Kết nối các đồng minh

- Thứ Ba, 25/08/2020, 06:01 - Chia sẻ
Sau khi có chuyến thăm Israel hôm 24.8, hôm nay Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục tới Các tiểu vương quốc Ảrập thống nhất (UAE). Các sự kiện trên nằm trong hành trình tới một số nước Trung Đông của người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ để thảo luận về thỏa thuận bình thường hóa quan hệ Israel - UAE, nỗ lực tái áp đặt lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc đối với Iran, cũng như một số thách thức khác trong khu vực.

Cầu nối Israel với thế giới Ảrập

Mới đây, Israel và UAE đã đạt thỏa thuận hòa bình lịch sử về bình thường hóa quan hệ giữa hai nước, mang tên Thỏa thuận Abraham, do Tổng thống Mỹ Donald Trump làm trung gian hòa giải. Thỏa thuận này được Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đánh giá là sẽ “biến sa mạc khô cằn thành vùng đất nở hoa”, đồng thời mở ra “kỷ nguyên mới giữa Israel và thế giới Ảrập”. Trước đó, trong thế giới Ảrập, chỉ có Ai Cập và Jordan thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Ai Cập đạt thỏa thuận hòa bình với Israel năm 1979, sau đó là Jordan năm 1994.

Nguồn: ITN

Theo Thỏa thuận Abraham, Israel nhất trí ngừng áp đặt chủ quyền đối với các khu vực thuộc Bờ Tây mà đã được thảo luận sáp nhập. Tuy nhiên, chính quyền Palestine cùng một số nước Ảrập lên tiếng phản đối thỏa thuận này. Ngày 22.8, Tổng Thư ký Liên đoàn Ảrập Ahmed Aboul-Gheit nhấn mạnh, quan hệ hòa bình bình thường và toàn diện giữa Israel và Ảrập chỉ có thể đạt được thông qua nguyên tắc “đổi đất lấy hòa bình” và thành lập một nhà nước Palestine độc lập có chủ quyền đầy đủ theo đường biên giới năm 1967 với thủ đô là Đông Jerusalem.

Ngoài Israel và UAE, các điểm đến khác trong chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo còn có Bahrain, Oman, Qatar và Sudan. Thực tế, thỏa thuận Israel - UAE từng khiến dư luận tò mò về quốc gia tiếp theo trong khu vực có thể bình thường hóa quan hệ với Tel Aviv. Và những “ứng cử viên” được nhắc tới bao gồm Sudan, Bahrain, Oman, Morocco... Nhưng trong tháng 8 này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Sudan đã bị sa thải do phát biểu ám chỉ rằng nước này liên hệ với Israel để bàn luận về bình thường hóa quan hệ.

Mặc dù vậy Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh, Ngoại trưởng Pompeo sẽ gặp gỡ Thủ tướng Sudan Abdalla Hamdok để “bày tỏ ủng hộ việc thắt chặt hơn mối quan hệ Sudan - Israel”. Cách đây một năm, việc Israel - Sudan bình thường hóa quan hệ ngoại giao chỉ là giấc mơ xa vời, nhưng việc Khartoum đang muốn lấy lòng phương Tây để tìm cách tái thiết nền kinh tế của mình nên quan hệ Sudan - Israel có triển vọng được thiết lập. Thực tế, Sudan đang trông ngóng được ra khỏi danh sách các quốc gia bảo trợ cho khủng bố của Mỹ và bắt tay với nhà nước Do Thái sẽ là một bước đi hướng tới mục tiêu đó.

Nguồn: AP

Đối với Bahrain, Ngoại trưởng Pompeo cũng có kỳ vọng tương tự khi ông lên kế hoạch gặp gỡ Hoàng Thái tử Salman bin Hamad Al-Khalifa để trao đổi về thỏa thuận với Israel. Cách đây không lâu, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng bày tỏ kỳ vọng Ảrập Xêút sẽ theo chân UAE, nhưng Ngoại trưởng nước này, Hoàng tử Faisal bin Farhan nhấn mạnh, điều đó là không thể cho tới khi Israel đạt được thỏa thuận hòa bình với Palestine.

Trong chuyến công du các nước Trung Đông, Ngoại trưởng Pompeo còn có kế hoạch gặp một số lãnh đạo của Taliban tại Qatar để thảo thuận về đàm phán hòa bình giữa Chính phủ Afghanistan và Taliban và vấn đề chủ chốt liên quan đến việc rút các lực lượng Mỹ còn lại đang đồn trú tại Afghanistan. Theo nguồn tin giấu tên, lịch trình làm việc còn có thách thức an ninh từ Iran và Trung Quốc trong khu vực.

Ngoài ra, theo nguồn tin từ giới ngoại giao, Cố vấn Nhà Trắng và là con rể Tổng thống Donald Trump, ông Jared Kushner, cũng có kế hoạch thực hiện các chuyến thăm riêng rẽ tới nhiều nước tại Trung Đông như Israel, Bahrain, Oman, Ảrập Xêút và Maroc vào cuối tuần tới. Đi cùng ông Kushner còn có Đặc phái viên Trung Đông của Tổng thống Donald Trump, ông Avi Berkowitz, cùng với Cố vấn an ninh quốc gia Robert O’Brien và Đặc phái viên về Iran Brian Hook. Mục đích của chuyến thăm là xem xét kỹ lưỡng tính hiệu quả của thỏa thuận Israel - UAE trong những ngày đầu cũng như chúc mừng các lãnh đạo quốc gia. Ông cũng sẽ cố gắng thuyết phục các nước khác trong khu vực như Ảrập Xêút, Bahrain và Oman có những bước đi tương tự với Israel.

Khó có đột phá

Tuy nhiên, giới ngoại giao nhận định, cả hai chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo lẫn Cố vấn Nhà Trắng Kushner đều không được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả đột phá, cho dù cả hai đều đặt mục tiêu hoàn thiện ít nhất một hoặc khả năng nhiều hơn các thỏa thuận bình thường hóa của các nước Ảrập với Israel trong tương lai gần.

Thực tế, Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao đều không có bình luận nào về các chuyến đi dự kiến, vốn được coi là nỗ lực của chính quyền đương nhiệm nhằm tăng cường nỗ lực thúc đẩy quan hệ Israel với thế giới Ảrập ngay cả khi không có giải pháp cho xung đột Israel - Palestine. Chính quyền Mỹ công khai ủng hộ kết nối Israel với các quốc gia Ảrập trước sự phản đối của Palestine cũng như không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy người Palestine sẵn sàng tham gia đàm phán với Israel. Thế giới Ảrập từ lâu cho rằng, một giải pháp lâu dài cho cuộc xung đột Israel - Palestine là điều kiện tiên quyết cho một nền hòa bình Ảrập - Israel toàn diện.

Các chuyến đi cũng được thực hiện sau khi Mỹ vừa có bước đi gây tranh cãi khi kích hoạt điều khoản lùi snapback trong thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 nhằm khôi phục tất cả lệnh trừng phạt quốc tế đối với Tehran, điều mà chỉ Israel và các quốc gia Ảrập vùng Vịnh công khai ủng hộ. Tuy nhiên, 13/15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, bao gồm cả các đồng minh của Mỹ là Anh, Pháp và Đức, đã bác bỏ động thái này.

Ngọc Minh