Kết nối ánh sáng tri thức

- Thứ Ba, 29/12/2020, 06:25 - Chia sẻ
Bên cạnh việc lan tỏa văn hóa đọc tới những người sử dụng thư viện thông thường, Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 còn hướng đến phục vụ các đối tượng người sử dụng đặc biệt, như người khuyết tật, phạm nhân... Văn hóa đọc đã kết nối ánh sáng tri thức đến với người khiếm thị, giúp những người một thời lầm lỡ tìm được về nẻo thiện, sớm hoàn lương...

Đó là một trong số những kết quả được nhấn mạnh tại Hội nghị “Tổng kết Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, sáng 28.12.

Những người bắc cầu văn hóa

Tại hội nghị, nhiều gương điển hình về thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng đã chia sẻ quá trình tiếp cận với văn hóa đọc và con đường lĩnh hội tri thức, trong đó có ông Nguyễn Quốc Phong, người sáng lập Mái ấm Thiên Ân (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh), người đã không gục ngã trước số phận, tự mình chiến thắng bản thân, làm nên một “hành trình xuyên bóng tối”.

Để tiếp tục phát triển Đề án văn hóa hóa đọc, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục có văn bản chỉ đạo và xác định các chỉ tiêu phát triển văn hóa đọc cho giai đoạn 2021 - 2030

"Qua 3 năm thực hiện Đề án, các cơ sở giáo dục trên cả nước đã quyên góp được trên 6 triệu bản sách, truyện các loại để xây dựng trên 45.000 tủ sách lớp học, góc đọc, không gian đọc... miễn phí cho học sinh và người dân. Tiêu biểu là các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Ninh Bình, Phú Yên, Đắk Lắk, Hưng Yên, đã phối hợp với chương trình Sách hóa nông thôn Việt Nam xây dựng được hơn 30.000 tủ sách lớp học miễn phí. Mô hình Ngôi nhà trí tuệ và Tủ sách Nhân ái đã xây dựng được hơn 12.000 tủ sách lớp học, tủ sách giáo xứ, tủ sách nhà tù, tủ sách bệnh viện... phục vụ hàng triệu đối tượng người đọc đa dạng trong xã hội".

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ

 

Ông Phong chia sẻ, năm 1991, trên đường từ Đồng Nai về TP Hồ Chí Minh, ông không may gặp nạn, mất thị lực hoàn toàn. “Bấy giờ tôi giật mình nhận ra nhiều điều mà trước kia tôi chưa từng thấy. Đó là suốt 33 năm sáng mắt, bên cạnh tôi có tới hơn 5 triệu người khuyết tật, trong đó hơn 1 triệu người khiếm thị. Cũng vào lúc này, tôi mới cảm nhận hết sự thiệt thòi của những con người ấy, cùng với đó cảm nhận được niềm hạnh phúc suốt 33 năm sáng mắt đã qua, tôi đã được nhìn, được học hỏi qua việc đọc sách...”.

Sự khao khát trở về cuộc sống như khi còn sáng mắt đã thôi thúc ông Phong đem những kiến thức đã có, những khả năng còn lại để giúp ích cho những người đồng cảnh ngộ. Ông đã miệt mài tự học qua bạn bè, tài liệu, các chương trình đào tạo từ xa dành cho người khiếm thị, để biết chữ nổi, học vững ngoại ngữ và vi tính. Đến năm 1999, ông chính thức thành lập Mái ấm Thiên Ân cưu mang trẻ em khiếm thị, những đứa trẻ mà theo ông “muốn vượt qua bóng tối nhờ giáo dục”.

“Sau 30 năm hòa mình với cuộc sống của những người khuyết tật, tôi cảm nhận được sâu sắc một điều, đó là người khuyết tật mong muốn có cơ hội để được phát triển những khả năng còn lại của mình, để được sống, cống hiến và làm việc, tiếp cận sách vở, thông tin và kiến thức”, ông Phong nói. Đây cũng là niềm mong mỏi của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan, người không may bị bệnh loạn dưỡng cơ, nhưng vẫn gắng vượt qua hoàn cảnh, cống hiến cho xã hội bằng những sản phẩm trí tuệ.

Bích Lan tự học tiếng Anh từ năm 2001, khi chị vừa hoàn thành chương trình lớp 8 và phải nghỉ học do căn bệnh của mình. Đến nay, chị trở thành dịch giả của 41 tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm của các tác giả từng đoạt giải Nobel văn học. Nguyễn Bích Lan tự nhận là một trong những người thành công nhờ tự học qua đọc sách. Chị cho biết, những người dịch văn học là những người bắc cầu văn hóa. “Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc, yêu quý công việc mình đang làm. Hạnh phúc của tôi là được dịch sách, đọc sách. Đọc sách không ra tiền, nhưng nhìn vào cuộc đời tôi, các bạn sẽ thấy nhiều hơn những gì ngoài tiền”...

Gieo mầm trí tuệ

Cũng nhằm kích thích và lan tỏa phong trào đọc sách, ở một mặt trận khác còn có sự giúp sức của những con người truyền cảm hứng. Đó là kỹ sư, doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn, một gương mặt hoạt động xã hội điển hình, tham gia sáng lập Tủ sách Nhân ái và mạng lưới Ngôi nhà trí tuệ. Đây là hai mô hình hướng đến mục tiêu bồi đắp tri thức cộng đồng, tập trung phát triển văn hóa đọc, phát triển năng lực tự học, học tập liên tục và học tập suốt đời cho trẻ em Việt Nam. Hai chương trình ưu tiên khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo xa xôi, nơi mà kể cả những gia đình có điều kiện cũng khó được tiếp cận các cuốn sách hay, khó cập nhật tri thức.

Chia sẻ về quá trình này, ông Tuấn cho biết: “Tôi chọn cách khuyến học, khuyến đọc với ước muốn góp phần giải quyết bài toán phát triển trong dài hạn. Ban đầu là giúp cho những đứa trẻ trong làng, trong xóm và phạm vi dòng họ, lâu dần tôi lập quỹ khuyến học thường niên. Sau đó, tôi mở rộng với những cuốn sách tặng thầy cô giáo cũ bằng chương trình Tủ sách Nhân ái. Hơn 3 năm hoạt động, chương trình đã huy động và trao tặng hơn 11.400 tủ sách và thư viện với hơn 60 vạn cuốn sách hay tới hơn 60 tỉnh, thành phố”.

Cùng với đó, mô hình Ngôi nhà trí tuệ được khởi động, ngoài chức năng thư viện, còn có nhiều hoạt động giáo dục miễn phí cho trẻ em và người dân địa phương. Anh Nguyễn Anh Tuấn cho hay, trong Ngôi nhà trí tuệ không có trẻ em hay người dân nào bị bỏ lại về mặt tri thức. Ngôi nhà trí tuệ bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau nhân rộng ở miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tại đây, mọi người được học tập hoàn toàn miễn phí, được chia sẻ những gì khó khăn nhất mà ở trường các em chưa có cơ hội giải đáp, được tiếp cận với tri thức bằng nhiều con đường, đặc biệt qua các tủ sách.

Cũng bằng con đường vận động sự chung tay của cộng đồng, Trại giam Ngọc Lý (Tân Yên, Bắc Giang) là một trong số các trại giam triển khai tủ sách đầu tiên, có số lượng sách lớn và số lượt phạm nhân đọc sách cao nhất trong cả nước. Nhiều tủ sách hướng thiện được thành lập giúp cho phạm nhân có thể đọc và chia sẻ về những cuốn sách hay, cuốn sách làm thay đổi cuộc đời, biến quá trình cải tạo thành quá trình tự giác tu dưỡng, rèn luyện.

Phó Giám thị Trại giam, Trung tá Nguyễn Văn Lai, cho biết, thông qua phát triển văn hóa đọc trong trại giam, các phạm nhân và đối tượng giáo dục đã được cảm hóa, giáo dục, nâng cao nhận thức về văn hóa, xã hội. Họ ý thức chấp hành pháp luật, chấp hành kỷ luật, tu dưỡng đạo đức, kỹ năng sống, tự xây dựng lối sống, rút ra các bài học kinh nghiệm, tạo nghị lực trong thời gian chấp hành án và hình thành niềm tin vào cuộc sống, vào một ngày mai trở về với gia đình và xã hội.

Hương Sen