Gợi mở kịch bản khôi phục kinh tế

Kế hoạch phục hồi nên kéo dài đến 2023

- Thứ Hai, 20/09/2021, 04:34 - Chia sẻ
Lời Tòa soạn: Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì xây dựng kịch bản khôi phục và thúc đẩy kinh tế trong điều kiện mới khi đã bao phủ vaccine diện rộng. Để ghi nhận ý kiến, đề xuất của các chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp với mong muốn đất nước sớm thích ứng an toàn với Covid-19 và nhanh chóng phục hồi kinh tế, Báo Đại biểu Nhân dân thực hiện loạt bài “Gợi mở kịch bản khôi phục kinh tế”.

Theo TS. TRẦN THỊ HỒNG MINH, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), việc khẩn trương xây dựng và thực thi một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế là rất cần thiết. Chương trình nên kéo dài ít nhất đến năm 2023.

Cụ thể hóa gói kích thích kinh tế 

- Bà đánh giá thế nào về sự cần thiết xây dựng kịch bản phục hồi kinh tế trong điều kiện mới?

- Yêu cầu nghiên cứu kế hoạch phục hồi tăng trưởng kinh tế sau dịch bệnh đã được đề cập ở không ít diễn đàn, thảo luận chính sách từ giữa năm 2020. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, một số nội dung liên quan đến kế hoạch này còn thiếu cơ sở để cụ thể hóa. Chẳng hạn, dự báo thời điểm khống chế/kiểm soát dịch về cơ bản gắn với kịch bản tiếp cận và phổ biến vaccine là không dễ.

Kể từ cuối tháng 4.2021 đến nay, đợt dịch thứ tư tạo những hệ lụy không nhỏ với tăng trưởng kinh tế nước ta. Khả năng tiếp cận và phổ biến vaccine dù còn khó khăn nhưng cũng đã được thông tin thường xuyên, rõ ràng hơn. Trong khi đó, nhiều đối tác kinh tế chủ chốt như Mỹ, EU, Trung Quốc… đang trên đà phục hồi, gắn với phổ biến vaccine và đang cân nhắc tích cực về mở cửa nền kinh tế. Với những diễn biến đó, chúng ta cần khẩn trương xây dựng và thực thi một chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế để tận dụng tối đa cơ hội và điều kiện hiện có.

- Chương trình này cần lưu ý những vấn đề gì, thưa bà?

- Từ những nghiên cứu toàn diện, bài bản thời gian qua, CIEM nhấn mạnh chương trình này phải gắn với một khung thời gian đủ dài, ít nhất là đến năm 2023, và phải thể hiện được 5 nội dung.

Thứ nhất và quan trọng nhất là khả năng kiểm soát dịch bệnh về cơ bản phụ thuộc vào tiến độ tiếp cận và phổ biến vaccine. Đây là điều kiện tiên quyết hướng tới phục hồi kinh tế an toàn, bền vững.

Thứ hai, khi đã thấy “lối ra” khỏi dịch bệnh, các giải pháp kinh tế vĩ mô hỗ trợ doanh nghiệp cần thực hiện nhanh, mạnh và hiệu quả hơn. Đó không chỉ giới hạn ở chính sách tiền tệ, mà cả chính sách tài khóa và đầu tư để bảo đảm phục hồi kinh tế sâu rộng ở các lĩnh vực. Gói hỗ trợ kích thích kinh tế phải được cụ thể hóa và là một phần không thể tách rời của chương trình, không phải là nhiệm vụ được thực hiện sau khi đã có chương trình.

Thứ ba, cải cách nền tảng kinh tế vi mô (môi trường kinh doanh, chính sách cạnh tranh, khoa học công nghệ....) phải được thực hiện ngay và liền mạch nhằm tạo thêm niềm tin của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát huy sáng tạo, linh hoạt và tận dụng các mô hình kinh tế mới (kinh tế số, kinh tế tuần hoàn…); giảm bớt áp lực cho chính sách kinh tế vĩ mô.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do và sâu xa hơn là tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Mặt khác, cần cân nhắc tích cực và chi tiết hơn về thời điểm, lộ trình mở cửa đường bay quốc tế. 

Thứ năm, phát huy bình đẳng giới trong hoạt động kinh tế. Một định hướng quan trọng là hỗ trợ lao động nữ nhanh chóng tiếp thu và phát triển các kỹ năng thân thiện với kinh tế số.

Chương trình phục hồi kinh tế cần phát huy bình đẳng giới trong hoạt động kinh tế
Ảnh: V.Thủy

Làm sâu sắc hơn vai trò của Quốc hội

- Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra rằng tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu. Theo bà, làm thế nào để khắc phục tình trạng này?

- Có thể nói, dịch Covid-19 “ập đến” bất ngờ với tất cả các nền kinh tế. Tuy nhiên, sau hai năm “chiến đấu” với dịch bệnh, chúng ta đã có những kinh nghiệm, bài học trong phòng, chống dịch, vẫn kiên trì với mục tiêu kép. Không ít địa phương đã thực hiện khá linh hoạt, sáng tạo để vượt khó. Thêm nữa, khó khăn do dịch Covid-19 ít nhiều cũng gây “áp lực tích cực” để các địa phương phát huy hợp tác, “chi viện” cho nhau vì mục tiêu chung. Bài học quan trọng là cần khơi thông trách nhiệm của các cấp, trên cơ sở chung nhận thức về yêu cầu và cơ hội từ phục hồi kinh tế. 

-  Theo bà, Quốc hội đóng vai trò như thế nào trong hành trình khôi phục, thúc đẩy kinh tế?

- Thời gian qua, Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ và ủng hộ các quyết sách của Chính phủ về phòng chống dịch cũng như tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh. Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 30/2021/QH15, trong đó tập trung nhiều vào các giải pháp chưa có tiền lệ được trao cho Chính phủ để tăng cường phòng, chống dịch. Tiếp đó là Nghị quyết 268/NQ-UBTVQH15 cho phép Chính phủ ban hành nghị quyết có một số nội dung khác với quy định của luật để đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch.

Để tạo thuận lợi hơn cho phục hồi tăng trưởng kinh tế, Quốc hội cần phát huy công tác xây dựng luật để củng cố khung pháp lý cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, kể cả các hoạt động kinh tế mới. Cùng với đó, lắng nghe tiếng nói của cử tri để đưa ra những lĩnh vực khó khăn, bất cập liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh mà Chính phủ cần đặc biệt lưu tâm, xử lý. Quốc hội cũng cần tiếp tục yêu cầu Chính phủ thực hiện hiệu quả hơn các FTA, đặc biệt là những kiến nghị quan trọng của Quốc hội trong cuộc giám sát về vấn đề này.

Kỳ họp đầu tiên của Quốc hội Khóa XV đã cho thấy những hành động bước đầu của Quốc hội theo hướng này. Tôi tin tưởng Quốc hội sẽ làm sâu sắc hơn những nội dung này trong thời gian tới, song song với những ý tưởng và kết quả thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế của Chính phủ.

- Xin cảm ơn bà!

Vũ Thủy thực hiện