Hà Nội

Kết nối giao thương sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ, OCOP

- Thứ Ba, 20/04/2021, 06:00 - Chia sẻ

Chiều 19.4, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội đã tổ chức Hội thảo Kết nối giao thương các sản phẩm làng nghề, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm OCOP thành phố.

Toàn cảnh Hội thảo
Toàn cảnh Hội thảo

Theo báo cáo, hiện toàn thành phố có 313 làng nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận thuộc 23 quận, huyện, thị. Các sản phẩm của làng nghề đa dạng về chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thế mạnh cạnh tranh trên thị trường... Công tác tuyên truyền về cơ chế, chính sách của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và thành phố về hỗ trợ, phát triển ngành nghề nông thôn cũng được chú trọng triển khai. Một số quận, huyện, thị đã chủ động hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ sản xuất trong làng nghề tham gia các hội chợ, lễ hội nhằm phát triển làng nghề, quảng bá thương hiệu sản phẩm; đầu tư phát triển hạ tầng làng nghề, giải quyết từng bước việc xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề. Công tác đào tạo nhân lực thực hiện nghiêm túc, lấy chất lượng, hiệu quả đặt lên hàng đầu... Năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hầu hết các cơ sở sản xuất làng nghề phải đối mặt với nhiều khó khăn từ nhân lực, nguyên liệu cho đến đầu ra sản phẩm...

Đối với việc thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, thành phố đã đánh giá, phân hạng và công nhận 1.054 sản phẩm, vượt kế hoạch thành phố giao. Trong đó, 17 sản phẩm tiềm năng 5 sao (chiếm 1,6%); 731 sản phẩm 4 sao (chiếm 69,4%); 306 sản phẩm 3 sao (chiếm 29%) đến từ 72 doanh nghiệp, 82 HTX và 101 hộ sản xuất kinh doanh, giải quyết được trên 5.000 lao động khu vực nông thôn. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chủ động tổ chức nhiều sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa vùng miền. Qua đó, kết nối nhiều sản phẩm làng nghề, đặc sản vùng miền với các tập đoàn, doanh nghiệp, siêu thị lớn...

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi về chuyển đổi số đối với nhà quản lý về nông nghiệp; vai trò lãnh đạo của thành phố và huyện trong việc tạo cơ chế chính sách hỗ trợ đối với làng nghề; chính sách hỗ trợ chủ thể, doanh nghiệp có sân chơi trong việc phát triển các sản phẩm làng nghề; ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm làng nghề; kết nối sản phẩm OCOP đến với người tiêu dùng...

Phát biểu tại hội thảo, quyền Giám đốc Sở Công thương Trần Thị Phương Lan đề nghị các chủ thể duy trì, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP đã được thành phố công nhận; tích cực tìm thị trường gắn với nhu cầu tiêu thụ thông qua hệ thống cửa hàng bán sản phẩm OCOP, chuỗi cửa hàng phân phối sản phẩm, tại siêu thị, trung tâm thương mại lớn và các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triển lãm, hội nghị, hội thảo kết nối giao thương.

Quyền Giám đốc Sở Công thương thông tin thêm: Nhà nước sẽ hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với các làng nghề, làng có nghề. Thành phố sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số đối với công tác quản lý và chợ thương mại điện tử để bắt kịp với xu hướng thương mại trên thế giới. Đồng thời, đề nghị các chủ thể thành lập các HTX để có đầu mối bao tiêu sản phẩm; liên minh HTX thành phố hướng dẫn các chủ thể, người nông dân thành lập các HTX. Các nhà phân phối nghiên cứu các sản phẩm làng nghề để tiếp cận; chủ động kết nối với các chủ thể trong việc định hướng sản xuất, có hướng đi bền vững...

Khánh Duy