làm không gian sáng tạo tại Việt Nam với nhau, thực sự đặt nền móng cho việc đưa hoạt động nghệ thuật, sáng tạo đến gần hơn với công chúng và thúc đẩy sự tham gia của nhiều giới trong xã hội hơn đối với nền kinh tế sáng tạo”.

Thúc đẩy công nghiệp văn hóa

Tại lễ tổng kết dự án Không gian văn hóa và sáng tạo Việt Nam do Hội đồng Anh, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thực hiện, Liên minh châu Âu tài trợ, Ban tổ chức cho biết, trong 3 năm thực hiện, dự án đã tiếp cận hơn 6.000 nghệ sĩ, nhà sáng tạo, người quản lý nghệ thuật, sinh viên và nhiều đối tượng khác thông qua các hoạt động được tổ chức tại các địa phương trên khắp cả nước, như: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Buôn Mê Thuột và TP. Hồ Chí Minh.

Giám đốc Quốc gia Hội đồng Anh tại Việt Nam Donna McGowan chia sẻ: “Năm 2018, chúng tôi đã ghi nhận sự hiện diện của khoảng 140 không gian tại Việt Nam trong nghiên cứu lập bản đồ về các không gian sáng tạo và văn hóa đầu tiên. Sau 3 năm thực hiện dự án này, chúng tôi đã hợp tác với hơn 300 không gian, không chỉ ở các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng hay TP. Hồ Chí Minh, mà cả ở những nơi mới như Hải Phòng, Đắk Lắk, Đà Lạt, Gia Lai và Tiền Giang. Chúng tôi tin rằng văn hóa, sáng tạo và nghệ thuật luôn là động lực thúc đẩy thay đổi. Và có thể tự tin nói rằng những không gian này chính là những nhân tố tác động thay đổi thực thụ”.

Dự án được triển khai, tập trung vào phát triển không gian văn hóa, sáng tạo, được xem như một hướng tiếp cận đột phá cho việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam - PGS.TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, dự án hỗ trợ nâng cao năng lực thực hành, thiết lập mạng lưới không gian văn hóa, sáng tạo trên khắp Việt Nam, gắn kết các không gian trong hệ sinh thái bền vững sẽ thúc đẩy sự hiểu biết, chia sẻ thông tin giữa các bên, tạo nền tảng cho toàn xã hội thúc đẩy sự phát triển công nghiệp văn hóa sáng tạo.

Thảo Nguyên